Trẻ bị viêm mũi họng bao lâu thì khỏi?

Trẻ bị viêm mũi họng bao lâu thì khỏi?
Viêm mũi họng là bệnh lý phổ biến ở trẻ, nhất là trong thời điểm giao mùa. Thông thường, người bệnh hồi phục nhanh chóng và ít để lại biến chứng. Tuy nhiên, điều trị không đúng cách và kịp thời có thể gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm phổi, ... ở trẻ.

Viêm mũi họng là tên gọi khác của cảm lạnh thông thường. Đây là một bệnh nhiễm trùng nhẹ ở mũi và họng có thể gây ra các triệu chứng như chảy nước mũi, hắt hơi và ho.

Bệnh không quá nguy hiểm nhưng nhiều cha mẹ lo lắng khi các triệu chứng của con trẻ kéo dài và không biết tình trạng viêm mũi họng ở trẻ bao lâu thì khỏi?

1. Viêm mũi họng là gì?

Viêm mũi họng là tình trạng viêm đường mũi và hầu họng, hoặc cổ họng, bệnh còn được gọi là cảm lạnh thông thường.

Viêm mũi họng phổ biến hơn ở trẻ em. Theo ước tính, người lớn bị cảm lạnh thông thường từ 2 đến 4 lần/năm, trẻ em có thể mắc bệnh từ 6 đến 10 lần/năm.

Viêm mũi họng thường do virus gây ra, chủ yếu do Rhinovirus - đây là loại virus gây cảm lạnh phổ biến nhất. Ngoài ra, các yếu tố khác như vi khuẩn, nấm, môi trường ô nhiễm hoặc ẩm ướt, thời tiết thay đổi, ... cũng có thể dẫn tới tình trạng viêm mũi họng.

Trẻ bị viêm mũi họng bao lâu thì khỏi? - Ảnh 1.

Viêm mũi họng là tình trạng viêm đường mũi, hầu họng hoặc cổ họng (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Phân biệt viêm họng thông thường và viêm họng liên cầu khuẩn

Chuyên gia hướng dẫn cách đối phó với đau họng ở trẻ

Các triệu chứng của bệnh thường sẽ xuất hiện trong vòng một đến ba ngày sau khi bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng có thể kéo dài từ một tuần đến 10 ngày, nhưng cũng có thể lâu hơn. Các triệu chứng phổ biến của viêm mũi họng bao gồm:

- Sổ mũi hoặc nghẹt mũi

- Hắt xì

- Ho

- Đau hoặc ngứa cổ họng

- Chảy nước hoặc ngứa mắt

- Đau đầu

- Mệt mỏi

- Nhức mỏi cơ thể

- Sốt

Vậy trẻ bị viêm mũi họng bao lâu thì khỏi?

Bệnh lý này thường không nguy hiểm và không để lại biến chứng nghiêm trọng. Nếu có chế độ chăm sóc tốt, trẻ có thể hồi phục sau 7 - 10 ngày.

Viêm mũi họng rất ít khi gây nguy hiểm nhưng nếu trẻ có các biểu hiện sau nên đưa trẻ tới các cơ sở y tế để được can thiệp kịp thời:

- Sốt cao liên tục, không có biểu hiện thuyên giảm

- Ho nhiều

- Thở khò khè, trẻ có dấu hiệu khó thở

- Li bì, bỏ chơi

2. Cách chăm sóc và điều trị cho trẻ bị viêm mũi họng

Viêm mũi họng do virus gây ra nên kháng sinh không có tác dụng trong quá trình điều trị bệnh, trừ trường hợp gặp biến chứng liên quan đến nhiễm khuẩn. Do đó, các phương pháp điều trị tập trung vào việc điều trị các triệu chứng như dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, xịt mũi, …

Các loại thuốc dành cho trẻ em và người lớn là khác nhau. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc cũng như liều lượng sử dụng để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Trẻ bị viêm mũi họng bao lâu thì khỏi? - Ảnh 2.

Phương pháp điều trị viêm mũi họng tập trung vào việc điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm nghẹt mũi, giảm đau, ... (Ảnh: Internet)

Ngoài việc sử dụng thuốc, một số biện pháp hỗ trợ điều trị và giảm triệu chứng viêm mũi họng ở trẻ mà cha mẹ có thể áp dụng:

- Vệ sinh mũi cho trẻ: Cha mẹ có thể dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho trẻ, điều này hỗ trợ làm thông thoáng đường thở, giúp trẻ dễ thở hơn.

Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ có thể nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý, để khoảng tầm 30 giây và sử dụng máy hút mũi để hút dịch mũi ra ngoài. Khi hút mũi cho trẻ, nên nhẹ tay và không nên lạm dụng hút mũi quá nhiều tránh làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.

Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể dùng tăm bông để vệ sinh bên ngoài mũi cho trẻ, dạy trẻ cách xì dịch mũi ra ngoài.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm nhằm hạn chế tình trạng khô mũi và giảm tình trạng nghẹt mũi.

- Chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng: Cha mẹ nên bổ sung những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây có múi, sữa, trứng, …

Ưu tiên các loại thực phẩm như cháo, sữa, súp, nước ép, … để trẻ dễ ăn và tiêu hoá hơn. Ngoài ra, cha mẹ nên chia thành các bữa nhỏ cho trẻ, vì khi bị bệnh trẻ thường chán ăn.

- Giữ trẻ tránh xa những môi trường nhiều khói bụi, ô nhiễm, … Vệ sinh không gian sống sạch sẽ, thoáng đãng.

- Uống nhiều nước để ngăn ngừa tình trạng mất nước và giúp thông thoáng đường thở. Cha mẹ có thể cho trẻ uống nhiều sữavà nước ép hơn.

3. Ngăn ngừa viêm mũi họng ở trẻ như thế nào?

Viêm mũi họng hay cảm lạnh là bệnh dễ lây lan qua giọt bắn, tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh lý này, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp để bảo vệ sức khoẻ của con trẻ:

- Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt sau khi ra ngoài, đi vệ sinh, trước khi ăn, … Đặc biệt, nên giáo dục trẻ không cho tay lên mắt, mũi, miệng để phòng ngừa virus xâm nhập và gây bệnh.

- Rửa hoặc khử trùng các vật dụng thường dùng, như đồ chơi, tay nắm cửa, điện thoại và tay cầm vòi.

- Tránh cho trẻ dùng chung các vật dụng với người khác

- Không nên cho trẻ tiếp xúc với những người có triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi, …

- Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ

- Tăng cường sức đề kháng cho trẻ với chế độ ăn uống giàu dưỡng chất, nhất là vitamin C, Kẽm, …

- Nếu trẻ có biểu hiện cảm lạnh, nên dạy trẻ hắt hơi vào khăn giấy hoặc tay áo và che miệng khi ho để ngăn virus lây lan.

Nhìn chung, viêm mũi họng là tình trạng thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Nếu được điều trị đúng cách và kịp thời, khả năng bệnh gây ra biến chứng là rất thấp. Tuy nhiên, không vì thế mà cha mẹ chủ quan khi con bị bệnh. Khi trẻ có các dấu hiệu viêm mũi họng, nên đưa trẻ tới bệnh viện để được kiểm tra và có hướng điều trị phù hợp.

Nguồn tham khảoUnderstanding Nasopharyngitis: Causes, Treatment, Prevention, and More


Tác giả: Vân Anh