Bệnh ung thư tuyến tiền liệt: dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Bệnh ung thư tuyến tiền liệt: dấu hiệu, nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa
Với tâm lý e ngại mà nhiều quý ông đã phải "khóc ròng" khi phát hiện bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn muộn.

Ở Anh, cứ 4 người thì có 1 người được chẩn đoán bị ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng 86% trong số bệnh nhân không hiểu rõ về căn bệnh nguy hiểm này, theo một nghiên cứu trực tuyến của Hiệp hội Ung thư Anh.

Vì vậy, năm 2016, Hiệp hội đã tổ chức một cuộc vận động nhằm nâng cao nhận thức về ung thư tuyến tiền liệt với sự tham gia của rất nhiều người nổi tiếng như Sir Ian McKellen, Robert De Niro và Roger Moore.

Tại đó, họ đã chia sẻ về những dấu hiệu nhận biết bệnh cũng như quá trình chiến thắng bệnh tật.

Ngoài ra, ban tổ chức còn phát hiện ra một sự thật đáng buồn là nhiều nam giới có dấu hiệu của bệnh ung thư tuyến tiền liệt nhưng không đi khám và nghĩ đó là bình thường.

Có người tâm sự rằng họ ngại đi khám vì cho rằng căn bệnh nhạy cảm này sẽ ảnh hưởng đến lòng tự trọng đàn ông.

Tính đến thời điểm này, đã có 5.000 đàn ông ở xứ sở sương mù tử vong bị ung thư tuyến tiền liệt. Và Hiệp hội ước tính đến năm 2030, đây là một căn bệnh phổ biến ở nam giới.

Dưới đây là tất cả thông tin về ung thư tiền liệt tuyến mà đàn ông nên biết.

1. Bệnh ung thư tuyến tiền liệt là gì?

Tuyến tiền liệt (hay còn gọi là tiền liệt tuyến, nhiếp hộ tuyến) là tuyến chỉ có ở nam giới, nằm dưới đáy bàng quang, phía trước ruột già. Tuyến tiền liệt đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản, vì đây là bộ phận tiết ra một chất dịch được hòa tan với tinh dịch, giúp bảo vệ tinh dịch cho đến khi được thụ tinh.

Ung thư tuyến tiền liệt xảy ra khi các tế bào ở tuyến tiền liệt phát triển không bình thường, phân chia nhanh chóng và mất kiểm soát, dẫn đến ung thư. 

Ung thư tuyến tiền liệt có chữa được không? Ở giai đoạn đầu, bệnh thường phát triển chậm và không có dấu hiệu rõ ràng. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu và được điều trị đúng cách thì cơ hội chữa khỏi bệnh hoàn toàn là rất cao. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi tốc độ phát triển bệnh rất nhanh chóng thì cơ hội chữa khỏi bệnh không còn, các phương pháp điều trị chỉ mang tính chất giảm triệu chứng và kéo dài sự sống cho người bệnh. 

2. Những ai có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt?

Đàn ông trên 50 tuổi, và độ tuổi dễ mắc bệnh nhất chính là từ 65 đến 69. Hầu như nam giới dưới 50 hầu như không có nguy cơ mắc bệnh.

Dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt:

- Tuổi: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng. 64% số bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến ở lứa tuổi từ 55-74. Chỉ có 10% số ca mắc bệnh dưới 54 tuổi.

- Tiền sử trong gia đình: nếu trong gia đình có bố hoặc anh trai đã mắc ung thư tiền liệt tuyến thì nguy cơ bạn có thể mắc bệnh cao gấp 2,16 lần người bình thường. 

- Chủng tộc, sắc tộc: nam giới da đen có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nam giới da trắng

Ngoài ra còn một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: những người béo phì, những người thường xuyên ăn đồ ăn nhanh, giàu chất béo, và những người thường xuyên sử dụng chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá,...

3. Dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt

Các dấu hiệu ung thư tuyến tiền liệt bao gồm:

- Cơ thể thường xuyên mệt mỏi, đau nhức, ăn không ngon dẫn đến sụt cân không kiểm soát

- Đau lưng, đau xương, đau tầng sinh môn

- Rối loạn tiểu tiện: khó tiểu tiện, tiểu nhiều lần, cảm giác tiểu không hết vì nước tiểu vẫn còn ở trong bàng quang, tiểu tràn, tiểu không tự chủ

- Phù nề chi dưới

- Rối loạn cương dương, xuất tinh ra máu

- Các vấn đề về đường ruột, đặc biệt là bị táo bón nặng

- Khi ung thư đã di căn vào xương, người bệnh có thể bị gãy xương

Một số trường hợp bệnh nhân đến nhập viện trong tình trạng suy thận, thiếu máu, phù nề cùng các biểu hiện gầy sút, xanh nhợt nhạt. Khi các dấu hiệu trên xuất hiện thường làm người bệnh mất phương hướng, do đó thường đi khám tại các chuyên khoa khác nhau.

4. Các gia đoạn của bệnh

- Giai đoạn 1: các tế bào ung thư mới hình thành và phát triển một cách thầm lặng, chưa gây ra bất kỳ triệu chứng gì

- Giai đoạn 2: các tế bào ung thư đã phát triển mạnh, lúc này khối u đã được phát hiện ở tuyến tiền liệt

- Giai đoạn 3: các tế bào ung thư đã hiện rõ và bắt đầu đi xâm lấn các mô lân cận tuyến tiền liệt.

- Giai đoạn 4: khối u đã xâm lấn và di căn mạnh đến các cơ quan khác như hạch bạch huyết, xương, gan, phổi

5. Phương pháp chẩn đoán

Có 2 cách chính để tìm ung thư tuyến tiền liệt là định lượng PSA trong máu và khám trực tràng.

- Xét nghiệm PSA: PSA là chất do tuyến tiền liệt tạo ra. Ung thư tuyến tiền liệt có thể làm cho lượng PSA trong máu tăng lên. Mức PSA trong máu có thể nói lên nhiều điều về tuyến tiền liệt. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện sinh thiết tuyến tiền liệt để biết chắc bị ung thư hay không.

- Khám trực tràng: Thăm trực tràng bằng tay là động tác đơn giản nhưng có giá trị chẩn đoán cao. Trong thủ thuật này, bác sĩ có thể sờ thấy được các khu vực vùng niệu đạo, phát hiện khối u, kích thước...

Ảnh 4.

6. Điều trị ung thư tuyến tiền liệt

Phương pháp điều trị cũng khác nhau và bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ riêng cho từng loại ung thư: Có khi là phẫu thuật loại bỏ khối u hoàn toàn hoặc cố gắng kiểm soát tế bào ác tính.

Nếu bệnh không lan rộng ra bộ phận khác ngoài tuyến tiền liệt, giám sát chủ động là sự lựa chọn tốt nhất. Điều này có nghĩa là ung thư được theo dõi chủ động bằng các xét nghiệm nhưng không điều trị ngay.

Thường thì ung thư tuyến tiền liệt phát triển chậm và không lây lan nên điều trị là không cần thiết. Có nghĩa là bạn tránh những phản ứng phụ của điều trị ung thư.

Nếu các xét nghiệm cho thấy ung thư đang phát triển, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để loại bỏ các khối u, tiến hành xạ trị để kiểm soát và ngăn sự tiến triển của bệnh.

7. Phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt như thế nào?

Mặc dù, khoa học chưa chứng minh việc thay đổi chế độ ăn và tập thể dục có thể giảm nguy cơ mắc bệnh nhưng những nghiên cứu mới đây cho thấy, bệnh béo phì làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư tuyến tiền liệt.

Vì thế, chúng ta nên thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực vận động để phòng ngừa mọi căn bệnh ung thư, trong đó có ung thư tuyến tiền liệt.

Tác giả: KP