Nội dung bài viết của bác sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, Singapore.
Chúng ta lần đầu tiên nghe về một loại virus mới ở Vũ Hán vào tháng 10/2019. Một vài tháng sau đó, ngày càng nhiều người được đưa tới bệnh viện với triệu chứng viêm phổi cấp.
Ca mắc bệnh viêm phổi lạ đầu tiên, mà nay chúng ta đã quen thuộc với tên gọi là dịch bệnh Covid-19, được Tổ chức Y tế Thế giới thông báo ngày 31/12/2019. Kể từ đó, virus đã tồn tại bằng cách liên tục thích nghi trên vật chủ là con người một cách gần như hoàn hảo.
Chỉ chưa đầy 12 tháng, virus này đã tạo ra một đột biến mạnh nhất, đó là biến thể B1617 lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ và hiện đã được ghi nhận tại 53 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đây cũng là dấu hiệu cho thấy bước ngoặt trong câu chuyện của chúng ta: Virus không ngừng biến chủng và vì thế, chúng ta phải lên kịch bản cho việc sống chung với nó.
Dịch bệnh liên tục xuất hiện ở những khu vực nhất định và có thể dẫn đến những đợt bùng phát ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên, chúng ta đã sống chung với 4 loại virus corona khác với các triệu chứng như cảm lạnh thông thường.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là tại sao biến thể B1617 có thể dễ dàng lây lan khắp các châu lục như vậy và liệu chúng ta có thể chung sống "hòa bình" với nó không?
Vũ khí chủ yếu của một virus là bộ gen của nó. Nó sử dụng các Axit ribonucleic (RNA hay ARN) mạch đơn để di truyền. RNA giúp virus có hàng nghìn cơ hội để biến chủng so với bộ gen của con người, vốn được mã hóa dưới dạng ADN. Một RNA mạch đơn tức là sẽ không có mạch bổ sung nào để kiểm soát những đột biến tình cờ xuất hiện.
Khi virus xâm nhập vào cơ thể con người, nó có nhiều cơ hội để biến chủng. Các nhà khoa học ước tính có từ 1 tỷ - 100 tỷ bản sao của virus chỉ trong cơ thể của 1 người. Đây là một con số khổng lồ, gấp hơn 10 lần số người sống trên hành tinh này. Hầu hết các đột biến đều có hại với bản thân virus. Tuy nhiên có cả những đột biến vô hại và không cung cấp thêm "vũ khí" nào cho virus. Dù vậy, một số đột biến có thể giúp chúng lây nhiễm dễ dàng hơn và có khả năng sống sót cao hơn.
Đột biến trong biến thể B1617 gần đây giúp virus SARS-CoV-2 có 3 lợi thế. Thứ nhất, virus dễ dàng lây lan hơn với tải lượng virus cao hơn, dẫn đến có nhiều phân tử virus tập trung hơn trong mỗi lần ho. Thứ hai, virus có khả năng lây nhiễm cao hơn và có thể gắn vào các thụ thể protein ACE2 thuận lợi hơn. Cuối cùng, virus có thể thoát khỏi hệ miễn dịch dễ dàng hơn.
Do vậy, B1617 là biến thể mạnh nhất hiện nay. Nó thay thế những chủng virus đang tồn tại. Các quốc gia ghi nhận biến thể này đều ghi nhận số ca mắc tăng đột biến với chủng virus này chiếm ưu thế.
Do thế giới đối phó với virus bằng một loạt biện pháp phong tỏa, đeo khẩu trang và giãn cách xã hội nên virus này phải tìm cách tiến hóa để tồn tại. Thậm chí, nếu biến thể B1617 không lây lan nữa, các biến thể khác có thể sẽ biến chủng theo cách thức tương tự dưới sức ép tiến hóa.
Điều này được gọi là sự tiến hóa hội tụ (Tiến hóa hội tụ là sự tiến hóa một cách độc lập của các đặc điểm tương tự ở các loài thuộc các thời kỳ khác nhau - ND), tức là virus từ những chủng khác nhau thích ứng với những đột biến có lợi mà chúng chưa từng gặp.
Hầu hết những nhà sản xuất vaccine trên thế giới đều tập trung vào việc phát triển hệ miễn dịch nhằm chống lại protein gai - một phần của virus gắn với các thụ thể trên tế bào con người để tấn công vào bên trong. Virus có khả năng thoát khỏi hệ miễn dịch do vaccine tạo ra bằng cách tạo ra đột biến trong cùng loại protein.
Tin tốt là các vaccine mRNA do Pfizer và Moderna có hiệu quả cao trong việc chống lại chủng virus ban đầu nhưng tin xấu là hiệu quả từ 94 - 95% của loại vaccine này giảm xuống chỉ còn 70 - 75% đối với biến thể B1617.
