3 con đường lây nhiễm của bệnh viêm gan B

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
3 con đường lây nhiễm của bệnh viêm gan B
Viêm gan b là bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan nếu không được kiểm soát tốt. Câu hỏi viêm gan b lây qua đường gì vẫn khiến nhiều người lo lắng

Chắc hẳn đây không phải là lần đầu tiên bạn nghe đến khái niệm Viêm gan B. Đây là một căn bệnh của cả thế giới, ai cũng đều có nguy cơ mắc phải. Nhưng thực tế thì không phải ai cũng hiểu về viêm gan b, nó có nguy hiểm không? Có lây nhiễm không? Nếu có, viêm gan b lây qua đường nào? Nếu bị viêm gan b rồi thì có chữa được không?

Viêm gan b là bệnh nguy hiểm, nó có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan nếu không được kiểm soát tốt. Tại Việt Nam, trung bình cứ 8 người thì có 1 người nhiễm virus viêm gan b. Nắm được những kiến thức cơ bản về viêm gan b là cách phòng bệnh tốt nhất cho chính mình và những người xung quanh. 

1. Bệnh viêm gan b phát hiện qua những dấu hiệu nào?

Bệnh viêm gan b có ít triệu chứng, đặc biệt viêm gan b giai đoạn đầu triệu chứng rất mơ hồ, dễ nhầm với bệnh khác, người bệnh thường tình cờ phát hiện ra khi kiểm tra sức khỏe hoặc đi hiến máu. Nếu ở thể lành mang virus hoặc thể ngủ yên thường không có triệu chứng.

Viêm gan b là một trong những loại bệnh viêm gan gây ra bởi siêu vi viêm gan b (HBV). Viêm gan b gồm 2 dạng: viêm gan b cấp tính và viêm gan b mạn tính.

Người bị nhiễm HBV trong 6 tháng đầu được xem là viêm gan b cấp tính. Trong giai đoạn này, lá gan bị sưng. Sau một thời gian điều trị và theo dõi, bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Một số bệnh nhân may mắn, không cần điều trị thì bệnh cũng tự khỏi vì lá gan có khả năng chống lại siêu vi.Nhưng có đến 13% - 16% các trường hợp viêm gan b cấp tính không được chữa khỏi, tế bào gan vẫn còn virus HBV tồn tại kéo dài - những trường hợp này gọi là viêm gan b mạn tính. Sau đó, virus HBV tiếp tục sinh sôi và tàn phá là gan trong nhiều năm tới.

2. Viêm gan b có lây không? Nếu có viêm gan b lây qua đường nào?

Viêm gan b có lây không - là câu hỏi chung của rất nhiều người. Câu trả lời là: có lây. Bản chất viêm gan b là bệnh do virus HBV và virus này có thể lây truyền qua đường máu, đường tình dục, từ mẹ truyền sang con.

Cụ thể, câu trả lời cho câu hỏi viêm gan b lây qua đường nào như sau:

2.1. Lây truyền từ mẹ sang con

Khi phụ nữ mang thai bị nhiễm HBV thì có thể lây truyền sang bào thai: 

- Nếu mẹ nhiễm virus HBV ở giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ, thì tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%

- Nếu mẹ nhiễm HBV ở 3 tháng giữa của thai kỳ thì tỷ lệ lây sang con là 10%

- Nếu mẹ nhiễm HBV ở 3 tháng cuối thai kỳ thì tỷ lệ lây sang con là 60 - 70%

Người mẹ mắc bệnh viêm gan b có thể lây cho thai nhi lên đến 90% nếu không cho bé tiêm huyết thanh trong vòng 24h đầu sau sinh.

2.2. Lây truyền qua đường máu

Viêm gan b lây qua đường máu, tức là có virus HBV gây bệnh trong máu và chất dịch cơ thể của những người mắc bệnh. Nếu máu hoặc chất dịch cơ thể đó xâm nhập vào cơ thể của bạn qua vết cắt hoặc vết thương hở khác, thì khả năng lây nhiễm HBV là rất cao.

