Các triệu chứng khi nhiễm COVID-19 ở những cá nhân khác nhau có thể rất khác nhau, đặc biệt là với các chủng mới xuất hiện như hiện tại. Một số người nhiễm thậm chí còn không có các triệu chứng nhưng cũng có người nhiễm bệnh phải nhập viện và phải thở máy.
Nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng của COVID-19 có thể tăng lên ở những người lớn tuổi. Nguy cơ này cũng có thể cao hơn ở những người đang gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác như bệnh tim, phổi, người có hệ miễn dịch suy yếu, béo phì hoặc tiểu đường. Điều này tương tự như những gì được thấy với các bệnh đường hô hấp khác, chẳng hạn như cúm.
Mỗi yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng. Những người có một số vấn đề sức khỏe khác thậm chí còn có nguy cơ cao hơn. Dưới đây là tổng hợp các yếu tố nguy cơ dựa trên các nghiên cứu đã được công bố và bằng chứng được chấp nhận về vấn đề "Ai có nguy cơ mắc các triệu chứng nghiêm trọng cao hơn khi nhiễm COVID-19?":
Mọi người ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ nhiễm COVID-19. Nhưng biến chứng nghiêm trọng dễ xảy ra hơn ở người trung niên và lớn tuổi. Nguy cơ phát triển các triệu chứng này tăng theo tuổi tác và người trên 85 tuổi có nguy cơ cao nhất.
Đọc thêm:
+ Tại sao xương người già giòn và dễ gãy? Biện pháp cải thiện mật độ xương hiệu quả cho người cao tuổi
+ Kiệt sức do nhiệt ở người già và những điều cần biết
Người lớn tuổi cũng có nhiều khả năng mắc bệnh Alzheimer và bệnh khiến họ khó nhớ được chính xác và đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đã được khuyến nghị giúp phòng tránh nhiễm trùng.
COVID-19 nhắm vào phổi. Vì vậy mà bạn có nhiều khả năng phát triển các biến chứng nghiêm trọng nếu đã có các vấn đề mãn tính về phổi khác nhau, bao gồm:
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- Ung thư phổi
- Bệnh xơ nang phổi
- Xơ phổi
- Bệnh hen suyễn trung bình đến nặng
- Tăng huyết áp động mạch phổi
- Thuyên tắc phổi.
Một số loại thuốc dùng để kiểm soát các tình trạng này có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của người bệnh. Tuy nhiên điều quan trọng là bạn phải dùng thuốc để duy trì việc kiểm soát các triệu chứng chặt chẽ.
Với bệnh hen suyễn, những tác nhân làm tăng nguy cơ gây các đợt suyễn cấp cũng cần phải lưu ý chẳng hạn như bụi, phấn hoa, khó thuốc lá hay không khí lạnh. Cảm xúc mạnh hay căng thẳng quá độ hoặc mùi mạnh cũng có thể gây ra các suyễn này, vì thế hãy đảm bảo rằng chất khử trùng mà bạn đang sử dụng không phải là tác nhân gây hen suyễn bên cạnh việc quản lí cảm xúc và căng thẳng chặt chẽ.
Bên cạnh các tác nhân gây hen suyễn thì hút thuốc lá hay thuốc lá điện tử có thể gây hại cho phổi và ức chế hệ miễn dịch của bạn, từ đó làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng khi nhiễm COVID-19.
Nhiều loại bệnh tim có thể khiến bạn có nhiều nguy cơ phát triển các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng. Bao gồm:
- Bệnh cơ tim
- Bệnh tim bẩm sinh
- Suy tim
- Bệnh động mạch vành.
Tiếp tục sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ là yếu tố quan trọng. Nếu bạn đang bị huyết áp cao thì nguy cơ của bạn có thể aco hơn nếu như bạn không kiểm soát tốt huyết áp và dùng thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Một số tình trạng ảnh hưởng tới não và hệ thần kinh có thể làm tăng nguy cơ tiến triển nặng khi nhiễm COVID-19 bao gồm:
- Đột quỵ
- Sa sút trí tuệ.
Bệnh tiểu đường type 1 và type 2 có thể làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng. Việc có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao được coi là thừa cân, béo phì - ở mức độ nghiêm trọng sẽ gây nhiều tác động bất lợi tới sức khỏe khi nhiễm COVID-19.
