Sốt siêu vi ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Sốt siêu vi ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu và phương pháp điều trị
Sốt siêu vi ở trẻ em tuy là căn bệnh thường gặp nhưng những biến chứng do sốt siêu vi gây ra lại rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến não bộ và hệ hô hấp của trẻ.

1. Khái niệm sốt siêu vi ở trẻ em

Sốt siêu vi ở trẻ em là thuật ngữ dùng để chỉ chung các loại sốt có nguyên nhân do nhiễm phải các loại virus khác nhau. Đa phần các trường hợp mắc sốt siêu vi đều sẽ tự khỏi sau một vài ngày và không gây bất kỳ nguy hiểm gì. Tuy nhiên nếu gặp phải trường hợp bệnh có cấp độ nặng, tiến triển nhanh cần lập tức tới bệnh viện để bác sĩ có thể tiện theo dõi và điều trị. Sốt siêu vi ở trẻ em nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến não và hệ thần kinh, do vậy cha mẹ cần cẩn thận khi theo dõi diễn biến phát bệnh của trẻ.

2. Nguyên nhân dẫn tới sốt siêu vi ở trẻ em

Sốt siêu vi hay còn có tên khác là sốt virus mắc phải khi cơ thể bị nhiễm các loại siêu vi trùng(virus) khác nhau khiến cho trẻ bị sốt cao. Các loại virus gây bệnh này rất nhiều điển hình như virus cúm, virus rhinovirus, Coronavirus: Adenovirus, enterovirus,....

Thời điểm bùng phát sốt siêu vi ở trẻ em nhất là vào lúc giao mùa. Lúc này bởi sự thời tiết thay đổi đột ngột từ lạnh sang nóng ẩm hoặc từ nóng sang lạnh, virus phát triển mạnh, đồng thời cơ thể của trẻ chưa kịp thích ứng dẫn tới dễ bị mắc bệnh.

Đa phần trẻ sẽ khỏi trong vòng từ 7 đến 10 ngày nếu bệnh sớm được phát hiện và được điều trị tích cực. Tuy bệnh không quá nguy hiểm nhưng phụ huynh không được quá chủ quan. Bởi nếu trẻ không được điều trị sớm sẽ có thể dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm.

3. Những dấu hiệu nhận biết sốt siêu vi ở trẻ em

Khi trẻ bị mắc phải sốt siêu vi thường sẽ có những dấu hiệu hiệu khá giống với một số bệnh thông thường. Bởi vậy phụ huynh cần phải chú ý đến những dấu hiệu sốt siêu vi ở trẻ em. Trong đó, các biểu hiện điển hình như cơ thể mệt mỏi, toàn thân đau nhức kèm với đó là sốt cao.

Cơn sốt có nặng hoặc nhẹ, liên tục hoặc ngắt quãng tùy vào mức độ của bệnh. Bên cạnh đó trẻ cũng có thể xuất hiện các triệu chứng khác như chảy nước mũi. nghẹt mũi, viêm đỏ hầu họng, đỏ mắt, nhức mắt, ho, đau cơ hoặc nổi ban da...

Khi sốt siêu vi vừa khởi phát, lúc này các triệu chứng của bệnh thường sẽ không được rõ ràng. Chúng rất dễ gây nhầm lẫn với nhiều bệnh lý thông thường khác.

Các trường hợp mắc sốt siêu vi ở trẻ nhỏ sẽ gây sốt vừa hoặc sốt cao, nhiệt độ từ 38 đến 39 độ C, ở một vài trường hợp nặng còn có thể lên tới 40 độ C. Đi kèm với sốt là chảy nước mũi, hắt hơi, hỏng đỏ khô rát. Ở giai đoạn này trẻ nhỏ thường quấy khóc do khu vực cổ bị sưng khiến bé đau đầu, người uể oải và mỏi cơ.

Khi bệnh đã ở giai đoạn toàn phát, nếu phụ huynh không kịp thời phát hiện và điều trị cho trẻ sẽ dẫn tới nhiều triệu chứng nặng. Điển hình như sốt cao theo từng cơn, cơ thể co giật, đôi khi có thể rơi vào trạng thái hôn mê.

