Bệnh viêm mũi dị ứng có lây truyền không?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Bệnh viêm mũi dị ứng có lây truyền không?
Viêm mũi dị ứng là căn bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở những người có cơ địa dị ứng. Nhiều người nghĩ rằng căn bệnh này có thể lây truyền, điều này có đúng không?

1. Bệnh viêm mũi dị ứng không lây truyền

Viêm mũi dị ứng là căn bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất chính là lứa tuổi trẻ em và trung niên, viêm mũi dị ứng tuy không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng nếu không được điều trị sớm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Viêm mũi dị ứng xuất hiện khi niêm mạc mũi tiếp xúc với các dị nguyên nhân dị ứng như phấn hoa, bụi hay lông động vật.

Bệnh viêm mũi dị ứng xuất hiện khi cơ thể có cơ chế dị ứng, đây không phải là bệnh truyền nhiễm nên không có khả năng lây từ người sang người.

Hiện nay, người ta chia viêm mũi dị ứng thành hai loại khác nhau bao gồm:

Viêm mũi dị ứng xuất hiện theo mùa: Viêm mũi dị ứng xuất hiện theo mùa thường diễn ra vào mùa xuân hay mùa thu đông khi thời tiết nồm ẩm hay có nhiều phấn hoa, bụi mịn,…

Viêm mũi dị ứng quanh năm: Những người bị viêm mũi dị ứng quanh năm có thể xuất hiện viêm mũi dị ứng ở bất kỳ thời gian nào trong năm, khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên.

Bệnh viêm mũi dị ứng tuy không ảnh hưởng tới tính mạng và cũng là chứng bệnh lành tính nhưng bệnh thường xuyên tái phát nên ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cũng như đời sống hàng ngày của người bệnh. Khi điều trị viêm mũi dị ứng không triệt để có thể gây biến chứng polyp mũi, polyp xoang...

2. Biện pháp phòng bệnh viêm mũi dị ứng

Để phòng bệnh viêm mũi dị ứng trong tất cả các mùa trong năm, bạn đọc cần áp dụng một số biện pháp dưới đây:

Giữ đủ ấm cho cơ thể khi thời tiết gia mùa. Trong giai đoạn này, những người có cơ địa dị ứng cần cảnh giác với chứng bệnh này, đồng thời lưu ý tới một số điểm sau:

Hạn chế nuôi vật nuôi như chó, mèo,… vì lông của chúng có thể kích hoạt phản ứng dị ứng, đồng thời hạn chế tối đa tiếp xúc với vật nuôi.

Thường xuyên vệ sinh đồ dùng sinh hoạt hàng ngày để tránh hiện tượng tích tụ bụi mịn, bụi cũng có thể là một trong những tác nhân gây viêm mũi dị ứng. Đồng thời, giữ môi trường sống luôn sạch sẽ, thoáng mát cũng giúp bạn phòng tránh được nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.

Đảm bảo vệ sinh cá nhân tốt, đồng thời không hút thuốc lá, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá, nên đeo khẩu trang khi đi ngoài đường hay khi dọn dẹp nhà cửa để tránh tiếp xúc với bụi mịn.

3. Các thuốc dùng để điều trị viêm mũi dị ứng

Ngoài việc chủ động phòng bệnh viêm mũi dị ứng bằng những biện pháp như trên, người bệnh cũng cần sử dụng thuốc điều trị viêm mũi dị ứng. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng thường dùng hiện nay bao gồm:

Thuốc kháng histamin: Nhóm thuốc kháng histamin có công dụng hạn chế ngứa mũi, chảy nước mũi, hắt hơi,..

Nhóm corticoid: Nhóm corticoid thường được dùng ở dạng hít nhằm mang tới hiệu quả điều trị nhanh chóng, sử dụng bằng cách hít thường có tác dụng nhanh chóng trong khoảng 24 - 48 giờ. Tuy nhiên, để tránh nhờn thuốc cũng như tránh tổn thương niêm mạc mũi, người bệnh cần lưu ý chỉ sử dụng đủ ngày, đủ liều.

Đối với nhóm corticoid một số thuốc thường được sử dụng cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng bao gồm budesonide, fluticasone,… Khi sử dụng thuốc nhóm corticoid người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như đau đầu, viêm họng, kích thích họng khiến người bệnh ho, buồn nôn, nôn,…

Nhóm chống nghẹt mũi: Nhóm chống nghẹt mũi cũng là một trong những thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng. Sử dụng dung dịch natri clorid đẳng trương (0,9%) để làm sạch dịch nhầy cũng như các tác nhân gây dị ứng ở mũi là điều vô cùng cần thiết, dung dịch này có thể sử dụng cho mọi lứa tuổi.

Một số người mắc viêm mũi dị ứng cũng có thể được chỉ định sử dụng thêm các thuốc như Naphazolin, Naphazolin làm cường giao cảm, co mạch tại chỗ để chống hiện tượng nghẹt mũi. Tuy nhiên, không nên lạm dụng vì chúng có thể gây co mạnh quá mức làm cho tình trạng nghẹt mũi trở nên nghiêm trọng hơn.


Tác giả: Phạm Thị Mai