Sốt Siêu Vi

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Sốt Siêu Vi
Người bị sốt siêu vi ngoài triệu chứng sốt cao còn kèm các hiện tượng ớn lạnh, sốt kéo dài, nôn mửa hay phát ban. Sốt siêu vi có những triệu chứng mơ hồ, khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý thông thường như cảm cúm, cảm lạnh.

Người bị sốt siêu vi ngoài triệu chứng sốt cao còn kèm các hiện tượng ớn lạnh, sốt kéo dài, nôn mửa hay phát ban. Sốt siêu vi có những triệu chứng mơ hồ, khó nhận biết và dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý thông thường như cảm cúm, cảm lạnh…. Sốt siêu vi nếu không điều trị kịp thời có thể để lại nhiều di chứng, đặc biệt đối với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

1. Sốt siêu vi: Triệu chứng, cách điều trị và biện pháp phòng ngừa

1.1. Sốt siêu vi là gì?

Sốt siêu vi (tên khoa học trong tiếng Anh là Fever Virus) hay còn gọi là sốt virus là tình trạng người bệnh bị sốt do nhiễm phải các loại siêu vi trùng (virus) khác nhau. Có rất nhiều loại virus gây ra sốt siêu vi, trong đó phổ biến nhất là virus cúm, Enterovirus, Coronavirus, Adenovirus,... Tuy có nhiều loại virus gây ra bệnh nhưng nhìn chung chúng đều có những triệu chứng khá giống nhau.

sot-virus-o-tre-em-la-gi-min

Sốt siêu vi thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Sốt siêu vi thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột khiến hệ thống miễn dịch của con người suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại virus tấn công. Phần lớn các trường hợp bị sốt siêu vi có thể tự khỏi sau vài ngày và chỉ cần điều trị triệu chứng như hạ sốt, nghỉ ngơi, bù nước. Người bệnh cần được cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm để tránh bùng phát thành dịch.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh phát triển nhanh chóng, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Với những trường hợp này cần sớm đưa người bệnh đến bệnh viện để được bác sĩ theo dõi và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

1.2. Triệu chứng của sốt siêu vi

Khi bị sốt siêu vi, người bệnh sẽ có những biểu hiện sau:

 - Sốt cao: Sốt cao là một trong những biểu hiện phổ biến nhất của sốt siêu vi. Khi bị nhiễm bệnh, người bệnh sẽ sốt rất cao (từ 38-39 độ C, thậm chí lên tới 40-41 độ C).

Ở trẻ nhỏ, nếu trẻ sốt quá cao mà không được hạ sốt kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị co giật, nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn suy hô hấp, thiếu oxy lên não, nặng hơn có thể dẫn đến suy giảm trí tuệ hoặc các biến chứng nặng nề về não.

Ở người lớn: nếu sốt cao không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

trieu-chung-cua-sot-virus

Sốt cao là một trong những biểu hiện phổ biến nhất của sốt siêu vi.

- Cơ thể mệt mỏi: bệnh nhân bị sốt siêu vi luôn cảm thấy uể oải, mệt mỏi và khó chịu.

- Đau đầu: Đau đầu dữ dội cũng là triệu chứng thường gặp ở người bị sốt siêu vi. Khi sờ vào hai thái dương của người bệnh có thể thấy rõ thái dương đập mạnh, điều này xuất phát từ việc tuần hoàn máu và mạch máu bị căng ra khi sốt.

Khi bị đau đầu, người bệnh có xu hướng nằm co lại, mắt nhắm nghiền, li bì đi vì choáng váng. Ở người lớn, khuôn mặt có xu hướng phù nề, hai mắt sưng húp. Ở trẻ nhỏ, một số trẻ có thể bị đau đầu nhưng vẫn tỉnh táo… Trong một số trường hợp khác, tai bệnh nhân có thể có nhầy, bị ngứa hơn bình thường, thậm chí có thể chảy mủ.

20161130_062959_934680_sotsieuvi

Người bị sốt siêu vi thường bị đau đầu dữ dội, hai thái dương đập mạnh.

- Viêm kết mạc mắt: Khi bị bệnh, người bệnh sẽ bị chảy nước mắt, kết mạc mắt có thể đỏ, mắt lờ đờ và có rỉ mắt.

- Viêm đường hô hấp: Đi kèm với đau đầu và sốt, người bệnh có thể bị thêm các bệnh về đường hô hấp như chảy nước mũi, hắt hơi, sổ mũi, rát họng, ho, viêm họng….

viem-duong-ho-hap-do-sot-sieu-vi

Người bệnh có thể bị thêm các bệnh về đường hô hấp như đau họng, chảy nước mũi.

