Có những phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt nào?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Có những phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt nào?
Phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt được xem là phương pháp điều trị phổ biến nhất khi tế bào ung thư còn ở giai đoạn khu trú trong tuyến tiền liệt và chưa xâm lấn sang các cơ quan lân cận hoặc cơ quan xa khác.

1. Phương pháp phẫu thuật mở cắt tuyến tiền liệt triệt căn.

Phẫu thuật mở hay còn được hiểu là phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt triệt căn thông qua một vết cắt dài để loại bỏ tuyến tiền liệt và các mô lân cận. Phương pháp này hiện nay ít được áp dụng so với trước đây. Có hai cáh thức chính để thực hiện phẫu thuật dạng này:

1.1 Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt triệt căn sau khớp mu

Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt triệt căn sau khớp mu là phẫu thuật mở.  Bác sĩ sẽ tạo ra một vết mổ (vết cắt) thuộc phần bụng dưới của bệnh nhân từ rốn cho tới xương mu. Trong quá trình mổ, người bệnh sẽ được gây mê toàn thân, gây mê tuỷ sống hoặc gây tê màng cứng cùng với thuốc giảm đau, an thần.

Dựa trên kết quả xét nghiệm PSA cùng với sinh thiết tiền liệt tuyến và một số yếu tố khác, nếu như nguy cơ tế bào ung thư đã lây lan tới các hạch bạch huyết vùng lân cận thì trong quá trình phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt này bác sĩ cũng có thể nạo vét các hạch này đồng thời.

Các hạch này sẽ được gửi đến phòng giải phẫu bệnh để xem xét có tồn tại tế bào ung thư tuyến tiền liệt hay không. Nếu như tế bào ung thư được tìm thấy trong hạch này thì bác sĩ có thể ngừng phẫu thuật. Nguyên nhân là do lúc này phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt có thể không phải là một lựa chọn điều trị thích hợp và  phẫu thuật còn có thể dẫn tới những tác dụng phụ nghiêm trọng khác.

Sau khi phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt xong, trong khi bệnh nhân vẫn còn tác dụng của thuốc gây mê sẽ được đưa một ống thông dạng mỏng, mềm dẻo vào dương vật với mục đích dẫn lưu bàng quang và được giữ nguyên vị trí từ 1 tới 2 tuần. Sau khi rút ống thông này ra bệnh nhân có thể tự tiểu tiện bình thường.

1.2. Phẫu thuật cắt tuyến tiền liệt  triệt căn đường tầng sinh môn

Với   phương pháp phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt này thì bác sĩ sẽ tạo một vết mổ ở vùng da giữa hậu môn và bìu (đáy chậu). Phương pháp này ít được sử dụng hơn vì nó có thể gây ra những tác dụng phụ liên quan tới khả năng cương cứng của dương vật, và do các hạch bạch huyết xung quanh không thể lấy bỏ khi sử dụng phương pháp này. Phẫu thuật này thường mất ít thời gian hơn, ít đau hơn và có thể hồi phục tốt hơn. Nó phù hợp cho các bệnh nhân không  cần bảo tồn vấn đề cương dương cũng như không cần vét hạch vùng, hay cho những bệnh nhân có nhiều bệnh kết hợp mà không thể phẫu thuật bằng phương pháp qua đường sau xương mu.

2. Phẫu thuật triệt căn cắt tuyến tiền liệt nội soi

Phương pháp nội soi được thực hiện với một vài vết cắt nhỏ trên thành bụng, các bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ phẫu thuật dài chuyên biệt để cắt bỏ tuyến tiền liệt từ bên ngoài. Đầu mỗi dụng cụ đều được gắn một máy quay video nhỏ cho phép bác sĩ có thể quan sát  bên trong cơ thể.

Trong những năm gần đây phương pháp này trở nên phổ biến hơn do phẫu thuật này giúp bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt bị mất ít máu hơn và có thời gian nằm viện ngắn hơn, phục hồi sớm, ống dẫn lưu bàng quang được đặt ít thời gian hơn.

3. Phẫu thuật triệt căn cắt tuyến tiền liệt nội soi có hỗ trợ của robot

Phương pháp này còn được gọi là dạng phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt bằng robot. Bác sĩ ngồi điều khiển cánh tay robot để thực hiện phẫu thuật thông qua một vài vết mổ nhỏ trên bụng bệnh nhân.

Phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt bằng robot ít mất máu và thời gian hồi phục nhanh tuy nhiên lại có những tác dụng phụ về tiết niệu (tiểu không tự chủ) hoặc cương cứng. Đối với phẫu thuật viên thì robot phẫu thuật có thể cung cấp tính cơ động và độ chính xác cao hơn khi di chuyển dụng cụ trong phẫu thuật nội soi truyền thống.

Tuy vậy thì yếu tố quan trọng nhất trong một ca phẫu thuật ung thư tuyến tiền liệt nội soi là kinh nghiệm và kỹ năng của phẫu thuật viên.


Nguồn dịch: https://www.cancer.org/cancer/prostate-cancer/treating/surgery.html

Tác giả: Phạm Thanh