Tác dụng phụ của một số loại thuốc giảm đau ung thư tuyến tiền liệt

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Tác dụng phụ của một số loại thuốc giảm đau ung thư tuyến tiền liệt
Một số loại thuốc giảm đau như opioids, không opioid hay steroid có thể gây ra những tác dụng phụ cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt.

Cơn đau sẽ không biến mất ngay lập tức sau khi sử dụng thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt. Cần có thời gian cho việc hấp thụ thuốc và để chúng bắt đầu tác động lên các cơn đau của cơ thể.

Tất cả các loại thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt đều có thể gây ra tác dụng phụ. Dưới đây là những mô tả về tác dụng phụ của các nhóm thuốc giảm đau này. Lưu ý là tác dụng phụ có thể có hoặc không xảy ra tuỳ ở từng bệnh nhân.

Để biết thêm về cách kiểm soát tác dụng phụ thì cần phải trao đổi với bác sĩ của bạn để có thể được tư vấn cụ thể.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc giảm đau ung thư tuyến tiền liệt:

1. Nhóm thuốc không chứa opioid

Đây là nhóm thuốc giảm đau cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt dạng nhẹ. Chúng gồm có paracetamol và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ví dụ như ibuprofen hay naproxen. Bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có thể được chỉ định uống nhóm thuốc này kết hợp với các loại thuốc giảm đau mạnh hơn.

NSAID có thể giúp giảm tình trạng viêm và cơn đau cho người bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Nếu dùng thuốc NSAID trong thời gian dài có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

- Kích ứng da

- Loét dạ dày

- Các vấn đề về thận

- Các vấn đề về tim mạch.

Thuốc giảm đau không steroid chống chỉ định đối với bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có các vấn đề liên quan tới tim mạch, dạ dày hay thận.

2. Nhóm thuốc opioid

Nhóm thuốc giảm cơn đau mạnh hơn gọi là thuốc opioid. Các thuốc tiêu biểu như morphine, yếu hơn morphine thì có codein hay tramadol. Thuốc giảm đau opioid cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt có thể ở dạng viên hay dạng lỏng.

Bệnh nhân có thể được sử dụng thuốc tác dụng giảm đau chậm để tránh phải sử dụng nhóm thuốc này thường xuyên.

Nếu thuốc viên hoặc thuốc dạng lỏng khó nuốt thì có thể thay thế bằng liều opioid tiêm liên tục thông qua kim truyền dưới da. Lượng thuốc sẽ được giữ ở mức ổn định để không gây nguy hiểm cho cơ thể của bệnh nhân.

Ngay cả khi đang dùng thuốc giảm đau opioid thì bệnh nhân vẫn có thể bị đau đột ngột. Lúc này bác sĩ có thể kê thêm một liều opioid tác dụng nhanh để giảm đau nhanh chóng.

Giống như tất cả các loại thuốc thì opioid cũng có thể gây ra một vài tác dụng phụ:

- Táo bón: Hầu hết bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt đều trải qua tình trạng này khi sử dụng opioid. Bác sĩ có thể cung cấp thêm thuốc hỗ trợ việc tiêu hoá (thuốc nhuận tràng) để việc đại tiện được dễ dàng hơn. Ngoài ra thì người bệnh có thể cải thiện bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều chất xơ và tập thể dục đều đặn.

Nếu táo bón không có dấu hiệu thuyên giảm thì nên nói chuyện với bác sĩ chứ không nên tự ý ngừng sử dụng thuốc giảm đau.

- Mệt mỏi và buồn nôn: Cảm giác buồn nôn có thể đến và đi trong vào ngày đầu khi sử dụng opioid. Nếu như nó xảy ra bác sĩ sẽ kê thêm thuốc chống buồn nôn cho bạn hoặc chỉ định thay thế một loại thuốc khác nếu không có dấu hiệu cải thiện.

- Buồn ngủ: tình trạng buồn ngủ hoặc khó tập trung có thể xảy ra khi bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt bắt đầu dùng thuốc. Khi cơ thể đã quen dần thì vấn đề này sẽ được cải thiện.

- Khô miệng: để cải thiện nó bệnh nhân có thể uống nước lạnh hoặc nhai kẹo cao su, mút kẹo tăng tiết nước bọt.

3. Steroid

Sử dụng steroid có thể gây ra một số vấn đề sau:

- Tăng nguy cơ bị loãng xương

- Tăng cân

- Nguy cơ bị nhiễm trùng do hệ miễn dịch bị suy giảm. Bệnh nhân nên tránh tiếp xúc với nguồn bệnh lao hoặc thuỷ đậu

- Tăng đường huyết khiến nguy cơ bị tiểu đường tăng cao

- Tăng huyết áp

- Xuất hiện những vấn đề về da như dễ bầm tím, da mỏng hoặc bị thương khó lành

- Các cơ bị yếu

- Gây ra một số vấn đề liên quan tới tâm lý, thần kinh như trầm cảm, hoang tưởng, động kinh

- Nguy cơ bị đục thuỷ tinh thể

- Dễ bị loét dạ dày, loét tá tràng

- Khó tiêu, đau bụng.

4. Bisphosphonate

Bisphosphonates khi được dùng cho bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt qua đường miệng có thể gây ra tình trạng kích ứng, viêm dạ dày và thực quản. Khiến bệnh nhân khó nuốt và bị trào ngược dạ dày hoặc khó tiêu. Ngoài ra thì tác dụng phụ khác có thể là đau nhức xương khớp.

Các tác dụng phụ hiếm gặp khác có thể kể đến như hoại tử xương hàm khi sử dụng liên tục với liều cao và thời gian dài.


Nguồn dịch: https://prostatecanceruk.org/prostate-information/advanced-prostate-cancer/managing-pain-in-advanced-prostate-cancer

Tác giả: Phạm Thanh