Cách chăm sóc trẻ bị sốt virus tại nhà như thế nào?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Cách chăm sóc trẻ bị sốt virus tại nhà như thế nào?
Sốt virus ở trẻ em là bệnh lý thường gặp ở trẻ và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho các bé. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ bị sốt virus để bé nhanh phục hồi.

Sốt virus ở trẻ em là tình trạng sốt do trẻ bị nhiễm các loại siêu vi trùng (virus) khác nhau, điển hình là Rhinovirus, Adenovirus, virus cúm,... Bệnh sốt virus thường gặp nhất vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ bị sốt virus để bé nhanh phục hồi.

1. Những biểu hiện của trẻ bị sốt virus

– Trẻ bị sốt virus thường sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C.

– Đau cơ bắp, hay quấy khóc, đau đầu.

Phát ban, thường bị nổi ban sau 2 – 3 ngày bị sốt (khi xuất hiện ban thì đỡ sốt hơn).

– Mắt nhìn mờ, trẻ bị chảy nước mắt, kết mạc mắt có thể đỏ, có dử mắt,…

– Trẻ thường nôn nhiều lần, nhất là sau bữa ăn.

Ngoài ra, một số triệu chứng thường gặp cũng bao gồm ho, chảy nước mũi, hắt hơi, đi ngoài,… Một số trẻ nhỏ còn lên cơn co giật liên hồi kèm tình trạng khó thở. Đặc biệt, vẫn có những trường hợp trẻ sốt virus nhưng chỉ có biểu hiện sốt nhẹ, do đó, bố mẹ không nên chủ quan mà phải theo dõi trẻ sát sao.

2. Cách chăm sóc trẻ bị sốt virus tại nhà

Đa phần các trường hợp trẻ sốt virus có thể khỏi sau 5-7 ngày điều trị. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời, và có cách chăm sóc trẻ bị sốt virus đúng, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những phương pháp chăm sóc trẻ bị sốt virus tại nhà hiệu quả:

– Cần cặp nhiệt độ thường xuyên để theo dõi nhiệt độ của trẻ. Phụ huynh có thể cặp nhiệt độ cho trẻ ở nách, miệng, hậu môn. Mức độ sốt của trẻ được chia như sau: nhiệt độ từ 37,5 – 38 độ là sốt nhẹ, 38 – 39 độ là sốt vừa, trên 39 độ - sốt cao.

– Hạ sốt cũng là một điểm phụ huynh cần chú ý. Uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ, cởi bớt quần áo cho trẻ để giúp nhiệt độ thoát ra ngoài.

– Chống co giật cho trẻ sốt cao, nếu sốt trên 38,5 độ C thì nên dùng thuốc hạ sốt kèm theo thuốc chống co giật theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là với những trẻ có tiền sử co giật khi sốt cao.

– Giữ ấm cho trẻ vừa phải, không để trẻ bị lạnh hoặc mặc quá nhiều quần áo khiến nhiệt không thể thoát ra ngoài gây sốt cao khó hạ.

– Khi trẻ bị sốt virus thường sốt cao, từ đó có thể gây ra tình trạng mất nước, rối loạn cân bằng điện giải trong cơ thể. Phụ huynh cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường, hoặc uống bổ sung oresol để bù điện giải. Cha mẹ cũng có thể cho trẻ ăn cháo nấu loãng để bù nước theo chỉ dẫn, uống từ từ để tránh nôn.

– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng cũng là một lưu ý quan trọng trong chăm sóc trẻ bị sốt virus tại nhà. Cần bổ sung thêm sữa cho trẻ nếu trẻ không muốn ăn bột hoặc cháo. Nếu trẻ sơ sinh, còn bú mẹ, cần cho trẻ bú nhiều hơn, tăng số bữa.

- Ngoài ra cũng cần chia nhỏ bữa ăn thành nhiều lần, không nên ép ăn khi chăm sóc trẻ bị sốt virus vì dễ gây nôn, trớ.

- Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng nước muối sinh lý natriclorid 0,9% để tránh bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp.

- Vệ sinh tay trước khi chăm sóc trẻ bị sốt virus hoặc khi cho trẻ ăn.

- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với nhiều người.

Lưu ý : Khi nào cần đưa trẻ bị sốt virus tới bệnh viện

Khi có những triệu chứng sau đây, cần đưa trẻ tới bệnh viện:

- Trẻ sốt cao trên 38,5 độ, đặc biệt trên 39 độ C mà trẻ không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Trẻ lơ mơ, li bì, xuất hiện đau đầu và co giật tăng dần.

- Buồn nôn, nôn khan nhiều lần.

- Sốt kéo dài trên 5 ngày.

Các bậc phụ huynh có thể tuân thủ những phương pháp trên để chăm sóc trẻ bị sốt virus tại nhà hoặc đưa trẻ tới bệnh viện để được chăm sóc tốt nhất. Trong trường hợp nghi ngờ trẻ có thể bị mắc bệnh khác hoặc nghi ngờ biến chứng xảy ra thì cần cho trẻ đi khám kịp thời ở các cơ sở y tế.


Tác giả: Anh Dũng