Virus viêm gan b cũng dễ lây qua dụng cụ y tế như: kim tiêm và ống tiêm sử dụng lại hoặc không tiệt trùng đúng cách. HBV cũng có thể lây lan qua lượng máu nhỏ trong dụng cụ chích ma túy, cottons, và các dụng cụ khác được dùng để chích ma túy.

Các vật dụng khác tiếp xúc với máu và có thể làm lây lan siêu vi là: dao cạo râu, bông tai hoặc bàn chải đánh răng, các dụng cụ để xăm mình và xâu khuyên trên người.

Khả năng lây của virus viêm gan b cao hơn 100 lần so với HIV vì virus này có khả năng sống rất dai. Chúng có thể tồn tại trên các vết máu khô hoặc trên bề mặt các đồ vật như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, đồ chơi, dụng cụ y khoa... trong nhiều ngày.

2.3. Lây truyền qua đường tình dục

Virus viêm gan b có thể lây qua quan hệ tình dục đồng giới hoặc khác giới. HBV tồn tại trong tinh dịch và dịch âm đạo. Vì thế, các hành vi tình dục không sử dụng biện pháp an toàn rất dễ làm lây nhiễm bệnh.

Trong các chất dịch có chứa lượng lớn virus, truyền từ cơ thể người bệnh, xâm nhập và tấn công cơ thể người khỏe mạnh. Sử dụng bao cao su là cách tốt nhất phòng tránh virus viêm gan B lây qua đường tình dục.

2.4. Lưu ý

- Viêm gan b KHÔNG lây qua giao tiếp và tiếp xúc thông thường

Một bộ phận không ít người còn có những quan điểm chưa chính xác về viêm gan b, vì thế khi biết người xung quanh mình bị bệnh sẽ tỏ ra e dè, lảng tránh. Cần chú ý rằng: Virus viêm gan b KHÔNG lây qua tiếp xúc thông thường như bắt tay, ho, hắt hơi, ăn thực phẩm được nấu bởi người mang virus viêm gan b, hôn trên má, dùng chung ly, tách, chén, đĩa... Việc thăm nhà hoặc chơi đùa với những đứa trẻ mang virus này cũng không dẫn đến lây nhiễm như mọi người thường lo sợ.

- Ai có nguy cơ mắc bệnh viêm gan b: Hầu như tất cả mọi người đều có khả năng nhiễm virus viêm gan b. Tuy nhiên, những nhóm người sau có nguy cơ cao bị lây nhiễm là:

Nhân viên y tế Bệnh nhân thường xuyên nhận các chế phẩm từ máu Trẻ sinh ra từ người mẹ mang virus viêm gan b Người có hoạt động tình dục cao, không an toàn Cư dân ở những nơi dân số tập trung cao Người tiêm chích ma túy.

3.Vai trò của khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ 

Nếu bạn không biết là mình có bị viêm gan b hay không, cũng không nhớ chắc chắn mình đã từng tiêm vắc xin phòng bệnh chưa, thì tốt nhất hãy đến các bệnh viện, phòng khám uy tín để khám và làm xét nghiệm. Chi phí xét nghiệm viêm gan b không nhiều, cũng không mất nhiều thời gian của bạn. Phòng bệnh không bao giờ là thừa, hãy dành thời gian đi khám để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và nhũng người xung quanh.

Còn nếu bạn đã được chẩn đoán là bị viêm gan b, thì đừng cảm thấy chán nản hay tuyệt vọng gì cả. Thực tế, có những người bệnh vẫn sống và làm việc bình thường như những người không mang bệnh.

Hãy tự tạo cho mình thói quen ăn uống, sinh hoạt đúng cách, thăm khám đều đặn và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc và luôn trong trạng thái vui vẻ cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình điều trị của mỗi người bệnh.

Viêm gan b có thể gây ra bệnh xơ gan, ung thư gan. Viêm gan b cũng là một bệnh có tính lây nhiễm cao. Do đó, người bệnh nên tìm hiểu và chọn những bác sĩ chuyên về các bệnh Viêm gan truyền nhiễm (viêm gan A, B, C, D, E) để khám và điều trị.


Tác giả: Phương Thuận