Khi phát hiện sốt siêu vi ở trẻ em phụ huynh cần đặc biệt lưu ý đến những dấu hiệu sau:

- Tay chân trẻ lạnh, có dấu hiệu run rẩy bất thường, bị sốt cao trong 2 ngày liên tục.

- Trẻ bị nổi nốt phát ban trên toàn thân.

- Trẻ nôn ói nhiều, đau bụng dữ dội.

- Đi ngoài ra phân đen, ra máu.

- Hay giật mình trong đêm.

Nếu trẻ gặp phải một hay nhiều triệu chứng như trên phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bác sĩ để tiến hành thăm khám và điều trị kịp thời.

4. Phương pháp chăm sóc trẻ khi bị mắc sốt siêu vi hiệu quả tại nhà

Khoa học vẫn chưa nghiên cứu ra được bất kỳ loại thuốc đặc trị nào dành cho sốt siêu vi ở trẻ em. Các loại thuốc hiện nay chỉ có thể hỗ trợ điều trị sốt siêu vi bằng cách giúp nâng thể trạng, tăng sức đề kháng kèm theo đó là điều trị các triệu chứng và đề phòng các biến chứng của bệnh.

Khi trẻ em mắc phải sốt siêu vi nên để bé nghỉ ngơi và sử dụng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Bước đầu tiên để chăm sóc những trường hợp sốt siêu vi ở trẻ em là tiến hành kiểm tra nhiệt độ cơ thể. Nếu nhiệt độ trên 38 độ C, khi này cần cho trẻ sử dụng các loại thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ như Paracetamol với liều lượng như sau: 10-15mg/kg/lần, thuốc sẽ được chia đều để trẻ sử dụng cách nhau từ 4 đến 6h.

- Cần để trẻ nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, thoáng mát tránh ồn ào.

- Để trẻ mặc các loại quần áo dễ thấm hút mồ hôi, thoáng mát.

- Cho trẻ uống nhiều nước ngoài giúp cơ thể bổ sung lượng nước hao hụt, bài tiết các chất độc và hạ sốt.

- Cho trẻ ăn các loại đồ ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa điển hình như cháo hay súp, chia khẩu phần ăn hàng ngày thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Bởi đa phần các trường hợp sốt siêu vi ở trẻ em sẽ biếng ăn do họng bị sưng.

- Thêm vào khẩu phần ăn của trẻ các loại trái cây và nước ép trái cây thành phần có chứa nhiều vitamin C để giúp trẻ tăng cường thêm sức đề kháng.

5. Các biện pháp để giúp phòng ngừa sốt siêu vi ở trẻ em

- Để có thể phòng ngừa sốt siêu vi hiệu quả, điều đầu tiên là tăng cường và nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Do đó bạn cần áp dụng chế độ ăn uống, dinh dưỡng đầy đủ và khoa học.

- Thường xuyên dọn dẹp và vệ sinh nhà cửa cùng với môi trường xung quanh sạch sẽ nhằm mục đích ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân gây hại tới trẻ em.

- Đưa trẻ em đi tiêm phòng đầy đủ. Giữ vệ sinh cơ thể cho trẻ sạch sẽ.

- Cho trẻ mặc ấm và sử dụng khẩu trang khi ra ngoài trong điều kiện thời tiết lạnh.

- Hạn chế tiếp xúc với người bị sốt virus, tránh bệnh lây lan.

- Tập cho trẻ thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, rửa tay trước khi ăn và đặc biệt không để trẻ cho đồ chơi vào miệng.

Bài viết trên đã cung cấp cho phụ huynh một cái nhìn toàn diện và cách phòng ngừa cũng như điều trị sốt siêu vi ở trẻ em. Qua đó phụ huynh có thể chủ động ngăn ngừa và điều trị bệnh cho trẻ để hạn chế những biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt khi trẻ đã mắc sốt siêu vi, bạn cần theo dõi sát sao. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào phụ huynh cần nhanh chóng đưa đến bác sĩ tránh để đến khi trẻ sốt quá cao. Trẻ sốt cao không được điều trị có thể bị co giật, hôn mê, tổn thương não, nếu kéo dài thời gian điều trị dễ gây ra những tổn thương lâu dài.


Tác giả: Lê Thọ Hưng