- Viêm hạch: Các hạch ở vùng đầu, mặt, cổ thường sưng to, đau và có thể sờ rõ bằng tay

- Phát ban: đây cũng là một trong những biểu hiện sốt siêu vi đặc trưng. Phát ban thường xuất hiện sau 2-3 ngày sau khi sốt. Những nốt ban sẽ xuất hiện ở bàn chân, bàn tay, sau 1-2 ngày sẽ hiện rõ rệt ở khắp cơ thể. Khi những nốt ban xuất hiện cũng là khi bệnh thời kỳ ủ bệnh và phát bệnh.

- Nôn: Khi bị sốt siêu vi, một số trẻ sẽ có biểu hiện nôn nhiều lần, thường là nôn sau khi ăn. Người lớn cũng có thể bị nôn mửa. Nguyên nhân chủ yếu là do bị viêm họng, kích thích chất nhầy.

- Đau nhức toàn thân: dấu hiệu sốt virus này thường xảy ra ở trẻ. Trẻ lớn thường bị đau cơ bắp, trẻ nhỏ có thể xuất hiện cơn đau toàn thân kèm quấy khóc không dứt.

- Rối loạn tiêu hóa: thường xuất hiện sớm nếu nguyên nhân gây sốt là do virus đường tiêu hóa, ở một số trường hợp sẽ xuất hiện muộn hơn vài ngày cùng với những dấu hiệu khác như tiêu chảy, có chất nhầy và không có máu.

1.3. Sốt siêu vi có lây không? Nếu lây thì lây qua những đường nào?

Sốt siêu vi có lây không? Các bác sĩ cho biết sốt virus là một bệnh có khả năng lây lan cao từ người này sang người khác qua các đường lây phổ biến như:

- Đường hô hấp (nói chuyện tiếp xúc với nước bọt,...)

- Đường ăn uống

- Tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, dịch nhầy từ người bệnh.

- Tiếp xúc gián tiếp qua các vật dụng ở nơi công cộng như tay vịn cầu thang máy, tay nắm cửa, đồ chơi hay cầm nắm của trẻ em

- Đường máu: tiêm chích, truyền máu, từ mẹ sang con trong lúc sinh hay qua quan hệ tình dục.

Vì thế khi chăm sóc người bệnh, người nhà nên ăn uống riêng, tránh tiếp xúc với dịch nhầy hay máu của người bệnh - phòng tránh lây nhiễm virus.

1.4. Điều trị sốt siêu vi

Những thông tin dưới đây không thể thay thế lời khuyên từ bác sĩ và các chuyên viên y tế. Do đó, khi có dấu hiệu bị sốt siêu vi, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Nguyên tắc điều trị:

+ Không tự ý dùng thuốc kháng sinh hoặc truyền dịch

+ Dùng thuốc hạ sốt đúng liều

+ Không xông họng khi không có chỉ định của bác sĩ, tránh tác động xấu tới niêm mạc của mũi và họng

+ Khi đang bị sốt, có thể bệnh nhân sẽ thường xuyên bị khát nước. Nên cho người bệnh uống nước ấm, tuyệt đối không uống nước quá nóng hay quá lạnh.

Điều trị các triệu chứng:

Dưới đây là cách điều trị các triệu chứng của sốt siêu vi:

- Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Đối với người bị sốt siêu vi, điều quan trọng nhất mà bạn cần làm là phải cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể. Người bệnh nên uống nhiều nước. Nếu người bệnh là trẻ còn bú thì cần phải cho trẻ bú đầy đủ. Người bệnh nên uống bổ sung oresol (1 gói chứa 3,5 gam natriclorit, 20 gam glucose khan, 2,9 gam natricitrat và 1,5 gam kaliclorit).

Pha một gói oresol với 1 lít nước sôi để nguội, uống liên tục trong ngày, tùy theo mức độ mất nước mà có thể sử dụng từ 2 đến 3 gói. Viên Hydrit cũng có thể được sử dụng để thay thế cho oresol. Để sử dụng Hydrit đúng cách, cần pha 1 viên với 200 ml nước. Lưu ý: cần pha thuốc đúng tỷ lệ, nếu quá đặc sẽ dẫn đến tình trạng quá tải các chất điện giải cần thiết, nếu quá loãng sẽ không cung cấp đủ lượng chất điện giải cần thiết.

- Hạ sốt: Khi người bệnh sốt trên 38,5 độ nên sử dụng thuốc hạ sốt. Sử dụng Paracetamol với liều 10 - 20 mg/kg thể trọng (không được dùng aspirin hay ibuprofen để hạ sốt), dùng cách nhau 4 - 6 tiếng mỗi lần.

- Vệ sinh sạch sẽ: Vệ sinh sạch sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng của người bệnh và tránh xảy ra hiện tượng bội nhiễm do các virus khác gây ra.

Khi tắm nên tắm bằng nước ấm, quần áo mặc nên sạch sẽ và thoáng mát.

Sốt siêu vi khi nào cần nhập viện?

Khi người bệnh sốt cao liên tục khoảng 39 độ từ 5 ngày trở lên, đã được dùng thuốc hạ sốt nhưng không có dấu hiệu giảm sốt; có cảm giác buồn nôn, đau đầu thậm chí là lên cơn co giật thì người nhà nên ngay lập tức đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời, tránh nguy hiểm tới tính mạng.

