Triệu chứng ngộ độc sắt ở trẻ nhỏ và cách xử lý

Triệu chứng ngộ độc sắt ở trẻ nhỏ và cách xử lý
Sắt là một nguyên tố quan trọng trong cơ thể con người, đặc biệt là nó có tác động tới việc sản xuất hồng cầu. Tuy nhiên, bổ sung một lượng lớn sắt dư thừa sẽ gây ra ngộ độc sắt cấp tính. Ngộ độc sắt ở trẻ em có thể khiến trẻ bị hôn mê, nếu không điều trị kịp thời dễ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Ngộ độc sắt cấp tính là trường hợp xảy ra khi một người, thường là trẻ em, nuốt một số lượng lớn thuốc chứa sắt. Tình trạng này chủ yếu liên quan đến trẻ em dưới 6 tuổi nuốt phải các viên vitamin trẻ em hoặc người lớn có chứa hàm lượng sắt, vì vậy rất khó có thể tìm hiểu xem chúng đã uống phải thuốc gì hoặc uống bao nhiêu.

Trên thực tế hiện nay, muối sắt có sẵn trong nhiều chế phẩm. ví dụ, sắt sulfate có sẵn dưới dạng giọt, siro, thuốc tiêm, viên nang và viên nén. Các loại thuốc chứa sắt này được sử dụng rộng rãi và có sẵn mà không cần toa bác sĩ. Chúng cũng có thể được đựng trong các chai không có nắp kín chống trẻ em nên rất dễ bị nuốt phải.

Lượng sắt cần thiết cho trẻ thường phụ thuộc và độ tuổi, cân nặng của trẻ. Một đứa trẻ 8 tuổi có thể không có triệu chứng nào trong khi các triệu chứng lại xảy ra nghiêm trọng ở trẻ 3 tuổi. Thông thường, các triệu chứng sẽ xuất hiện khi dùng một liều lớn hơn 20 mg/kg cân nặng.

Sắt thường được bài chế bằng dạng uống, thường khiến trẻ nhầm lẫn với kẹo hoặc đồ ăn. Nếu bạn biết, hoặc thậm chí nghi ngờ rằng trẻ đã nuốt một lượng lớn các chế phẩm từ sắt, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay.

1. Nguyên nhân gây ngộ độc sắt ở trẻ nhỏ

Ngộ độc sắt thường do 2 nguyên nhân:

-  Các viên thuốc sắt có thể trông giống như kẹo, và trẻ em vô tình nuốt phải một lượng lớn gây quá liều cho phép.

-  Uống quá liều sắt có chủ ý cũng có thể xảy ra ở người lớn, nhưng trường hợp này rất hiếm.

2. Triệu chứng ngộ độc sắt

Các triệu chứng ngộ độc sắt thường dễ nhận biết trong vòng 6 giờ sau khi nuốt. Sắt có thể ăn mòn niêm mạc ruột của bạn và là chất gây kích ứng trực tiếp đến dạ dày. Ngộ độc sắt ở trẻ thường có những biểu hiện:

- Nôn mửa.

- Tiêu chảy.

- Đau bụng.

- Mất nước và có thể hôn mê nếu không được điều trị đầy đủ.

- Ở một vài trường hợp, trẻ em có thể nôn hoặc đi ngoài ra máu.

Thông thường, sau khi được điều trị y tế, các triệu chứng tiêu hóa sẽ được cải thiện trong vòng 6 đến 24 giờ sau khi khởi phát. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị ngộ độc sâu và không được điều trị đầy đủ, có thể dẫn đến sốc và tử vong.

Tùy thuộc vào lượng chất sắt nạp vào cơ thể mà độc tính có thể khác nhau. Liều điều trị thông thường cho bệnh nhân thiếu sắt thiếu máu là 3-6 mg/ kg trọng lượng/ ngày. Hiện tượng ngộ độc sắt bắt đầu xảy ra ở liều trên 20 mg/kg cân nặng. Sử dụng trên 60 mg/kg cân nặng sẽ dẫn tới ngộ độc nghiêm trọng.

3. Cách xử lý

Gọi cho bác sĩ, trung tâm kiểm soát chất độc tại địa phương hoặc đến trực tiếp khoa cấp cứu của bệnh viện gần nhất nếu bạn nghi ngờ con bạn đã nuốt phải các loại vitamin có chứa sắt, ngay cả khi không có triệu chứng. Hãy mang theo  Mang theo vỏ của lọ vitamin mà con bạn đã nuốt đến cơ sở y tế.

Nếu bạn nhìn thấy con mình đã nuốt các viên thuốc hoặc thấy hộp đựng thuốc trống rỗng hay trẻ nói với bạn rằng chúng đã nuốt viên thuốc, hãy ngay lập tức đưa trẻ đến khoa cấp cứu của bệnh viện.

