Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các loại bệnh viêm gan do virus đang là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 7 trên toàn cầu. Trong đó, viêm gan siêu vi B và viêm gan siêu vi C là hai loại bệnh viêm gan gây tử vong nhiều nhất. Cũng theo báo cáo này thì những người tiêm chích ma túy có nguy cơ lây nhiễm viêm gan virus cao nhất do sử dụng chung bơm kim tiêm.
Ở nước ta, Bộ Y tế cho biết viêm gan do virus là nguyên gây tử vong phổ biến thứ 3 với bệnh viêm gan siêu vi B là bệnh đáng sợ nhất. Theo điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu, Việt Nam thuộc nhóm có tỉ lệ dân cư nhiễm viêm gan siêu vi B và C cao nhất do đó chịu nhiều ảnh hưởng của bệnh nhất. Dự tính, đến năm 2020, số người mắc viêm gan siêu vi B sẽ lên tới con số 8 triệu người.
Số lượng người mắc viêm gan siêu vi B tại Việt Nam sẽ tăng mạnh vào 2020 (Ảnh: Internet)
Tỉ lệ nhiễm bệnh viêm gan siêu vi B chiếm 8-25%, viêm gan C 2,5-4,1%. Trong nhóm người tiêm chích ma túy, có 54% mắc viêm gan siêu vi C.
Ở các địa phương và các khu vực khác nhau, tỉ lệ bệnh viêm gan cũng có những khác biệt. Trong đó đáng chú ý là khu vực Hà Bắc với 25,5% mắc bệnh, Vĩnh Phúc 23,2%, Lâm Đồng 16,74%, Khánh Hòa 15,48%, thành phố Hồ Chí Minh 11,3%...
Nguy hiểm hơn là nguy mắc bệnh viêm gan siêu vi B của phụ nữ có thai khá cao. Đây cũng là nguyên nhân gây ra viêm gan siêu vi B ở trẻ sơ sinh, dẫn tới viêm gan B mạn tính ở trẻ. Theo số liệu nghiên cứu thì có tới 90% trẻ em mắc viêm gan B sau khi sinh hoặc khi còn nhỏ sẽ chuyển thành viêm gan B mạn tính.
Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế thì những chứng bệnh viêm gan virus như viêm gan siêu vi B, C có thể phát triển thành viêm gan mạn tính, xơ gan và ung thư gan. Những căn bệnh này sẽ làm tăng gánh nặng chi phi lên ngành y tế và xã hội nói chung.
Cách giải quyết tốt nhất là phòng tránh viêm gan virus. Thế nhưng công tác dự phòng và điều trị bệnh ở tuyến cơ sở còn yếu do cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ nhân viên y tế chưa đủ năng lực. Ngoài ra, những khó khăn về thuốc điều trị giá thành cao, nhận thức của người dân trong phòng ngừa và điều trị còn kém cũng là những thách thức trong việc ngăn chặn sẽ lây lan của viêm gan siêu vi B, C.
Nếu như viêm gan siêu vi C chưa có cách phòng ngừa qua tiêm phòng thì bệnh viêm gan siêu vi B hoàn toàn có thể phòng tránh được nhờ tiêm phòng. Mọi đối tượng chưa mắc bệnh đều cần tiêm phòng vaccine viêm gan siêu vi B, đặc biệt là trẻ em. Riêng với Việt Nam thì trẻ nên được tiêm phòng trong 24 giờ sau sinh.
Nhiều phụ huynh lo ngại khi đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan siêu vi B (Ảnh: Internet)
Theo tiến sĩ Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong những năm gần đây nhiều phụ huynh lo ngại khi đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh viêm gan siêu vi B do có một vài ca biến chứng khi tiêm vaccine này. Các bệnh viện cũng dè chừng hơn khi tiêm phòng vì sợ xảy ra rủi ro. Đây chính là nguyên nhân khiến tỉ lệ tiêm vaccine phòng viêm gan siêu vi B giảm khiến nguy cơ lây truyền bệnh tăng lên.
Theo tiến sĩ Hồng thì tỉ lệ tai biến trong tiêm chủng ở nước ta vẫn thuộc giới hạn cho phép của WHO. Tuy vậy, ngành y tế vẫn đang cố gắng nâng cao chất lượng tiêm chủng, giảm tỉ lệ tai biến bằng việc nâng cao chất lượng của đội ngũ nhân viên y tế, hỗ trợ phụ huynh trong quá trình sau tiêm chủng... Phụ huynh không nên vì lo sợ mà tước đoạt cơ hội được bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm như viêm gan siêu vi B, C của trẻ.