Phơi nhiễm virus viêm gan B - tại sao lại mắc phải và cần làm thế nào?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Phơi nhiễm virus viêm gan B - tại sao lại mắc phải và cần làm thế nào?
Viêm gan B là một căn bệnh nguy hiểm và cần được điều trị thích hợp, tuy nhiên không hẳn ai cũng phát hiện ra kịp thời khi mới phát hiện bị phơi nhiễm. Vậy tại sao lại bị phơi nhiễm virus viêm gan B và cần phải làm những gì tiếp theo?

Thông thường, mọi người có thể bị phơi nhiễm virus viêm gan B qua các dụng cụ dính máu của người bệnh mà không được khử trùng tốt như: dụng cụ y tế, xỏ khuyên tai, châm cứu,... Thậm chí các đồ dùng sinh hoạt như dùng chung dao cạo râu, bấm móng tay, bàn chải đánh răng, các đồ vật dễ gây trầy xước hoặc tiếp xúc với vết thương hở... cũng gây ra phơi nhiễm virus viêm gan B. Virus viêm gan B sống rất dai dẳng, có thể tồn tại khi máu đã khô trong nhiều ngày, nếu không biết tự bảo vệ bản thân thì sẽ có khả năng bị lây nhiễm virus.

1. Các tình huống dẫn tới phơi nhiễm virus viêm gan B

Khả năng phơi nhiễm virus viêm gan B có thể lên đến 25% đối với nhóm cán bộ y tế bị thương do kim đâm, tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của bệnh nhân có HBsAg dương tính.

Một số tình huống hoặc hoạt động có thể có nguy cơ cao bị phơi nhiễm virus viêm gan B bao gồm:

- Gặp một thương tổn hoặc bệnh lý cần đến các liệu pháp điều trị y tế có xâm nhập (ví dụ như tiêm truyền tĩnh mạch, truyền máu, khâu, phẫu thuật); 

- Điều trị nha khoa; 

- Tình dục không an toàn; 

- Sử dụng chung dụng cụ tiêm truyền hoặc các vật dụng cá nhân khác như: bàn chải đánh răng, bông tai hoặc dao cạo râu; 

- Thực hiện các thủ thuật có xuyên vào da (ví dụ như xăm mình, xỏ khuyên tai, châm cứu, sử dụng chung dụng cụ kiểm tra đường máu); 

- Các thủ thuật làm đẹp có nguy cơ cao gây thủng da (làm móng tay, móng chân); 

Virus viêm gan B không thể lây lan thông qua thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm bẩn, và không thể lây lan thông qua tiếp xúc thường quy. 

2. Làm gì khi bị phơi nhiễm virus viêm gan B

Virus viêm gan B có thể sống bên ngoài cơ thể trong ít nhất 7 ngày. Bạn nên gặp bác sĩ ngay sau khi bị phơi nhiễm virus viêm gan B để được tiêm huyết thanh miễn dịch viêm gan B. 

Tiêm huyết thanh trong vòng 12 tiếng sau khi phơi nhiễm virus viêm gan B có thể giúp bảo vệ bạn khỏi sự phát triển của virus viêm gan B. 

Do đó, khi nghi ngờ phơi nhiễm với viêm gan B, bước đầu tiên, người bệnh cần tiến hành ngay xét nghiệm để biết cụ thể tình trạng bệnh của mình. 

Những điều cần làm ngay tức khắc sau khi xảy ra phơi nhiễm với máu:

- Rửa ngay chổ kim đâm và vết đứt bằng xà phòng và nước.

- Giội sạch các vết bắn vào mũi, miệng, mắt hoặc da với nước sạch, nước muối. 

- Không nên dùng thuốc có tính chất ăn da như thuốc tẩy.

- Trị liệu sau phơi nhiễm nên bắt đầu càng sớm càng tốt sau khi bị phơi nhiễm, tốt nhất là trong vòng 24 giờ, và không trễ hơn 7 ngày.

- Tất cả nhân viên y tế có nguy cơ cao bị phơi nhiễm với máu hoặc dịch tiết cần phải được chủng ngừa viêm gan B.  Nếu chưa được chủng ngừa, nên chủng ngừa viêm gan B sau phơi nhiễm, bất kể tình trạng nhiễm của người bệnh nguồn.

Globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) có hiệu quả ngăn ngừa nhiễm sau khi bị phơi nhiễm virus viêm gan B.

Các trường hợp được khuyên:

2.1 Người bị phơi nhiễm virus viêm gan B chưa tiêm chủng HBV

* Khi nguồn máu tiếp xúc có HBsAg+

- Dùng HBIG với liều HBIG 0,06 ml/Kg TB.

* Khi nguồn máu tiếp xúc có HBsAg-

- Chủng ngừa liều viêm gan B đầu tiên.

* Không rõ hoặc không xét nghiệm nguồn máu tiếp xúc

- Chủng ngừa liều viêm gan B đầu tiên.

2.2 Người bị phơi nhiễm virus viêm gan B đã có chủng ngừa HBV

Biết có đáp ứng kháng thể Anti HBs+, có đáp ứng kháng thể >10IU/ml

- Không cần điều trị.

* Biết không đáp ứng kháng thể Anti HBs-

Khi nguồn máu tiếp xúc có HBsAg+:

HBIG 2 liều hoặc HBIG 1 liều và tái chủng lại.

Không rõ hoặc không xét nghiệm nguồn máu tiếp xúc:

Nếu biết nguồn nhiễm có nguy cơ cao điều trị như HBsAg+.

* Không biết có đáp ứng hay không

Khi nguồn máu tiếp xúc có HBsAg+:

- Xét nghiệm tìm Anti HBs người bị phơi nhiễm: 

+ Nếu nồng độ Anti HBs không đủ: 1 liều HBIG với liều HBIG 0,06 ml/Kg TB, và tái chủng lại.

+ Nếu nồng độ Anti HBs đủ: không cần điều trị.

Không rõ hoặc không xét nghiệm nguồn máu tiếp xúc:

Xét nghiệm tìm Anti HBs người bị phơi nhiễm virus viêm gan B, có đáp ứng kháng thể >10IU/ml:

+ Nếu nồng độ Anti HBs không đủ: tái chủng lại.

+ Nếu nồng độ Anti HBs đủ: không cần điều trị.

Nếu người bị phơi nhiễm virus viêm gan B không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành viêm gan B cấp tính và mạn tính. Những đối tượng này có thể làm lây truyền virus cho những người khác và cuối cùng tình trạng nhiễm mạn tính này có thể dẫn đến xơ gan hoặc ung thư gan.


Tác giả: LPA