Tuy nhiên, nếu được tiêm vaccine, triệu chứng của bệnh sẽ nhẹ hơn so với những người mắc biến thể mới mà không được tiêm vaccine. Điều đó cũng tức là một dịch bệnh nguy hiểm gây chết người có thể trở thành bệnh cảm lạnh thông thường. Việc này có thể thấy rõ ở những người có triệu chứng nhẹ hoặc tiền triệu chứng mặc dù họ đã được tiêm vaccine trong ổ dịch ở Bệnh viện Tan Tock Seng, Singapore. Chỉ 1 người cao tuổi mắc bệnh trong những người trên cần phải thở oxy.
Đó là lý do tại sao việc tiêm vaccine cần phải tiếp tục. Mục tiêu của mọi vaccine là có thể đạt được "miễn dịch khử trùng" - tức là vaccine chống lại dịch bệnh hiệu quả nhờ hệ miễn dịch ngăn virus xâm nhập vào tế bào và nhân bản. Tuy nhiên, không có loại vaccine nào từng đạt được điều này.
Giữa lúc việc phân phối vaccine trên toàn cầu vẫn còn hạn chế, chúng ta cần tận dụng tốt nhất các loại vaccine sẵn có và đạt được mức độ tiêm chủng từ 70 - 90%, đặc biệt khi các loại đột biến khiến vaccine giảm hiệu quả.
Ngoài ra, trong số những người được tiêm vaccine, việc lây nhiễm sang người khác sẽ giảm đáng kể. Một tài liệu nghiên cứu từ các bác sĩ Anh ước tính, nguy cơ những người được tiêm vaccine lây nhiễm cho người khác trong gia đình giảm hơn một nửa, tương đương với 54% trong khi khả năng lây nhiễm sang các nhân viên y tế giảm khoảng 92% vào 14 ngày sau khi tiêm mũi thứ hai.
Điều đáng chú ý là nghiên cứu này được hoàn thành từ 12/2020 - 3/2021 liên quan đến 144.000 nhân viên y tế và gia đình họ - trước khi biến thể B1617 thay đổi đáng kể mọi thứ.
Các dữ liệu cũng cho thấy việc tiêm vaccine có thể biến một dịch bệnh nguy hiểm thành một bệnh nhẹ hơn, giảm nhu cầu cần nhập viện, giám gánh nặng lên hệ thống y tế và làm chậm sự lây lan trong số những người được tiêm vaccine.
Đọc thêm:
+ 12 điều cần biết trước khi tiêm vacccine Covid-19
+ Tại sao sau khi tiêm ngừa vaccine Covid-19 vẫn cần tiếp tục đeo khẩu trang?
Vaccine là một chiến lược quan trọng trong việc sống chung với virus gây ra dịch bệnh. Với mối đe dọa về việc miễn dịch giảm dần qua thời gian và khả năng thích nghi của virus ngày càng tăng, tất cả những người được tiêm vaccine có thể phải chuẩn bị tiêm mũi vaccine thứ ba để tăng cường hệ miễn dịch lên mức cao nhất.
Đây là một viễn cảnh ám ảnh nếu chúng ta muốn sống chung với virus, song sẽ là bước đi cần thiết.
Khoa học đang gấp rút tìm kiếm câu trả lời về việc liệu liều vaccine thứ ba có thể thúc đẩy hiệu quả với công thức ban đầu hay không, hay sẽ cần một công thức khác. Khả năng về liều vaccine thứ ba có thể là một thực tế trong tương lai mà chúng ta phải đối mặt để hiểu về mức độ bảo vệ của các kháng thể.
Đối với một vài cá nhân, có sẽ cần lặp lại số liều vaccine hàng năm giống như việc chúng ta tiêm vaccine cúm như hiện nay.
Tương lai của việc sống chung với đại dịch Covid-19 là điều khả thi nhưng việc đó cũng có nghĩa là chúng ta cần học cách chấp nhận sống chung với virus SARS-CoV-2.
Ngoài tiêm vaccine, việc đeo khẩu trang cũng phải luôn được duy trì. Các dữ liệu cho thấy, rõ ràng khẩu trang giúp làm giảm lây nhiễm dịch bệnh. Ngoài ra, xét nghiệm cũng là một nguyên tắc quan trọng để sống chung với virus.
Dù chúng ta áp dụng các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hay thúc đẩy tiêm vaccine để chiến thắng dịch bệnh thì cuộc chiến tiếp theo sẽ luôn cam go hơn nhiều. Do đó việc chuẩn bị để sống chung với Covid-19 nên bắt đầu từ bây giờ.
Khi chúng ta càng chuẩn bị sớm thì chúng ta sẽ càng bền bỉ trong việc đối phó với dịch bệnh. Mặc dù virus SARS-CoV-2 dường như có khả năng vượt trội hơn so với các loại virus corona trước đó nhưng không có lý do gì để chúng ta đầu hàng trước chúng./.