Mùa cúm, cảm lạnh và các bệnh truyền nhiễm đang bắt đầu. Cảm lạnh có các triệu chứng điển hình bao gồm ngạt mũi (nghẹt mũi), chảy nước mũi, viêm họng sưng đau, ho và ho nhiều về đêm, đau nhức cơ thể, đau đầu nhẹ, hắt hơi, sốt,...
Bổ sung vitamin C, phổ biến là vitamin C từ cam khi bị cảm lạnh là một thói quen phổ biến của nhiều gia đình Việt.
Tại sao uống nước cam được cho là có tác dụng chống cảm lạnh?
Trước tiên, như đã nói ở trên, cam chứa nhiều vitamin C (125 mg vitamin C/250 ml nước cam) cùng lượng lớn vitamin A và kali có tác dụng tăng cường khả năng miễn dịch.
Chúng ta gặp phải các phản ứng viêm trong cơ thể khi bị cảm lạnh thông thường vì hệ thống miễn dịch thường bị virus tấn công. Vitamin C có vai trò duy trì tính toàn vẹn của hệ thống miễn dịch và hỗ trợ chức năng của nhiều tế bào miễn dịch, đặc biệt là bạch cầu.
Đọc thêm:
- Vitamin C có ở đâu? Tác dụng của vitamin C
- Cách dùng giấm táo hỗ trợ điều trị cảm lạnh tại nhà
Kali được tìm thấy trong cả những tế bào chống nhiễm trùng. Kali có trong nước cam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng chất lỏng, đặc biệt là việc bạn dễ bị mất nước hơn khi bị cảm lạnh (thông qua việc xì mũi, hắt hơi, đổ mồ hôi khi bị sốt nhẹ).
Carotenoid trong nước cam là một hợp chất thực vật mà cơ thể chuyển đổi thành vitamin A giúp bảo vệ và hoạt động như một hàng rào chống vi trùng, giảm viêm, chống oxy hóa từ đó hỗ trợ hệ miễn dịch.
Vậy uống nước cam có giúp bạn chữa bệnh cảm lạnh không?
Câu trả lời là KHÔNG. Tại sao?
Theo Health, chức năng chính của vitamin C - một chất chống oxy hóa là tăng cường hệ miễn dịch. Cam chứa nhiều vitamin C nên có nhiều tác dụng trong việc tăng sức đề kháng. Tuy nhiên khi đang bị ốm, việc tăng cường hệ miễn dịch hơn không có nghĩa là rút ngắn thời gian chống chọi với bệnh cảm lạnh.
Theo một nghiên cứu trên NCBI năm 2016 cho biết, thường xuyên bổ sung 1.000 mg đến 2.000 mg vitamin C có thể làm giảm thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh. Nhưng sự thay đổi này là rất nhỏ - khoảng 8% ở người lớn và 14% ở trẻ nhỏ - nên hầu hết mọi người khó nhận ra sự khác biệt. Tuy vậy điều này vẫn chưa được kết luận chính xác do sự thay đổi tương đối nhỏ và có nghiên cứu không ủng hộ kết quả này.
Nhưng một số người thường xuyên dùng vitamin C có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung thêm liều khi họ bắt đầu cảm thấy các triệu chứng cảm lạnh sắp xuất hiện. Chính việc bổ sung dường như đã tạo ra sự khác biệt, giúp giảm thời gian cảm lạnh kéo dài khoảng nửa ngày.
Nói cách khác, mặc dù nghiên cứu cho thấy rằng việc bổ sung vitamin C thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng cảm lạnh, nhưng bổ sung vitamin C sau khi bạn bị cảm sẽ không rút ngắn thời gian mắc bệnh.
Hơn nữa, cho tới hiện tại vẫn chưa rõ liệu uống nước cam có thực sự tăng cường khả năng phòng vệ của cơ thể khi bị cảm lạnh hay không do hầu hết các bằng chứng về vitamin C đều đến từ các nghiên cứu được thực hiện bằng thực phẩm bổ sung đường uống.
Ngoài ra, nước cam không phải là lựa chọn hợp lý khi bạn đang bị ho và đau họng do tính axit (axit xitric) của nước cam có thể khiến cổ họng bị kích ứng hơn và khiến các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Điều đó có nghĩa là cổ họng vốn đang bị viêm của bạn sẽ bị đau nhiều hơn và lâu lành hơn.
Cam không phải là lựa chọn thực phẩm giàu vitamin C nhất
Mặc dù cam cũng cung cấp cho cơ thể lượng vitamin C dồi dào nhưng loại quả này lại không giàu vitamin C nhất. Bảng xếp hạng các thực phẩm giàu vitamin C hơn cam bao gồm:
- Ớt chuông
- Ớt cay
- Quả ổi
- Xoài
- Dứa
- Quả lí chua đen
- Kiwi
- Chanh vàng
- Dâu tây
- Đu đủ,...
