Nguy cơ đông máu hậu COVID-19 cao hơn nhiều lần so với rủi ro do tiêm vaccine ngừa covid

Nguy cơ đông máu hậu COVID-19 cao hơn nhiều lần so với rủi ro do tiêm vaccine ngừa covid
Đối với những người chưa được tiêm chủng, cần phải tiêm vaccine do rủi ro do bệnh cao hơn rất nhiều so với rủi ro do vaccine phòng COVID-19…

1. Rủi ro do bệnh cao hơn rất nhiều so với rủi ro do vaccine phòng COVID-19

Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 không chỉ tác động đến phổi mà còn gây ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống mạch máu (lưu thông máu) và khả năng đông máu .

Nguyên nhân bệnh nhân hậu COVID-19 gặp phải di chứng hình thành cục máu đông được xác định là do phản ứng miễn dịch kéo dài trong mạch máu sau khi hồi phục COVID-19. Phát hiện này đã giúp giải thích lý do tại sao một số người từng mắc COVID-19 xuất hiện các triệu chứng tim mạch.

Khi tiến hành xét nghiệm máu của những người đã khỏi COVID-19 trong vòng một tháng, có một số lượng tế bào mạch máu bị tổn thương, được gọi là tế bào nội mô tuần hoàn, loại tế bào này lưu thông trong dòng máu nhiều gấp đôi người không mắc COVID-19. Nhiều tế bào mạch máu bị tổn thương này cũng được tìm thấy ở những bệnh nhân hậu COVID-19 mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp hoặc đái tháo đường.

Đọc thêm:

17 tình trạng khiến bạn mắc COVID "mãi không khỏi"

Sau tiêm vaccine Covid-19 trẻ gặp tác dụng phụ nào cần đưa tới bệnh viện gấp?

Ngoài các dấu hiệu tổn thương mạch máu, trong cơ thể những người đã khỏi COVID-19 còn có rất nhiều protein gây viêm, có tên gọi là cytokine (cytokine được sản xuất bởi các tế bào miễn dịch). Các chuyên gia cũng tìm thấy số lượng tế bào miễn dịch (tế bào T – tiêu diệt virus) cao bất thường. Sự xuất hiện cytokine và tế bào T được giải thích là do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức và chúng góp phần làm tổn thương mạch máu ở một số F0 khỏi COVID-19, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Một nghiên cứu của nhóm chuyên gia Thụy Điển cho thấy, F0 khỏi COVID-19 có nguy cơ phát triển cục máu đông nghiêm trọng trong vòng 6 tháng, ngay cả với những trường hợp bệnh nhẹ. F0 có nguy cơ thuyên tắc phổi do phát triển cục máu đông cao gấp 33 lần người không nhiễm SARS-CoV-2; Nguy cơ phát triển huyết khối tĩnh mạch sâu - thường ở chân của F0 cũng tăng trong vòng 3 tháng sau khi bệnh, cao gấp 5 lần người bình thường.

F0 thể nặng, người có sức khỏe tiềm ẩn và nhóm nhiễm SARS-CoV-2 ở giai đoạn đầu có nguy cơ đông máu và chảy máu cao nhất. Điều này là do các biện pháp điều trị được cải thiện trong đợt đại dịch và những bệnh nhân lớn tuổi bắt đầu được tiêm phòng vaccine đợt thứ hai.

Mặt khác, một nghiên cứu lớn đã được thực hiện tại Vương quốc Anh trên 29 triệu người đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Kết quả cho thấy, có rất ít nguy cơ gây hình thành cục máu đông và các rối loạn đông máu sau khi tiêm vaccine mũi đầu tiên. Tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều lần so với nguy cơ do nhiễm SARS-CoV-2.

Chính bởi vậy, đối với những người chưa được tiêm chủng, cần phải tiêm vaccine do rủi ro do bệnh cao hơn rất nhiều so với rủi ro do vaccine.

Nguy cơ đông máu hậu COVID-19 cao hơn nhiều lần so với rủi ro do tiêm vaccine ngừa covid- Ảnh 1.

Vaccine COVID-19 có hiệu quả trong phòng bệnh và giảm các biến chứng do COVID-19 gây ra, giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và t.ử vong, góp phần không nhỏ trong quá trình đẩy lùi đại dịch.

2. Vấn đề đông máu ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm vaccine

BS. Nguyễn Huy Hoàng cho biết, vấn đề đông máu ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 4 tuần sau khi tiêm vaccine lần đầu. Tuy nhiên, chỉ một tỷ lệ rất thấp gặp hiện tượng huyết khối. Trong trường hợp hiếm hoi gặp tác dụng hình thành cục máu đông, có thể xảy ra hai tình huống:

- Hình thành cục máu đông lớn, gây biến cố ngay lúc đó, ví dụ như tắc mạch chi, tắc mạch phổi, đột quỵ , nhồi máu cơ tim...

- Hình thành cục máu đông nhỏ, nó sẽ tan dần, thường sau 24h, tối đa 4 tuần là không còn gì nữa. Khi cục máu đông phân hủy, nó sẽ sinh ra D-dimer (sản phẩm của quá trình tiêu hủy cục máu đông) trong máu.

Hầu hết mọi người dân đã tiêm vaccine COVID-19 từ năm 2021, nếu không có biến cố về cục máu đông nào ngay lúc đó, thì bây giờ cũng không còn bất cứ dấu hiệu nào của cục máu đông nữa. Vì vậy, người dân cần bình tĩnh, tìm hiểu rõ thông tin để tránh hoang mang không cần thiết.

