Sốt virus là bệnh lý do virus gây nên. Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh, các điều trị được tiến hành trên người bệnh chủ yếu là điều trị các triệu chứng, nâng đỡ thể chất bệnh nhân và theo dõi các biến chứng của bệnh có thể xảy ra. Thông thường sốt virus sẽ khỏi bệnh sau khoảng 1-2 tuần kể từ khi khởi phát.
Do đó, trong những trường hợp bệnh nhân bị sốt virus thông thường, mức độ biểu hiện không quá nặng nề, không có các bệnh lý kèm theo (bội nhiễm, bệnh lý toàn thân,...) thì người bệnh có thể điều trị sốt virus tại nhà mà không cần đến cơ sở y tế.
Bệnh nhân bị sốt virus có thể sốt cao hoặc rất cao (nhiệt độ cơ thể có thể lên đến 40-41oC), sốt quá cao có thể khiến bệnh nhân bị co giật. Do đó việc hạ sốt cho bệnh nhân khi điều trị sốt virus tại nhà là rất quan trọng.
Để hạ sốt khi điều trị sốt virus tại nhà, người bệnh có thể được sử dụng một số các loại thuốc hạ sốt không kê đơn thông thường như paracetamol hoặc các thuốc nhóm NSAIDs (ibuprofen, aspirin, naproxen,...). Tuy nhiên việc sử dụng thuốc thuộc nhóm NSAIDs không được khuyến khích nhiều do gây nhiều tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, tăng nguy cơ xuất huyết, tổn thương thận,..
Paracetamol là thuốc được sử dụng chủ yếu để hạ sốt khi điều trị sốt virus tại nhà. Chỉ sử dụng paracetamol khi sốt >38,5oC, liều sử dụng khoảng 10-20mg/kg, không sử dụng quá 4g paracetamol để hạ sốt trong vòng 24h do sử dụng quá nhiều paracetamol sẽ gây tổn thương gan. Nếu bệnh nhân không thể uống được, có thể sử dụng dạng viên đạn đặt hậu môn.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể được hạ sốt bằng cách sử dụng các phương pháp vật lý như lau mát,...
Sốt virus có thể khiến cơ thể bệnh nhân bị mất nhiều nước do sốt làm mất nước quá da, hoặc do các biểu hiện tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn mửa làm mất nước. Do đó, khi điều trị sốt virus tại nhà vấn đề bù dịch cho người bệnh cần được đặc biệt quan tâm.
Dung dịch Oresol là dung dịch được sử dụng để bù dịch cho bệnh nhân khi điều trị sốt virus tại nhà phổ biến nhất hiện nay. Mỗi lần sử dụng 1 gói pha hoàn toàn trong 1 lít nước, uống dẫn trong 24h. Người bệnh có thể được sử dụng 1 hay 2 gói mỗi ngày tùy thuộc mức độ mất nước.
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng các loại nước như nước ép trái cây, nước cháo loãng có nêm muối, nước dùng, các loại đồ uống thể thao,... để bù dịch cho cơ thể khi điều trị sốt virus tại nhà.
Lưu ý không uống quá nhiều nước lọc để bù dịch do hấp thu kém và có thể gây rối loạn cân bằng nước, điện giải trong cơ thể.
Khi bị sốt virus và điều trị sốt virus tại nhà, hãy cỗ gắng nghỉ ngơi nhiều hơn nếu có thể. Bởi khi bị sốt virus đồng nghĩa với việc cơ thể đang phải làm việc nhiều hơn để chống lại các tác nhân gây bệnh cho cơ thể. Vì thế, sự nghỉ ngơi nhiều hơn là điều cần thiết. Nếu có thể, hãy hạn chế tối đa các vận động thể chất mạnh gây áp lực cho cơ thể và ngủ từ 8-9h/ngày.
Một điều cần nhớ khác khi điều trị sốt virus tại nhà là hãy đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho người bệnh. Sự dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp bệnh nhân nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng và nhanh chóng bình phục hơn.
Việc điều trị sốt virus tại nhà là điều hoàn toàn có thể, tuy nhiên bệnh nhân và người nhà cũng cần nhớ một số trường hợp cần thiết đưa người bệnh nhập viện ngay lập tức để có thể xử lý và diều trị bệnh kịp thời.
Những trường hợp cần thiết đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay như sốt cao kéo dài trên 5 ngày không đỡ, sốt cao trên 39oC không đáp ứng với thuốc hạ sốt, sốt cao kèm theo co giật hoặc các tình trạng mất nước nặng nề (li bì hoặc hôn mê, rất khát nước, không đi tiểu hoặc đi tiểu rất ít,...).
Trên đây là một số giới thiệu cơ bản về cách điều trị sốt virus tại nhà mà bệnh nhân và người nhà cần biết. Tuy nhiên, việc điều trị sốt virus tại nhà vẫn cần phải tuân thủ theo các hướng dẫn cụ thể của bác sĩ sau khi đã thực hiện các thăm khám và kiểm tra cần thiết.
Nguồn dịch: https://www.healthline.com/health/viral-fever-home-remedies#cooling-tips