Sốt virus là một bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa, do nhiều loại virus gây ra, phổ biến nhất là virus đường hô hấp.
Các triệu chứng của sốt virus đa phần đều giống với cảm lạnh thông thường và xuất hiện trong 3 - 5 ngày, sau đó sẽ giảm dần, sau 7 - 10 ngày sẽ khỏi hẳn khi được điều trị đúng cách. Tuy nhiên đa phần các bệnh nhân vẫn cảm thấy mệt mỏi và đau khớp sau sốt virus.
Các triệu chứng của bệnh sốt virus bao gồm:
- Cơ thể mệt mỏi, uể oải. Đây là triệu chứng đặc hiệu của sốt virus.
- Sốt cao. Khi mới phát bệnh chỉ sốt nhẹ, sau đó thân nhiệt cơ thể tăng dần từ 39 - 41 độ C.
- Đau nhức toàn thân. Sốt virus sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, thân nhiệt cũng tăng lên nhanh chóng, từ đó gây ra hiện tượng đau nhức toàn thân, đặc biệt là ở các cơ bắp.
- Sốt virus gây ho và sổ mũi ở người, dịch mũi có thể gây tắc khoang mũi gây ra tình trạng ngạt mũi, khó thở.
- Nhức đầu là triệu chứng đến sau khi bị sốt và đau nhức cơ thể. Người bệnh cần tránh căng thẳng và cần được nghỉ ngơi, thư giãn.
- Người mắc sốt virus sẽ cảm thấy nóng rát, đôi khi là đau trong nhãn cầu, mắt bị đỏ.
- Phát ban nổi mẩn đỏ trên da xuất hiện sau 2 - 3 ngày sốt. Da người bệnh sẽ xuất hiện nhiều mẩn đỏ nhỏ li ti trên khắp cơ thể.
- Khi virus, vi khuẩn xâm nhập vào đường hô hấp, các hạch nhỏ sẽ xuất hiện ở đầu, cổ và có thể sờ thấy bằng tay.
Nhìn chung sốt virus triệu chứng khá giống với cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, tình trạng sốt ở sốt virus sẽ kéo dài ngày hơn. Bệnh sẽ khỏi hẳn sau 7 - 10 ngày phát bệnh, có thể tự điều trị tại nhà và không cần tới bệnh viện.
Tuy nhiên, ngay cả sau khi khỏi bệnh, một số bệnh nhân vẫn gặp tình trạng đau nhức cơ thể, đặc biệt là ở các khớp xương. Từ đó gây mệt mỏi, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người bệnh.
Đau nhức cơ thể và đau khớp sau sốt virus là tình trạng phổ biến và chúng thường tự hết sau khoảng 6 tuần. Nếu tình trạng đau khớp sau sốt virus này vẫn tiếp tục kéo dài hơn 6 tuần sau đó, bạn sẽ cần đến sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa thấp khớp để được chẩn đoán.
Trong trường hợp kết quả xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA) (được sử dụng trong chẩn đoán các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp) là âm tính ở hiệu giá 1:40, chứng minh bạn không mắc các bệnh viêm khớp. Tuy nhiên nếu triệu chứng đau khớp sau sốt virus kéo dài hơn 6 tuần sau đó, bác sĩ thấp khớp sẽ phải tương quan điều này với các triệu chứng lâm sàng của bạn để đi đến kết luận hợp lý.
Cũng có thể có một yếu tố liên quan đến trường hợp đau khớp sau sốt virus này là nồng độ acid uric trong máu cao.
Điều này cho thấy rằng có thể trong quá trình bị sốt virus, bệnh nhân đã ăn nhiều calo hơn (ăn nhiều thực phẩm) số lượng cần thiết với cơ thể. Cũng có thể do sự nghỉ ngơi quá dài, không tập luyện thường xuyên để kiểm soát cân nặng khiến nồng độ acid uric tăng cao.
Nồng độ acid uric trong máu cao là một dấu hiệu cho thấy bệnh nhân có thể mắc một hội chứng gọi là hội chứng chuyển hóa. Việc nồng độ acid uric cao đơn giản là dấu hiệu của hội chứng này. Điều này có nghĩa là sau khi bị sốt virus, bạn đang gặp các vấn đề về cholesterol và có khả năng phát triển thành huyết áp cao, thậm chí là bệnh tim, hoặc bệnh tiểu đường trong tương lai.
Khi bị đau khớp sau sốt virus, dùng bất kỳ loại thuốc nào để giảm acid uric thường không có hiệu quả. Điều duy nhất có thể giúp ích là giảm tổng lượng calo mà bệnh nhân đang ăn hàng ngày. Vì vậy, hãy giảm lượng thức ăn chứa nhiều calo và tăng lượng trái cây, xà lách, trong chế độ ăn uống.
Ngoài ra, bệnh nhân đau khớp sau sốt virus cần ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, giảm hấp thụ dầu, mỡ, bơ và tránh hoàn toàn các loại thức ăn nhanh như nước ngọt, khoai tây chiên, pizza, burger... Bia, rượu hải sản và thịt đỏ là những loại thực phẩm khác có vấn đề và gây tăng nồng độ acid uric.
Đặc biệt, bệnh nhân sau sốt virus cần tập luyện thường xuyên vứi cường độ vừa phải để tránh acid uric tăng cao gây nên tình trạng đau khớp sau sốt virus.
Nguồn dịch: https://doctor.ndtv.com/faq/why-am-i-experiencing-joint-pain-after-viral-fever-14291