Các vấn đề sức khỏe dễ nhầm lẫn với ung thư tuyến tiền liệt

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Các vấn đề sức khỏe dễ nhầm lẫn với ung thư tuyến tiền liệt
Hướng dẫn phân biệt ung thư tuyến tiền liệt với các vấn đề dễ nhầm lẫn như phì đại, vấn đề ở bàng quang,... giúp xác định bệnh chính xác hơn. Đây cũng là những bệnh cần phân biệt trong chẩn đoán lâm sàng.

1. Phân biệt ung thư tuyến tiền liệt và ung thư bàng quang

1.1. Triệu chứng ung thư tuyến tiền liệt và bàng quang

* Dấu hiệu khi tiểu:

- Ung thư tuyến tiền liệt: tiểu khó, dòng tiểu chậm và chảy nhỏ giọt cho tới khi hết. Có thể xuất hiện máu trong nước tiểu, trong tinh dịch.

- Ung thư bàng quang: tiểu ra máu (loại không đau)

* Tần suất tiểu tiện:

- Ung thư tuyến tiền liệt: tiểu thường xuyên, bao gồm cả tiểu dắt, tiểu đêm

- Ung thư bàng quang: đi tiểu nhiều lần

Ngoài ra: Ung thư tuyến tiền liệt còn gặp các triệu chứng như đau lưng, hông, yếu chi.

1.2. Chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt và ung thư bàng quang

* Siêu âm:

- Ung thư tuyến tiền liệt: không thể hiện được các đặc tính chẩn đoán trừ khi xuất hiện các hạch ung thư.

- Ung thư bàng quan: siêu âm chỉ có thể phát hiện những khối u có kích thước ít nhất là 1 cm.

* Xét nghiệm:

- Ung thư tuyến tiền liệt: xét nghiệm máu có tên kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) - đây là xét nghiệm phổ biến nhất giúp phát hiện xem bạn có bị mắc ung thư tuyến tiền liệt hay không. Việc thăm khám trực tràng cũng có thể giúp tăng tỷ lệ phát hiện bệnh nếu như bác sĩ chẩn đoán có thể sờ thấy được khối u cứng.

Nhìn chung thì việc chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt sẽ được khẳng định dựa trên kết quả sinh thiết tế bào ung thư qua trực tràng và có thể kết hợp cùng với kết quả của siêu âm.

- Ung thư bàng quang: các khối u nhỏ hơn nên thường được phát hiện thông qua kỹ thuật soi bàng quang. Ngoài ra thì kết luận có bị ung thư bàng quang hay không cũng dựa vào kết quả chọc sinh thiết từ bàng quang.

2. Phân biệt ung thư tuyến tiền liệt và phì đại tuyến tiền liệt

2.1. Dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt và phì đại có gì khác nhau?

Cả ung thư tuyến tiền liệt và phì đại tuyến tiền liệt đều có những dấu hiệu tương tự nhau nên rất dễ gây nhầm lẫn. Thông thường phải trải qua xét nghiệm thì mới có thể dễ dàng chẩn đoán được. Một vài dấu hiệu chung của ung thư tuyến tiền liệt và phì đại tuyến tiền liệt về vấn đề tiểu tiện:

- Tiểu gấp, tiểu đêm, tiểu nhiều

 - Nước tiểu yếu

- Bí tiểu

- Bàng quang lúc nào cũng có cảm giác bị đầy (nghĩa là buồn tiểu tiện ngay khi vừa mới đi tiểu xong).

Ngoài những dấu hiệu trên thì bệnh nhân bị ung thư tuyến tiền liệt có thể có những triệu chứng khác như:

- Tiểu rát

- Trong nước tiểu hay trong tinh dịch có máu

- Rối loạn cương dương

 Xuất tinh bị đau, tinh dịch ít

2.2. Nguyên nhân gây bệnh

Sự tăng trưởng của tuyến tiền liệt đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chắc chắn nhưng cơ bản là hormone bị thay đổi sẽ kích thích sự phát triển bất thường này. Thêm nữa, với nam giới trong độ tuổi từ 40 trở lên có nguy cơ bị bệnh càng cao.

Bệnh ung thư tuyến tiền liệt tiến triển khi những tế bào tuyến tiền liệt bị mẩt kiểm soát và có sự phân chia bất thường. Nguyên nhân của triệu chứng này có thể là sự thay đổi trong nhân tế bào (DNA) đến từ gene di truyền của bố mẹ hoặc những nguyên nhân khác như béo phì, do môi trường sinh sống độc hại,...

Với phì đại tuyến tiền liệt thì có thể nguyên nhân đến từ biến chứng của bệnh tiểu đường, tim mạch hoặc do tác dụng phụ của một số thuốc điều trị hạ huyết áp.

2.3. Phương pháp điều trị

Điều trị ung thư tuyến tiền liệt và phì đại tuyến tiền liệt đều có sự khác nhau nhất định. Cụ thể, với phì đại tuyến tiền liệt thì bác sĩ sẽ quan sát vào tình trạng của bệnh lý mà quyết định điều trị hay không điều trị. Thường thì với phì đại tuyến tiền liệt chữa trị chủ yếu là dùng thuốc, nếu nặng hơn có thể phải phẫu thuật.