Cụ thể, bệnh tiểu đường và béo phì đều làm giảm hiệu quả hoạt động của hệ miễn dịch. Tiểu đường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nói chung nhưng nguy cơ này có thể được giảm bớt nhờ việc kiểm soát tốt đường huyết và tiếp tục sử dụng thuốc điều trị tiểu đường hay insulin theo chỉ dẫn.
Nếu bạn đang bị chẩn đoán mắc thừa cân hay béo phì thì bạn cần có chế độ giảm cân bằng cách ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất thường xuyên.
Những người hiện đang bị ung thư có nguy cơ cao bị bệnh nặng hơn do COVID-19. Nguy cơ này có thể khác nhau, tùy thuốc vào loại ung thư và phương pháp điều trị bạn đang tiếp nhận.
Thiếu máu hồng cầu hình liềm là một tình trạng sức khỏe khác làm tăng nguy cơ mắc các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng. Rối loạn di truyền này khiến các tế bào hồng cầu của bạn trở nên cứng, dính và có hình dạng giống như chữ "C". Những tế bào hồng cầu bị biến dạng này chết sớm, do đó, oxy không thể được vận chuyển khắp cơ thể của bạn. Nó cũng gây ra tắc nghẽn đau đớn trong các mạch máu nhỏ.
Một rối loạn máu di truyền khác, được gọi là thalassemia, cũng có thể khiến bạn có nhiều khả năng mắc các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng. Trong bệnh thalassemia, cơ thể không sản xuất đủ hemoglobin và điều này ảnh hưởng đến mức độ vận chuyển oxy của các tế bào hồng cầu.
Một hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp chống lại sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh. Nhưng nhiều tình trạng và phương pháp điều trị có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn bao gồm:
- Người cấy ghép tạng
- Điều trị ung thư như xạ trị, hóa trị,...
- Cấy ghép tủy
- HIV/AIDS
- Sử dụng prednisone lâu dài hoặc các thuốc tương tự gây suy yếu miễn dịch.
Với người bị suy yếu miễn dịch có thể cần bổ sung thêm các biện pháp phòng ngừa virus khác để tránh nhiễm COVID-19.
Bệnh gan hoặc thận mãn tính có thể làm suy giảm hệ miễn dịch của người bệnh - điều này làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng khi nhiễm COVID-19. Ngoài ra để điều trị các triệu chứng COVID-19 có thể phải dùng các thuốc điều trị bệnh tác động tới gan - vốn đã yếu.
Nếu bạn đang chạy thận nhân tạo do bệnh thận mãn tính hãy đảm bảo rằng bạn thực hiện chạy thận đủ các buổi theo yêu cầu của bác sĩ. Nếu có vấn đề khác thường, cần báo ngay cho bác sĩ chủ trị.
Những người có tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm và rối loạn phổ tâm thần phân liệt có thể có nhiều khả năng phát triển các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng.
Nhìn chung những người mắc hội chứng Down có nhiều khả năng bị nhiễm trùng phổi và đặc biệt dễ bị tổn thương bởi COVID-19. Họ cũng có nguy cơ cao mắc phải nhiều vấn đề sức khỏe có liên quan tới việc phát triển các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng - bao gồm bệnh tim, ngưng thở khi ngủ, béo phì và tiểu đường.
Nhìn chung thì vaccine có thể giúp bạn phòng ngừa việc nhiễm COVID-19 hoặc giảm rủi ro tiến triển nặng nếu nhiễm bệnh. Nếu bạn bị suy giảm miễn dịch và có nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng hơn thì đeo khẩu trang và thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh được khuyến nghị khác sẽ giảm thiểu nguy cơ này.
Một liều vaccine COVID bổ sung cũng đã được khuyến cáo với những người được tiêm chủng và có thể chưa có đáp ứng miễn dịch đủ mạnh trước virus SARS-CoV-2. Người có miễn dịch suy yếu mức trung bình hoặc nghiêm trọng thì nên tiêm bổ sung một mũi chính và một mũi tăng cường.
Ngoài các biện pháp phòng ngừa hàng ngày thì bạn có thể:
- Đảm bảo rằng luôn có đủ thuốc trong nhà theo đơn của bác sĩ
- Kiểm tra bạn đã đến thời điểm tiêm ngừa các mũi cúm, viêm phổi hay chưa
- Đảm bảo việc giữ liên lạc với các bên như nhà cung cấp thực phẩm, dịch vụ chăm sóc sức khỏe,... đề phòng khi bạn nhiễm bệnh.
Nguồn dịch: COVID-19: Who's at higher risk of serious symptoms?