Vaccine COVID-19 có hiệu quả trong phòng bệnh và các biến chứng do COVID-19 gây ra, giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử v.ong, góp phần không nhỏ trong quá trình đẩy lùi đại dịch. Khi tổ chức tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Việt Nam cũng đã được cảnh báo về tác dụng phụ gây đông máu này. Việc triển khai tiêm vaccine COVID-19, chúng ta rất thận trọng, Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ, người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm...

3. Đã tiêm vaccine AstraZeneca có cần làm xét nghiệm D-dimer 'tìm cục máu đông'?

Khi thông tin AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID -19 có thể gây cục máu đông trên mạng xã hội có quảng cáo đi xét nghiệm máu D-dimer để phát hiện xem có bị hình thành cục máu đông không. Nếu có thì uống thuốc tan cục máu đông đó. Thông tin này đã nhận được hàng nghìn lượt quan tâm và bình luận. Vậy việc xét nghiệm D-Dimer có tác dụng gì có cần thiết với những người đã tiêm vaccine covid của AstraZeneca không?

Theo ThS. BS. Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8, xét nghiệm D-dimer là xét nghiệm sinh hóa được dùng để xác định yếu tố nguy cơ gây cục máu đông. Nói cách khác, kết quả này chỉ nói lên bạn có nguy cơ cao có cục máu đông chứ không có ý nghĩa chẩn đoán chính xác. Xét nghiệm D-dimer cũng không có khả năng chỉ ra vị trí của cục máu đông. Một số trường hợp có yếu tố nhiễm trùng, các bệnh về gan, ung thư... có thể là nguyên nhân dẫn đến nồng độ D-dimer trong máu tăng cao.

Thông thường, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm D-dimer cùng các xét nghiệm cận lâm sàng khác khi bệnh nhân có các triệu chứng như: Sưng phù nề chân, chân bị đổi màu, đau yếu một chân.

Ngoài ra, khi bệnh nhân có các các triệu chứng như thuyên tắc phổi, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh, ho ra máu,.. cũng sẽ được chỉ định xét nghiệm D-dimer.

Bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 cũng có thể có nồng độ D-dimer trong máu cao, tuy nhiên việc thực hiện xét nghiệm cần dựa trên chỉ định của bác sĩ nếu có các yếu tố nguy cơ khác (như có tiền sử rối loạn đông máu...), các đối tượng khác không cần thiết làm xét nghiệm D-dimer khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Liên quan đến vấn đề này PGS.TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cho hay người dân cần hiểu rõ thông tin để tránh hoang mang không cần thiết.

Trên thực tế, trong thời gian đầu loại vaccine này được triển khai tiêm chủng ở các nước châu Âu, người ta đã nhận thấy một tỷ lệ nhất định người sau tiêm có hiện tượng xuất hiện cục máu đông. Do đó, Ủy ban Dược phẩm châu Âu (EMA) đã ngừng tiêm chủng để tiến hành kiểm tra. Tuy nhiên, sau kiểm tra nhận thấy tỷ lệ này rất thấp và gần như không có khác biệt có ý nghĩa thống kê khi so với tỉ lệ mắc TTS trước khi tiêm vaccine COVID-19 (số liệu 2019 trở về trước).

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quang Thái, vấn đề huyết khối ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm và hầu hết sau mũi vaccine đầu tiên. Đến nay, hầu hết mọi người dân đã tiêm vaccine AstraZeneca COVID-19 cách đây 2-3 năm, chỉ một số rất nhỏ gặp hiện tượng huyết khối và cũng được điều trị ổn thoả. Do đó, cũng không cần lo ngại bị tác dụng phụ dẫn đến hình thành cục máu đông. Chính bởi vậy, việc tự ý làm các xét nghiệm đông máu là không cần thiết.

Đã tiêm vaccine AstraZeneca có cần làm xét nghiệm D-dimer 'tìm cục máu đông'?- Ảnh 1.

Vấn đề huyết khối ghi nhận cơ bản chỉ xảy ra trong vòng 28 ngày sau khi tiêm.

Cũng về vấn đề này, TS.Phạm Đức Hùng hiện làm việc tại Bệnh viện Nhi Cincinnati, Hoa Kỳ chia sẻ, năm 2021, có gần 25 trên tổng số gần 25 triệu người tiêm vaccine AstraZeneca bị đông máu, tức là tỉ lệ 1 phần triệu. Tỉ lệ này còn thấp hơn tỉ lệ s.ốc phản vệ do đậu phộng (1.8 ca trên 1 triệu người trong 1 năm).

Triệu chứng đông máu thường xuất hiện 5 - 24 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, đa số người dân tiêm từ năm 2021 bây giờ đi xét nghiệm không còn ý nghĩa.

Bản thân bệnh Covid-19 cũng làm tăng nguy cơ đông máu, nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Sau khi xem xét rất nhiều yếu tố, các cơ quan như Hội Y học châu Âu vẫn khuyến cáo tiêm vaccine AstraZeneca dựa trên lợi ích hơn là bất lợi/tác dụng phụ.

Nguy cơ đông máu, đột quỵ của chúng ta cao nhất là do ăn uống không điều độ, béo phì, tiểu đường, và không luyện tập thể dục thể thao.

Trước đó, sáng 3/5 thông tin với báo chí PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng cho biết, khi tổ chức tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca, Việt Nam cũng đã được cảnh báo về tác dụng phụ gây đông máu này. Việc triển khai tiêm vaccine COVID-19, chúng ta rất thận trọng, Bộ Y tế đã xây dựng quy trình tiêm chủng chặt chẽ, người tiêm phải đo huyết áp, khám sàng lọc trước khi tiêm, theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm.


Tác giả: SK