Viêm gan B lây qua đường nào là câu hỏi được nhiều người quan tâm, nhất là những người đang mắc bệnh hoặc sống chung với người mắc viêm gan B.
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm phổ biến, do virus viêm gan B gây nên. Nó có thể lây lan từ người bệnh sang người lành thông qua nhiều đường lây truyền khác nhau. Chính vì vậy, biết được viêm gan B lây qua đường nào là điều kiện cơ bản để có thể đưa ra các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan B.
Đọc thêm:
- HBsAG là gì? Tổng quan về chỉ số HBsAG trong xét nghiệm viêm gan B
- Mẹ mang thai bị viêm gan B và những điều cần biết
Đường máu là một trong các con đường lây nhiễm viêm gan B cơ bản nhất. Virus viêm gan B tồn tại rất nhiều trong máu của người bệnh. Khi máu của người bệnh tiếp xúc với vết thương hở ở người lành thì virus sẽ có khả năng lây truyền. Vì thế, nó hay xảy ra ở những người thường xuyên phải tiếp xúc với máu như xăm mình, nhân viêm y tế, người tiêm chích ma túy, châm cứu, xỏ lỗ tai,... đều là những đối tượng có nguy cơ bị lây nhiễm viêm gan B qua đường máu rất cao.
Ngoài ra, kể cả ở môi trường bên ngoài thì virus viêm gan B vẫn có thời gian tồn tại ở các dụng cụ dính máu như bơm kim tiêm, dụng cụ bấm móng tay,... trong một thời gian có thể lên đến 7 ngày. Điều này lại càng làm cho viêm gan B lây nhiễm qua đường máu dễ dàng hơn.
Ngoài tồn tại trong máu, virus viêm gan B còn được tìm thấy trong cả tinh dịch và dịch âm đạo. Thông qua các vết xước ở cơ quan sinh dục trong quá trình quan hệ, virus sẽ xâm nhập và gây bệnh.
Do đó, nếu một người có vợ hoặc chồng mắc bệnh viêm gan B thì nguy cơ bị lây nhiễm bệnh thông qua đường tình dục là rất cao. Đặc biệt, bệnh viêm gan B dễ lây nhiễm hơn ở nam giới có quan hệ đồng giới so với quan hệ tình dục truyền thống, hoặc ở những người có nhiều bạn tình. Do vậy nên xây dựng một lối sống tình dục lành mạnh, chung thủy với bạn tình tránh lây nhiễm viêm gan B hoặc các bệnh lây lan qua đường tình dục khác, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trong thời kỳ mang thai, virus viêm gan B không qua được nhau thai, trong điều kiện bình thường thì sẽ không thể gây bệnh cho thai nhi. Nên trong giai đoạn này, tỷ lệ lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ cho thai nhi là rất thấp chỉ khoảng 2%, chủ yếu gặp ở các trường hợp mà nhau thai bị tổn thương do một nguyên nhân nào đó.
Khoảng 90% các trường hợp lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con xảy ra ở giai đoạn chuyển dạ. Các cơn co tử cung làm các mạch máu nhau bị tổn thương, các vết thương ở tầng sinh môn của mẹ và trên cơ thể trẻ,... đều là các điều kiện cho lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con ở giai đoạn này.
Nếu như ở người trưởng thành bị lây nhiễm virus viêm gan B chỉ có khoảng 10% chuyển thành viêm gan mãn tính, thì ở trẻ bị nhiễm viêm gan B bẩm sinh nguy cơ viêm gan mãn tính lại cao đến 90%. Do đó, lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con là con đường lây nhiễm rất quan trọng.
Đối với vấn đề viêm gan B lây qua đường nào, ngoài các đường lây nhiễm như đường máu, đường sinh dục và đường từ mẹ sang con như đã kể ở trên thì nó còn có thể lây qua một số con đường ít phổ biến hơn như nước bọt, sữa, nước mắt,...
Tuy rằng trong các loại dịch tiết như nước bọt, sữa, và nước mắt đều có thể tìm thấy virus chứng minh rằng các loại dịch này có thể làm lây truyền bệnh viêm gan B. Nhưng trên thực tế hàm lượng virus viêm gan B trong các dịch này ở mức rất thấp, nên gần như viêm gan B không lây lan qua nước bọt hay sữa.
Vì thế, việc ăn uống chung với người bị viêm gan B hay con bú sữa mẹ bị viêm gan B rất hiếm khi gây lây nhiễm bệnh. Trừ các trường hợp mà người bệnh bị tổn thương ở khoang miệng (viêm lợi, chảy máu chân răng,...) hay núm vú của bà mẹ bị tổn thương thì mới gây nguy cơ truyền bệnh cao.
Cũng giống các bệnh truyền nhiễm khác, dự phòng bệnh viêm gan B cũng có thể được tiến hành nhằm vào 3 giai đoạn là nguồn bệnh, con đường lây truyền và đối tượng cảm thụ. Tuy nhiên, do bệnh viêm gan B chưa thể được chữa khỏi hoàn toàn, nên hiện nay biện pháp dự phòng bệnh chủ yếu tác động vào 2 giai đoạn chính ngăn chặn các con đường lây truyền và tác động lên đối tượng cảm thụ.
Ngăn chặn các con đường lây truyền bệnh viêm gan B là biện pháp dự phòng bệnh cơ sở, thông qua nhiều biện pháp khác nhau như:
- Không tiếp xúc trực tiếp với máu, mủ, vết thương và dịch tiết của người khác, nhất là những người có tiền sử được ghi nhận mắc viêm gan B. Nếu trong trường hợp cần phải tiếp xúc thì cần áp dụng nghiêm túc các biện pháp bảo hộ như đeo bao tay cao su,...
- Không dùng chung các vật dụng sắc nhọn có khả năng dính máu như bơm kim tiêm, dao cạo, dụng cụ bấm móng tay,...
- Những người bệnh hoặc người thân cần phải biết xử lý vết thường của người mắc viêm gan B đúng cách để ngăn chặn lây nhiễm cho người xung quanh.
- Thực hiện quan hệ tình dục an toàn bằng cách đeo bao cao su, chung thủy với bạn tình. Tránh quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ với nhiều bạn tình.
- Đảm bảo an toàn sinh sản, tránh tối đa các tổn thương ở quá trình mang thai và sinh sản để dự phòng lây nhiễm virus từ mẹ sang con. Tốt nhất, tất cả các bà mẹ nên được xét nghiệm viêm gan B trước sinh để có thể dự phòng lây nhiễm cho con bằng kháng huyết thanh và vaccine sau khi sinh.
Dù những biện pháp ngăn chặn các con đường lây nhiễm viêm gan B có thể cho hiệu quả nhất định trong phòng ngừa lây nhiễm bệnh, nhưng hiệu quả của các phương pháp này nhìn chung không cao. Do đó, tiêm phòng vaccine viêm gan B đã trở thành phương pháp dự phòng bệnh được áp dụng chủ yếu nhất hiện nay.
Vaccine viêm gan B được khuyến cáo sử dụng càng sớm càng tốt nếu có thể ở tất cả các đối tượng chưa bị nhiễm bệnh. Khi đó, vaccine sẽ kích thích cơ thể chủ động sinh ra kháng thể với virus viêm gan B, nên khiến virus khi xâm nhập sẽ bị nhận dạng và tiêu diệt ngay.
Trên đây là những giải đáp cơ bản cho vấn đề viêm gan B lây qua đường nào và các biện pháp dự phòng bệnh được áp dụng hiện nay. Nếu có thêm các thắc mắc liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải đáp cụ thể hơn.
Nguồn tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3304633/