Bao nhiêu vitamin C mỗi ngày là đủ?
Lượng vitamin C cần thiết mỗi ngày tùy theo từng người với thể trạng, giới tính và độ tuổi khác nhau. Nhưng nhìn chung lượng vitamin C cần thiết mỗi ngày như sau:
- Nam giới từ 19 tuổi trở lên: 90mg
- Phụ nữ, 19 tuổi trở lên: 75mg
- Phụ nữ có thai: 85mg
- Phụ nữ cho con bú: 120mg
- Người hút thuốc cần bổ sung thêm 35 mg vitamin C mỗi ngày.
Theo Healthline, các nghiên cứu cho thấy rằng kẽm có thể giúp rút ngắn thời gian của các triệu chứng cảm lạnh thông thường nếu dùng trong vòng 24 giờ đầu tiên bằng cách ức chế sự nhân lên của virus rhovirus và có hoạt tính chống lại các loại virus đường hô hấp khác như virus hợp bào hô hấp.
Liều dùng viên ngậm kẽm khi mắc cảm lạnh thông thường sẽ là 2 - 4 giờ/1 lần trong vòng 48 giờ kể từ khi triệu chứng ban đầu xuất hiện.
Tuy nhiên, mặc dù kẽm có tác dụng chống lại nhiễm trùng nhưng nếu bạn đã nhận đủ kẽm từ chế độ ăn thì việc bổ sung từ các thực phẩm bổ sung đường uống nhiều hơn không mang lại thêm lợi ích gì.
Hơn nữa, bổ sung kẽm không đúng cách có thể gây kích ứng dạ dày và miệng. Viên ngậm kẽm có thể làm thay đổi khứu giác và vị giác của bạn trong vài ngày. Nếu dùng lâu dài, viên ngậm kẽm có thể làm giảm nồng độ đồng trong cơ thể. Thuốc xịt mũi chứa kẽm có liên quan đến tình trạng mất khứu giác, tình trạng này có thể xảy ra vĩnh viễn.
Ngoài ra, những người bị dị ứng với kẽm, nhiễm HIV không nên bổ sung kẽm mà không nói chuyện với bác sĩ trước đó. Thừa kẽm có thể gây sốt, ho, buồn nôn, suy giảm chức năng miễn dịch, mất cân bằng khoáng chất, thay đổi cholesterol và các vấn đề sức khỏe khác.
Do vậy vẫn có những bất đồng liên quan tới việc bổ sung kẽm để rút ngắn thời gian cảm lạnh. Bạn không nên tự ý sử dụng kẽm khi bị cảm lạnh nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Các giai đoạn của cảm lạnh thông thường bao gồm thời gian ủ bệnh kéo dài từ hai đến ba ngày trước khi các triệu chứng phát triển và xuất hiện.
Không có cách chữa trị cảm lạnh thông thường, vì vậy việc điều trị sẽ tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng khi cơ thể bạn chống lại virus. Điều này có thể bao gồm cả điều trị tại nhà và thuốc không kê đơn (OTC) bao gồm:
- Dùng thuốc cảm không kê đơn giúp giảm các triệu chứng như ho và nghẹt mũi
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm cảm giác mệt mỏi và đau nhức cơ thể
- Súc miệng bằng nước muối để giảm đau họng
- Sử dụng thuốc xịt mũi để giảm nghẹt mũi
- Nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi
- Uống nhiều nước để bù nước
- Máy bù ẩm có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu.
Lưu ý rằng thuốc kháng sinh sẽ không giúp điều trị cảm lạnh thông thường. Thuốc kháng sinh nhằm mục đích điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn hơn là nhiễm trùng do virus.
Nhìn chung, bạn có thể bổ sung vitamin C ưu tiên từ nguồn thực phẩm tự nhiên khi mùa cảm lạnh và mùa cúm đang bắt đầu để tăng cường hệ miễn dịch cũng như các tác dụng sức khỏe khác một cách thường xuyên. Nếu muốn bổ sung vitamin C từ thực phẩm bổ sung, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Ngoài ra, cam là thực phẩm tốt hơn khi ăn trực tiếp, điều này giúp bạn nhận được nhiều chất xơ hơn, ngay cả khi đang bị bệnh.
Nguồn dịch tham khảo:
1. Does Orange Juice Help With a Cold? What Experts Really Think of the Home Remedy
2. Does Vitamin C Help With Colds?
3. Does Orange Juice Help Chase Away a Cold?
4. 9 Foods You Should Never Eat When You're Sick
5. Common colds: Does vitamin C keep you healthy?
6. Zinc