Muốn khỏe mạnh vào mùa cúm, bác sĩ nhấn mạnh 4 thói quen phòng bệnh "nhỏ nhưng có võ" nhiều người bỏ qua

Muốn khỏe mạnh vào mùa cúm, bác sĩ nhấn mạnh 4 thói quen phòng bệnh "nhỏ nhưng có võ" nhiều người bỏ qua
Mùa cúm, cảm lạnh bắt đầu đòi hỏi mỗi người cần chú ý tới cách phòng tránh cúm hay cảm lạnh nói riêng cũng như phòng bệnh hô hấp nói chung.

Ngoài các cách phòng ngừa cúm mùa như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên với xà phòng, tiêm vaccine phòng cúm mùa,... thì chuyên gia bệnh truyền nhiễm Tiến sĩ Mary Rodgers tại Abbott Laboratories và Giáo sư - Tiến sĩ (GS.TS) Ravi Jhaveri, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Trường Y khoa Đại học Northwestern đã chỉ ra 4 thói quen tưởng chừng không liên quan nhưng lại góp phần không nhỏ để bảo vệ sức khỏe của bạn trước các tác nhân như virus cúm, virus cảm lạnh đang gia tăng.

"Tất cả các bệnh đường hô hấp đều có nguy cơ tiến triển nặng hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch hoặc nhóm có nguy cơ cao như trẻ nhỏ, người lớn tuổi. Những loại vi sinh vật gây bệnh này càng ít có điều kiện lây lan thì khả năng đột biến càng thấp. Thay vì nhiễm bệnh và tích cực tìm cách nhanh khỏi cúm hay cảm lạnh thì hãy duy trì thực hiện các thay đổi nhỏ trong thói quen hàng ngày để tăng cường khả năng miễn dịch, có lợi trong việc chống lại vi khuẩn, virus hay các mầm bệnh khác.", Tiến sĩ Mary Rodgers cho biết.

Muốn khỏe mạnh vào mùa cúm, bác sĩ nhấn mạnh 4 thói quen phòng bệnh "nhỏ nhưng có võ" nhiều người bỏ qua - Ảnh 1.

Tất cả các bệnh đường hô hấp đều có nguy cơ tiến triển nặng hơn ở những người bị suy giảm miễn dịch hoặc nhóm có nguy cơ cao (Ảnh: ST)

Đọc thêm:

- Cúm tác động đến não như thế nào?

- Mùa này ăn tỏi ngừa cảm cúm nhưng hãy dừng ngay nếu thấy dấu hiệu này

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh thêm, mặc dù không có thói quen nào trong số này đảm bảo chắc chắn rằng bạn sẽ không bao giờ nhiễm cúm hay cảm lạnh nhưng những thay đổi này sẽ góp phần "củng cố" hàng rào miễn dịch của cơ thể tốt hơn, ổn định hơn từ đó giảm nguy cơ nhiễm cúm, cảm lạnh cũng như rủi ro biến chứng nặng phải nhập viện. Bao gồm:

1. Chế độ ăn uống cân bằng giúp phòng ngừa cúm, cảm lạnh

GS.TS Jhaveri giải thích rằng, khi bệnh cúm và cảm lạnh vào mùa, bạn cần chú ý tới chế độ ăn cân bằng hàng ngày. Ăn gì để phòng tránh bệnh cúm mùa và cảm lạnh? Câu trả lời là bạn nên cố gắng bổ sung nhiều rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và sữa như một phần của chế độ ăn uống cân bằng.

Điều này là nhờ các thực phẩm này giàu vitamin và khoáng chất như vitamin C, vitamin A, kẽm, sắt, selen, cùng protein chất lượng cao, chất xơ lành mạnh và các hợp chất thực vật hoạt động như chất chống oxy hóa mạnh mẽ (omega-3; flavonoid như quercetin, anthocyanin, isoflavone, kaempferol; lutein và zeaxanthin,... ) đặc biệt tốt cho hệ miễn dịch và thúc đẩy sức khỏe tổng thể.

