Xét nghiệm PSA trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt: Quy trình, cách đọc chỉ số và những lưu ý

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Xét nghiệm PSA trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt: Quy trình, cách đọc chỉ số và những lưu ý
Xét nghiệm PSA là xét nghiệm phổ biến trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt. Tuy vậy xét nghiệm PSA vẫn có những rủi ro nhất định và không phải là phương pháp tầm soát ung thư tuyến tiền liệt cuối cùng.

1. Quy trình xét nghiệm PSA tầm soát ung thư tuyến tiền liệt

- Mẫu xét nghiệm:

+ Phải sử dụng huyết tương hoặc huyết thanh

+ Nếu mẫu thử chưa xét nghiệm ngay thì cần phải được bảo quản trữ lạnh trong 3 ngày ở nhiệt độ từ 2 độ - 8 độ C. Sau đấy để xét nghiệm PSA thì phải để mẫu ấm lên khoảng 20 - 30 độ C.

- Quy trình xét nghiệm PSA

+ Dùng máy ly tâm 3.000 RPM lấy huyết tương/huyết thanh

+ Nếu không có máy ly tâm có thể nhỏ 3 - 4ml máu vào trong ống nghiệm và để yên sau khoảng 20 phút sẽ thấy máu đông lại và huyết tương/huyết thanh sẽ nổi lên trên

+ Đặt test thử lên bàn phẳng và sạch, chờ khô ráo.

+ Dùng pipette nhỏ 03 - 04 giọt (khoảng 60µl) Huyết tương/Huyết thanh vào ô chữ (S)

+ Đọc kết quả trong vòng từ 5 đến 25 phút.

- Lưu ý:

+ Để sau 25 phút mới đọc có thể cho kết quả không chính xác

+ Vạch kết quả (T) có thể hiện lên đậm hoặc mờ tuỳ theo nồng độ kháng nguyên của từng thể trạng nhưng vẫn ghi nhận kết quả là dương tính

+ Kết quả âm tính chỉ có thể được xác định sau 20 phút.

2. Cách đọc chỉ số xét nghiệm PSA

Theo ghi nhận hiện nay thì xét nghiệm PSA không thực sự cho thấy dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến tiền liệt trừ khi nồng độ PSA trong máu thực sự cao. Theo thống kê thì có khoảng 50% đàn ông có mức PSA cao vào khoảng 10 ng/ml bị kết luận mắc ung thư tuyến tiền liệt.

Tuy vậy xét nghiệm PSA này vẫn giúp nghi ngờ ung thư và cần phải kết hợp thêm với những phương pháp tầm soát ung thư tuyến tiền liệt khác như sinh thiết, CT, chụp MRI hay chụp xạ hình xương,...

Cách đọc chỉ số xét nghiệm PSA trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt:

Giá trị bình thường của xét nghiệm PSA nhỏ hơn 4.0 ng/ml. Theo một vài chuyên gia thì có một số dạng ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm nên chỉ số tham khảo có thể xuống còn 2,5ng/ml máu. Khả năng mắc ung thư tuyến tiền liệt được tóm tắt như sau:

+ Chỉ số xét nghiệm PSA > 10 ng/ml: có 67% nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt

+ Chỉ số xét nghiệm PSA rơi vào khoảng từ 4 ng/ml - 10 ng/ml: có 25% nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Đối với nam giới cao tuổi thì tỷ lệ này có thể lớn hơn. Đây được gọi là vùng xám. Với vùng xám có mức độ PSA tự do giảm thì xác suất bị ung thư tuyến tiền liệt cao hơn. Còn với vùng xám có mức độ PSA tự do tăng thì rủi ro mắc bệnh được giảm bớt.

Tỷ lệ  fPSA/tPSA có thể giúp bác sĩ quyết định có hay không chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt. Phân loại nồng độ xét nghiệm PSA:

- PSA vận tốc: sự thay đổi mức PSA theo thời gian. Nếu như PSA tiếp tục gia tăng đáng kể khoảng 3 lần trong ít nhất là 18 tháng thì có nhiều khả năng bệnh ung thư tuyến tiền liệt sẽ xảy ra. Nếu như nồng độ này tăng lên một cách nhanh chóng thì có thể xem là ung thư đã di căn hoặc tiến triển nhanh hơn ban đầu.

- PSA mật độ: có sự so sánh giữa mật độ PSA với khối lượng của tuyến tiền liệt. Với nam giới có tuyến tiền liệt lớn sẽ có xu hướng sản xuất nhiều chất PSA hơn.

- PSA theo độ tuổi: do nồng độ PSA có sự gia tăng tự nhiên theo độ tuổi của nam giới nên giá trị thu được kết quả cần cân đối phù hợp.

3. Mục đích khác của xét nghiệm PSA

Xét nghiệm PSA không chỉ được sử dụng trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt mà còn được sử dụng như một phương pháp kiểm tra mức độ hiệu quả của phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt.

Sau điều trị, nồng độ PSA sẽ bắt đầu giảm, nó sẽ ở mức rất thấp hoặc thậm chí là không phát hiện được trong máu. Còn nếu như sau điều trị nồng độ PSA không giảm xuống thì có nghĩa là phác đồ điều trị không hiệu quả.

Xét nghiệm PSA còn dùng trong kiểm tra ung thư tuyến tiền liệt tái phát, di căn. Việc xét nghiệm PSA định kỳ sau điều trị rất có giá trị trong theo dõi, đánh giá sự tái phát di căn của bệnh ung thư tiền liệt tuyến.


Tác giả: Phạm Thanh