Riêng với ung thư tuyến tiền liệt, vì là bệnh lý ác tính nên phương pháp điều trị cũng mang tính chất cao hơn. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt hiện nay có thể là phẫu thuật, xạ trị, hoá trị, liệu pháp hormone,... Những phương pháp này có thể sử dụng độc lập hoặc kết hợp với nhau tuỳ thuốc vào mức độ (giai đoạn) bệnh.

3. Phân biệt ung thư tuyến tiền liệt và viêm tuyến tiền liệt

 3.1. Về nguyên nhân

Bệnh viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt là bệnh lý dạng thứ phát của bệnh viêm niệu đạo, viêm tinh nang hay viêm mào tinh hoàn hoặc những dạng viêm vùng lân cận của trực tràng.

Bệnh có nguyên nhân do:

- Tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn và trực tràng đại tràng tấn công

- Nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng niệu đạo

- Quan hệ tình dục không lành mạnh gây nhiễm trùng

- Nhiễm trùng có thể thông qua đường máu, từ dưới lên,...

Riêng đối với viêm tuyến liệt không phải do vi khuẩn thì rất khó để tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Nguyên nhân ung thư tuyến tiền liệt chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên những thói quen sinh hoạt không lành mạnh hoặc thể người mang gene di truyền có nguy cơ bị bệnh ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.

Một số thói quen sinh hoạt không tốt điển hình như:

- Ăn nhiều thịt đỏ, tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo.

- Ăn thiếu rau xanh, chất xơ và vitamin cần thiết cho cơ thể.

- Tiêu thụ một lượng canxi lớn.

- Môi trường sinh sống, làm việc khói bụi, độc hại.

3.2. Về triệu chứng

Viêm tuyến tiền liệt

Viêm tuyến tiền liệt có 3 dạng chính là nhiễm khuẩn dạng cấp tính, nhiễm khuẩn dạng mãn tính và thể mãn tính không phải do vi khuẩn gây ra. 3 loại này sẽ có những biểu hiện khác nhau, cụ thể như sau:

- Viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn độ cấp tính:

+ Sốt cao, cảm cúm

+ Đau vùng dưới thắt lưng hoặc vùng sinh dục ở khu vực tuyến tiền liệt

+ Tiểu rắt, tiểu buốt, khó tiểu và đôi khi có thể kèm máu

+ Xuất tinh khó và đau có thể có máu

- Viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn độ mãn tính:

+ Những biểu hiện tương tự với viêm tuyến tiền liệt do nhiễm khuẩn cấp tính nhưng có tiến triển bệnh chậm hơn.

+ Cơn đau vùng tuyến tiền liệt ngắt quãng và kéo dài

+ Sốt nhẹ

+ Đi tiểu về đêm

+ Có dấu hiệu viêm bàng quang tái phát.

- Viêm tuyến tiền liệt dạng mãn tính không phải do vi khuẩn: Có những dấu hiệu tương tự với viêm mãn tính do vi khuẩn gây ra tuy nhiên người bệnh không có dấu hiệu bị sốt. Khi xét nghiệm nước tiểu hay dịch cũng không tìm được vi khuẩn. Đôi khi sẽ tìm thấy những tế bào mủ trong nước tiểu.

Bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Bệnh ung thư tuyến tiền liệt vào giai đoạn đầu thường không có biểu hiện cụ thể và rõ ràng nên rất dễ nhầm lẫn. Chỉ khi thăm khám sức khoẻ mới "tình cờ" phát hiện được. Đây chính là lý do nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện ở giai đoạn đầu rất ít.

Đầu tiên là dấu hiệu về niệu đạo. Những biểu hiện ở niệu đạo khá nhẹ nhàng. Đái rắt về đêm có thể xảy ra và sau đó lan ra cả ngày. Vùng niệu đạo có dấu hiệu bị đau, đau ở tầng sinh môn hay hậu môn lúc đi tiểu tiện.

Tiểu ra máu là dấu hiệu bệnh ung thư tuyến tiền liệt thứ hai cần lưu ý. Tuy nhiên biểu hiện này thường ít gặp.

Ngoài những đặc trưng trên thì người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt còn bị táo bón, mót rặn và buốt khi đi tiểu.

3.3. Ai có nguy cơ mắc?

Viêm tuyến tiền liệt là bệnh lý thường gặp ở tuổi thành niên. Còn bệnh ung thư tuyến tiền liệt rất hiếm gặp ở đối tượng nam giới dưới 45 tuổi. Tuy nhiên hiện nay bệnh đang có dấu hiệu trẻ hoá nên vẫn cần phải thận trọng.

Đặc biệt, nhiều người không bao giờ biết họ bị ung thư tuyến tiền liệt. Kết quả khám nghiệm tử thi ở một số đối tượng cho thấy, khoảng 30% trường hợp nam giới ở tuổi 50, và 80% trong độ tuổi 70 chết vì một lý do khác mà không biết mình đã mắc ung thư tuyến tiền liệt.


Tác giả: KP