4. Chẩn đoán ngộ độc sắt ở trẻ nhỏ

Nếu có thể, hãy nói với bác sĩ loại thuốc bổ sung sắt và số lượng viên mà con bạn nuốt. Việc chẩn đoán ngộ độc sắt thường được thực hiện bằng cách quan sát đối tượng. Một cuộc kiểm tra thể chất cho kết quả bình thường và không có triệu chứng nào trong 6 giờ chứng minh rằng cơ thể hoàn toàn bình thường và không nuốt nhầm sắt.

Bác sĩ cũng có thể lấy máu từ bệnh nhân để xác định các mức sau:

- Hàm lượng sắt.

-  Số lượng tế bào máu.

-  Kết quả hóa sinh máu.

Bác sĩ cũng có thể yêu cầu chụp X-quang bụng của bệnh nhân để xác nhận xem có thuốc sắt trong đường tiêu hóa hay không, mặc dù đôi khi thuốc có thể ở đó và không được nhìn thấy. Các xét nghiệm hình ảnh và xét nghiệm thường không đủ nhạy để phát hiện ngộ độc. Một số xét nghiệm cũng quá chậm để ảnh hưởng đến chẩn đoán và xử lý hiện tượng ngộ độc sắt ở trẻ.

5. Điều trị ngộ độc sắt 

Để điều trị ngộ độc sắt ở trẻ nhỏ, trước tiên bác sĩ sẽ đảm bảo bệnh nhân thở bình thường. Sau đó, bệnh nhân có thể sẽ được làm sạch ruột bằng cách uống một chất lỏng đặc biệt.

Các trường hợp nhiễm độc nặng sẽ cần điều trị thải sắt IV (tiêm tĩnh mạch). Bệnh nhân nhận được một loạt IV chứa deferoxamine mesylate (Desferal), một hóa chất liên kết với sắt trong máu và sau đó được bài tiết qua nước tiểu. Deferoxamine có thể được dùng bằng cách tiêm, truyền qua tĩnh mạch hoặc uống, nhưng đường tiêm truyền tĩnh mạch được ưu tiên để điều chỉnh liều dễ dàng hơn. Thay đổi màu nước tiểu thành màu đỏ cam và huyết áp thấp là tác dụng phụ phổ biến khi điều trị bằng deferoxamine. Thông thường trẻ em cần không quá 24 giờ trị liệu.

Để điều trị ngộ độc sắt ở trẻ nhỏ, bác sĩ cũng có thể thực hiện phương pháp rửa ruột. Nhưng nhìn chung, nó chỉ hữu ích nếu được thực hiện trong vòng 1 giờ sau khi nuốt viên thuốc. Việc đặt ống rửa dạ dày có thể gây ra các biến chứng. 

Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân cũng đã nuốt phải các loại thuốc khác, bác sĩ có thể kê đơn than hoạt tính để uống. Than hoạt tính không liên kết với sắt, nhưng nó có thể hữu ích trong việc hấp thụ các loại thuốc khác.

6. Tự chăm sóc tại nhà

Nếu bạn nghi ngờ trẻ em đã vô tình nuốt viên sắt, hãy gọi bác sĩ hoặc trung tâm kiểm soát chất độc ngay lập tức.

Đừng cố gây nôn dù là bằng tay hoặc bằng siro ipecac. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc chẩn đoán mức độ ngộ độc. Mang theo hộp đựng thuốc cùng với bạn đến bệnh viện.

Bên cạnh đó, cần phòng tránh việc này xảy ra bằng cách giữ thuốc ở nơi trẻ em không thể với tới được. Giáo dục trẻ em rằng những viên thuốc không phải là kẹo và có thể gây hại. 

Khả năng phục hồi hoàn toàn cho trẻ em (hoặc người lớn) không có triệu chứng trong ít nhất 6 giờ sau khi nuốt thuốc. Những người có triệu chứng có thể bị bệnh và cần điều trị y tế tích cực hơn.

Ngộ độc sắt có thể tiến triển qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn muộn ảnh hưởng tới gan có thể xuất hiện từ  2 đến 5 ngày sau khi uống. Đối với trẻ nhỏ hay người trưởng thành bị ngộ độc sắt đều có thể bị tăng men gan, có thể dẫn đến suy gan. Một triệu chứng muộn khác liên quan đến sẹo đường tiêu hóa xảy ra khoảng 4 - 6 tuần sau khi uống.

Nguồn dịch: https://www.webmd.com/a-to-z-guides/iron-poisoning#3


Tác giả: Anh Dũng