Cuối năm 2016, bà Nguyễn Thị Liêu ở Buôn Pa (xã Cư Prao, Huyện M’Đrắk) thấy chán ăn và vàng mắt, đi khám sức khỏe ở bệnh viện huyện, bà Liêu được chuyển lên BVĐK tỉnh Đăk Lăk làm các xét nghiệm thì phát hiện mình bị viêm gan C. Các bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị lẫn các loại thuốc cần dùng.
Tuy nhiên, nghe theo một số người quen mách nước nên bà Liêu bỏ viện về nhà mua các loại lá cây như: lá cây chó đẻ, lá cây mật gấu, lá cây xạ đen...
Ngày nào bà Liêu cũng uống với lượng lớn, đến đầu năm 2018 thấy da càng vàng hơn, hay tức ngực đi khám lại thì phát hiện gan bị tổn thương nặng hơn.
Lần này, bà Liêu quyết định điều trị theo phác đồ của BVĐK tỉnh Đăk Lăk.
Sau gần 2 tháng điều trị, bệnh đã dần thuyên giảm. Bà Liêu cho biết: Không riêng gì bà mà rất nhiều người dân ở vùng nông thôn của huyện Ma Đ’rắk khi có bệnh đều tự mày mò tìm đến các loại lá cây để uống theo thói quen.
Ai cũng nghĩ, cái gì từ lá cây hay thảo dược thì đều bổ và tốt cả nên uống càng nhiều càng hay.
Ông Sùng A Thanh ở thôn 4 (xã Cơ Prao) cũng bị viêm gan nặng hơn do không điều trị theo hướng dẫn của bệnh viện mà tự ý mua đủ các loại lá cây về uống khi phát hiện bị nhiễm viêm gan b .
Ông Thanh chia sẻ: Lúc phát hiện mới viêm gan thôi, chủ quan không dùng viên thuốc tây nào cả mà cứ nghĩ dùng thuốc lá cho lành mà lại đỡ mất công đi lại. Đi làm rẫy, tiện thì hái lá hoặc mua những người bán dạo mang đến.
Có lúc uống đến 6 thứ lá. Đi khám lại vào tháng 5/2018, cho kết quả, men gan tăng gấp 3 lần trước kia. Bác bác sĩ khuyên phải dùng thuốc Tây.
Theo ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đăk Lăk thì: Không ai phủ nhận được công dụng của nhiều loại thuốc Nam.
Song song với việc điều trị bằng Tây y thì tỉnh Đăk Lăk vẫn chú trọng đến việc phát triển y học cổ truyền trong đó có việc điều trị một số loại bệnh bằng thuốc Nam. Nhiều loại dược liệu trên địa bàn vẫn được bảo tồn, phát huy và đưa vào sử dụng.
Nhưng, dùng loại thuốc nào ứng với bệnh gì thì người bệnh cần hỏi bác sĩ. Ý nghĩ cứ thuốc Nam là dùng thoải mái cũng không việc gì là suy nghĩ sai lầm của nhiều người nên dẫn đến tình trạng quá lạm dụng thuốc.
Ông Trần Văn Tùng (xã Ea M’nang, huyện Cư M’gar) sau nhiều tháng điều trị bệnh viêm gan B và viêm dạ dày bằng lá cây thì đã chuyển qua điều trị bằng thuốc Tây theo phác đồ của bệnh viện.
Ông Tùng chia sẻ: Dùng lá cây rất nhiều rồi nhưng không ăn thua. Vi khuẩn HP vẫn còn trong dạ dày, men gan cũng không hề giảm được chút nào cả.
Nhiều người bạn ông Tùng cũng bị đái tháo đường, bệnh men gan cao cứ dùng lá mãi không khỏi cũng đã chuyển qua điều trị bằng Đông-Tây y kết hợp theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Theo BVĐK tỉnh Đăk Lăk, từ đầu năm 2018 đến nay tiếp nhận rất nhiều trường hợp tổn thương gan nặng, hôn mê gan, đái tháo đường do dùng đủ các loại lá cây để uống khi phát hiện có bệnh. Đặc biệt là người bệnh ở các vùng nông thôn.
Người dân cần thay đổi ngay các thói quen có gì dùng đó mà phải kiên trì điều trị theo phác đồ của bệnh viện đồng thời kiểm tra thường xuyên để xem diễn biến bệnh tình của mình.