Ngoài các thực phẩm kể trên thì một số loại gia vị và thảo dược phòng cúm như tỏi, gừng, mật ong, hạt tiêu đen, húng quế, tía tô, bạc hà, quế, sả,... cũng chứa các thành phần có đặc tính chống viêm, kháng khuẩn cao, có lợi trong việc phòng ngừa cúm, cảm lạnh.

Muốn khỏe mạnh vào mùa cúm, bác sĩ nhấn mạnh 4 thói quen phòng bệnh "nhỏ nhưng có võ" nhiều người bỏ qua - Ảnh 3.

Chế độ ăn uống cần bằng nhiều rau củ, protein lành mạnh giàu vitamin và khoáng chất giúp phòng ngừa cúm và cảm lạnh (Ảnh: ST)

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, bạn không cần ăn đầy đủ toàn bộ mọi chất dinh dưỡng kể trên trong một bữa ăn mà cần phân bổ đều trong ngày, trong tuần,... với định lượng phù hợp với thể trạng sức khỏe. Hãy nhớ rằng, việc bổ sung dinh dưỡng từ các loại thực phẩm luôn luôn nên được ưu tiên thay vì uống các loại thực phẩm bổ sung.

2. Hãy kiểm tra sức khỏe ngay khi cảm thấy không khỏe

Mặc dù cả cảm lạnh và cúm đều có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu với các triệu chứng như ho, mệt mỏi, hắt hơi, nghẹt mũi. Nhưng, bệnh cúm có thể gây sốt cao, đau nhức cơ thể đột ngột và ớn lạnh. Các triệu chứng cúm thường kéo dài khoảng 7 - 10 ngày và giảm dần. Trong đó, có một vài triệu chứng cúm nghiêm trọng nhất chỉ xảy ra trong 2 - 3 ngày. Sau đó người bệnh sẽ có thể tiếp tục cảm thấy mệt mỏi, suy nhược cơ thể và ho thêm trong khoảng 1 - 2 tuần nữa sau khi phục hồi.

Sớm biết nguyên nhân gây ra các tình trạng sức khỏe bất thường là gì sẽ càng có lợi trong việc điều trị, chẳng hạn như dùng thuốc kháng virus tamiflu trong vòng 48 giờ đầu; cũng như giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng cúm nặng.

Muốn khỏe mạnh vào mùa cúm, bác sĩ nhấn mạnh 4 thói quen phòng bệnh "nhỏ nhưng có võ" nhiều người bỏ qua - Ảnh 4.

Hãy kiểm tra sức khỏe ngay khi cảm thấy không ổn (Ảnh: ST)

Nếu cảm thấy không khỏe hoặc có bất thường nào đó, tốt nhất hãy khám sức khỏe hoặc làm xét nghiệm phanh để phát hiện cúm (RIDTs) để kiểm tra sự hiện diện của các kháng nguyên virus như cúm A, cúm B trong khoảng 15 phút. Các xét nghiệm cúm khác được gọi là các xét nghiệm phân tử nhanh giúp phát hiện vật liệu di truyền của virus cho kết quả sau 15 - 30 phút. Và để chắc chắn hơn nữa, bạn có thể làm xét nghiệm RT-PCR để xét nghiệm vật liệu di truyền và chủng virus cúm với độ chính xác cao; xétnghiệm cúm RT-PCR cho kết quả sau 4 - 6 giờ.

3. Hạn chế ăn uống chung

Ăn hay uống cùng một đôi đũa, cùng một ống hút hay cốc uống nước, chấm cùng bát nước chấm,... là những thói quen có thể làm tăng nguy cơ lây lan virus, vi khuẩn gây bệnh thông qua việc tiếp xúc với dịch tiết cơ thể.

Trong đó, virus cúm lây lan qua đường hô hấp, qua không khí giọt nhỏ qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa mầm bệnh. Chính vì vậy, cần hạn chế dùng chung đồ dùng cá nhân, ăn chung uống chung đồ với người bị cúm, cảm lạnh hay đang nghi ngờ mắc bệnh lây qua đường hô hấp khác.