1.5. Các biện pháp phòng ngừa sốt siêu vi

Để phòng tránh sốt siêu vi, mọi người cần làm các việc sau đây:

- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đối với trẻ em, cần tạo thói quen không để trẻ em đưa đồ chơi vào miệng.

- Không nên tiếp xúc với người đang bị bệnh, đặt biệt hạn chế đi đến nơi đông người khi đang có dịch sốt siêu vi bùng phát.

- Ăn uống khoa học, đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng cũng như sức đề kháng.

- Mọi người, đặc biệt là đối tượng trẻ em cần phải được tiêm phòng đầy đủ.

- Khi có dấu hiệu của ho, hắt hơi, sổ mũi mọi người nên dùng tay hoặc khăn giấy che miệng lại. Trẻ em cũng cần được người lớn hướng dẫn thực hiện điều này.

rua-tay-bang-xa-phong_1

Để phòng tránh, ngăn ngừa sốt virus, mọi người cần phải giữ vệ sinh sạch sẽ.

2. Phân biệt sốt siêu vi và sốt xuất huyết

Bệnh sốt siêu vi và sốt xuất huyết ở giai đoạn đầu có biểu hiện khá giống nhau tuy nhiên vẫn có thể phân biệt được bằng cách làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Việc phân biệt giữa sốt siêu vi và sốt xuất huyết sớm là việc cần thiết phải làm để xác định hướng điều trị và theo dõi kịp thời các biến chứng nguy hiểm mà sốt xuất huyết có thể gây ra.

Sốt xuất huyết ở giai đoạn toàn phát sẽ xuất hiện xuất huyết dưới da dưới nhiều hình thức, còn sốt siêu vi sẽ không có triệu chứng này. Cách phân biệt giữa xuất huyết dưới da và phát ban trong sốt virus là khi ta căng da, nốt xuất huyết sẽ không mất còn nốt phát ban sẽ biến mất.

3. Sốt siêu vi và các câu hỏi thường gặp

3.1. Sốt siêu vi nên ăn gì?

nguoi-bi-sot-xuat-huyet-nen-an-gi

Người bị sốt siêu vi nên ăn nhiều trái cây, rau xanh, thức ăn lỏng và bổ sung nhiều nước.

Người bị sốt siêu vi nên ăn các loại thức ăn sau:

- Thức ăn lỏng

- Các loại rau xanh

- Sử dụng các loại trái cây

- Uống nước dừa

- Bổ sung nhiều nước

- Tỏi

- Uống trà gừng.

Những loại thức ăn người bị sốt siêu vi nên tránh:

- Trứng

- Mật ong

- Đồ cay nóng

- Thức ăn khó tiêu

- Các loại nước nhiều đường

- Bia rượu, đồ uống có cồn

- Nước lạnh.

tac-hai-cua-viec-an-nhieu-trung-2

Người bị sốt siêu vi nên tránh ăn các loại đồ ăn khó tiêu như trứng, mật ong, đồ cay nóng, nước lạnh, bia rượu.

3.2. Sốt siêu vi mấy ngày thì khỏi?

Thông thường, sốt siêu vi có thể tự khỏi từ 5-7 ngày nếu được điều trị và chăm sóc tích cực. Tuy nhiên sốt siêu vi ở người lớn thường kéo dài lâu hơn trẻ nhỏ vì yếu tố chủ quan, không tuân thủ chế độ ăn uống và điều trị nghiêm ngặt khiến sức đề kháng suy giảm. Chính vì vậy, khi bị sốt virus, người bệnh cần nghỉ ngơi, sinh hoạt điều độ, bổ sung vitamin C, ăn thực phẩm giúp bổ sung sức đề kháng và tránh đi đến những chỗ đông người.

3.3. Sốt siêu vi nên uống thuốc gì?

Đối với trẻ nhỏ: Cho trẻ uống Paracetamol liều 10-15 mg/kg, mỗi lần uống cách nhau 6 tiếng. Nếu trẻ đang bú thì nên cho trẻ bú nhiều hơn và cho uống bù nước Oresol theo hướng dẫn của bác sĩ. Trường hợp trẻ bị sốt cao kéo dài, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.

Đối với người lớn: Nếu bị nhẹ thì có thể tự điều trị ở nhà bằng cách bổ sung thêm vitamin C, uống thuốc hạ sốt (Paracetamol) và uống nước cân bằng điện giải. Trường hợp nặng, người bệnh cần phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để có phác đồ điều trị thích hợp.

Lưu ý: Người bệnh tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng và thuốc giảm triệu chứng sốt virus phù hợp với thể trạng và giai đoạn bệnh sốt virus. Tuyệt đối không nên tự ý mua và uống thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là thuốc kháng sinh hay truyền dịch.


Tác giả: Phạm Trang