ThS.BS. Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng khoa Laser và săn sóc da, BV Da liễu Trung ương đã có những chia sẻ về vấn đề này.
PV: Thưa bác sĩ, xăm môi, lông mày là phương pháp làm đẹp được khá nhiều chị em tìm đến để cải thiện vẻ đẹp. Bác sĩ có thể nói rõ hơn về phương pháp này?
ThS.BS. Nguyễn Hồng Sơn: Xăm môi là thủ thuật xâm lấn, người ta có thể dùng vật sắc nhọn, kim, hoặc cao cấp hơn là dùng máy xăm để đưa chất mực vào trong da của bệnh nhân.
Mục đích của xăm, ngoại trừ vấn đề về tôn giáo, liên quan đến tín ngưỡng, tập tục và lễ nghi thì đa số là xăm thẩm mỹ.
Tuy đây là một thủ thuật không quá khó nhưng để tạo được hình khối, đường nét, màu mực thẩm mỹ thì không hề đơn giản. Và điều đáng nói là có rất nhiều rủi ro tiềm ẩn khi người dân thực hiện phun xăm thẩm mỹ ở những cơ sở thiếu chuyên môn, nghiệp vụ.
PV: Gần đây có nhiều vụ tai biến xảy ra sau khi làm đẹp gây xôn xao dư luận. Mới nhất là vụ nguyên nữ Đại biểu Quốc hội tử vong sau làm đẹp. Nguyên nhân bước đầu được thông tin là do bà này đã uống một loại thuốc tại cơ sở phun xăm, dẫn tới phản ứng sốc, tử vong trên đường đi cấp cứu (?). Vậy xin bác sĩ cho biết, những rủi ro có thể xảy ra khi phun xăm tại các cơ sở không đảm bảo về điều kiện y tế?
ThS.BS. Nguyễn Hồng Sơn: Theo tôi, để đánh giá chính xác nguyên nhân sự việc thì cần có một Hội đồng chuyên môn đưa ra kết luận, chứ không nên quy kết cho việc xăm gây hậu quả chết người.
Như chúng ta đã biết, khi xăm người ta phải dùng dụng cụ nhọn xuyên qua da và đưa các chất màu vào sâu trong da, do vậy có thể xảy ra các tai biến.
Rủi ro hay gặp nhất là rủi ro về nhiễm trùng, nếu làm thủ thuật này trong môi trường không được vô trùng thì rất dễ bị nhiễm trùng (hay nhiễm nhất là Herpes), lây nhiễm viêm gan b , HIV.
Ngoài ra, các khuẩn liên cầu tụ cầu, tình trạng viêm mủ trên da cũng rất dễ gặp phải ở những người phun xăm tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện về y tế.
Nguy cơ thứ 2 là tạo sẹo, bản chất của xăm là thủ thuật xâm lấn nên có nguy cơ nhất định về sẹo, đặc biệt những trường hợp bị nhiễm trùng dễ để lại sẹo xấu.
Tuy nhiên, việc tạo sẹo ở mỗi người là khác nhau, và tuỳ từng vị trí cơ thể chẳng hạn vùng góc hàm, ngực, vai dễ bị sẹo lồi hơn là vùng mặt, mắt, môi.
Một trong những nguy cơ đáng lo ngại nhất là phản ứng dị ứng, trong đó đặc biệt đáng sợ là sốc phản vệ. Chất sử dụng để xăm được đưa vào da và gây các phản ứng tại chỗ. Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra chậm như viêm da tiếp xúc, tạo u hạt.
Một số người sau xăm môi liên tục gây tình trạng khô môi bong vảy, tạo hạt nhỏ, u hạt quanh vùng xăm do cơ thể phản ứng lại mực xăm đó, đây là phản ứng chậm.
Còn các phản ứng xảy ra nhanh như phản ứng ngoài da nổi ban đỏ, ngứa mày đay, khó thở, các triệu chứng về tiêu hoá, tai biến, hôn mê. Đặc biệt đáng sợ nhất là sốc phản vệ nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
PV: Nguy cơ sốc phản vệ khi phun xăm thẩm mỹ có thể xảy ra trong những trường hợp nào thưa bác sĩ?
ThS.BS. Nguyễn Hồng Sơn: Sốc phản vệ là tình trạng nặng nề nhất của phản vệ, do cơ thể tiếp xúc với dị nguyên.
Có nhiều đường tiếp xúc như: Qua da, niêm mạc (bôi thuốc); qua tiêu hóa (ăn uống); qua hô hấp (hít thở) và qua tiêm truyền. Con đường tiêm truyền là con đường dễ gây ra tình trạng sốc phản vệ, và khi xảy ra sốc phản vệ ở đường tiêm truyền thì nặng nề hơn tất cả các đường tiếp xúc khác.
Các chất có thể gây dị ứng trong khi xăm bao gồm:
Thuốc gây tê: Dị nguyên trong khi xăm phải kể đến đó là thuốc tê. Xăm là thủ thuật xâm lấn vào da nên gây đau, các cơ sở làm đẹp thường sử dụng thuốc gây tê để tránh đau cho bệnh nhân. Nếu phun xăm nông trên bề mặt thì có thể không gây tê (mà dùng bôi tê) nhưng thường nhanh mất màu, mất hình xăm; do đó người ta thường tiêm thuốc tê để xăm sâu giúp bền màu.
Ngoài ra, một số thuốc hỗ trợ khác dùng sau xăm như: kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, chống phù nề... cũng có thể gây ra các tai biến phản vệ cho người bệnh.
Mực xăm: Bản thân mực xăm và những chất trong mực xăm cũng có thể gây dị ứng phản ứng với cơ thể. Phản ứng xảy ra gây ngứa, rấm rứt, đỏ, phù nề...
Trong nhiều trường hợp, để phòng ngừa tình trạng đau, viêm sau khi thực hiện phun xăm, các cơ sở thẩm mỹ thường cho bệnh nhân uống các loại thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm sưng. Các loại thuốc này rất đa dạng, phong phú.
Tuy nhiên, sử dụng thuốc kháng sinh không thể tùy tiện vì có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe. Thuốc kháng sinh chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
PV: Vậy bác sĩ có lời khuyên gì cho người dân để có thể xăm môi, lông mày làm đẹp an toàn?
ThS.BS. Nguyễn Hồng Sơn: Làm đẹp là nhu cầu không chỉ của chị em phụ nữ mà của tất cả các đối tượng trong xã hội hiện đại. Ngày nay, rất nhiều người đi xăm thẩm mỹ, xăm lông mày, xăm môi...
Tuy nhiên, như tôi đã nói, khi xăm có nhiều tai biến có thể xảy ra. Nguy cơ nhiễm trùng mủ nơi xăm ngày nay ít gặp hơn do dụng cụ được làm sạch hơn và sử dụng kháng sinh.
Nhưng một số nhiễm trùng khác rất có thể xảy ra là bị lây các bệnh do vi rút như HIV, viêm gan B, C... Và một vấn đề nữa là phản ứng của cơ thể và của da với các chất xăm mà nhiều khi rất khó chữa.
Vì vậy, theo tôi, trước khi thực hiện làm đẹp, đặc biệt trong những trường hợp thủ thuật xâm lấn vào cơ thể, người dân cần lựa chọn những cơ sở thẩm mỹ uy tín, có chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện dịch vụ trong điều kiện vô trùng, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/bac-si-da-lieu-xam-moi-tham-my-vuon-de-ruoc-benh-hiv-viem-gan-b-n146143.html