Muốn khỏe mạnh vào mùa cúm, bác sĩ nhấn mạnh 4 thói quen phòng bệnh "nhỏ nhưng có võ" nhiều người bỏ qua - Ảnh 5.

Hạn chế ăn chung, uống chung với người bệnh trong mùa cúm (Ảnh: ST)

Tương tự, các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, virus cúm có thể tồn tại trong 8 đến 12 giờ trên vải và giấy, chúng cũng có thể bám vào bề mặt cứng như bát, đĩa,... Vì vậy nếu có ai đó trong nhà bị cúm, hãy cố gắng cách ly người bệnh và sử dụng đồ dùng cá nhân riêng cho họ bao gồm ga gối riêng; khăn tắm, khăn lau mặt riêng; cốc đánh răng, bàn chải đánh răng, kem đánh răng; bát đĩa, đũa, thìa dĩa riêng; cốc uống nước; ưu tiên sử dụng khăn giấy loại dùng 1 lần;... đồng thời phân loại rác của người bệnh riêng để dễ xử lý.

4. Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá

Hút thuốc đã được chứng minh là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư, hen suyễn và các nhiễm trùng đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới do các chất hóa học xâm nhập làm suy giảm hệ miễn dịch, cơ thể gặp khó khăn để chống lại vi khuẩn, virus gây bệnh hơn. Điều này cũng đúng với người hút thuốc lá tự động (hít phải khói thuốc lá).

Không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh mà tiếp xúc với khói thuốc lá còn làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh cúm, cảm lạnh. Một nghiên cứu trên chuột năm 2024 được công bố trên mSystems, một tạp chí của Hiệp hội Vi sinh vật học Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng, khói thuốc lá có thể gây ra các rối loạn hệ vi khuẩn hầu họng, từ đó làm trầm trọng thêm mức độ nghiêm trọng khi nhiễm virus cúm A.

Muốn khỏe mạnh vào mùa cúm, bác sĩ nhấn mạnh 4 thói quen phòng bệnh "nhỏ nhưng có võ" nhiều người bỏ qua - Ảnh 6.

Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá nhiều nhất có thể (Ảnh: ST)

Nhìn chung, có nhiều cách để bạn và cả gia đình khỏe mạnh khi mùa cúm và cảm lạnh bắt đầu. Bằng cách thực hiện đầy đủ các khuyến cáo phòng ngừa cúm như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tiêm vaccine phòng cúm cũng như kết hợp với tập luyện thể chất đều đặn ít nhất 150 phút mỗi tuần, hạn chế dùng chung đồ dùng cá nhân trong sinh hoạt và ăn uống, tránh tiếp xúc với ô nhiễm không khí và khói thuốc lá đồng thời có chế độ ăn uống giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe - giúp tăng cường miễn dịch và sức khỏe tổng thể mạnh mẽ.

Đặc biệt, nếu đang mắc các bệnh mãn tính và cần điều trị bằng thuốc, bạn cần uống đúng thuốc, đủ liều và tái khám khi cần thiết. Ngay khi phát hiện các triệu chứng cúm hay bất thường như sốt cao, mệt mỏi,... cần nhanh chóng khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán bởi người có bệnh nền thường gặp nguy cơ biến chứng cao khi nhiễm cúm hơn so với người khỏe mạnh. Thêm vào đó, khi bị cúm, hãy ở nhà cho tới khi cơn sốt không quay trở lại trong ít nhất 24 - 48 giờ và nghỉ ngơi đầy đủ để tránh lây nhiễm virus cúm cho người xung quanh.

Nguồn dịch tham khảo:

1. How to reduce the risk of getting sick

2. 5 Ways Infectious Disease Experts Stay Healthy During Cold and Flu Season

3. Cigarette Smoke Alters Microbiota, Aggravates Flu Severity


Tác giả: Allen