12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà

12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà
Hầu hết cảm lạnh mùa hè ở trẻ là do virus gây ra (phổ biến là enterovirus) khi vô tình tiếp xúc với giọt bắn chứa mầm bệnh từ trẻ hoặc người lớn bị bệnh khác. Do bệnh có các triệu chứng điển hình như ngứa họng, nghẹt mũi, sổ mũi nên dễ bị nhầm lẫn với dị ứng mùa hè.

Cảm lạnh mùa hè ở trẻ cũng kéo dài như cảm lạnh xảy ra ở mùa đông hay bất kì thời điểm nào. Trung bình trẻ sẽ cải thiện triệu chứng bệnh từ ngày thứ 7 và khoảng 10 ngày các triệu chứng này sẽ dần biến mất. Theo Healthline, trẻ em có xu hướng khỏi cảm lạnh nhanh hơn nhiều so với người lớn và thường trong vòng một tuần. Dưới đây là một số mẹo và lời khuyên điều trị cảm lạnh cho trẻ tại nhà mà cha mẹ có thể tham khảo.

Lưu ý do cảm lạnh thông thường là bệnh do virus gây ra nên kháng sinh không có tác dụng giúp rút ngắn thời gian khỏi bệnh. 

1. Bổ sung nhiều chất lỏng hơn

Giữ cho trẻ đủ nước giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh và giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn. Đặc biệt với trẻ bị sốt có thể dẫn tới mất nước. Kể cả khi trẻ có thể không cảm thấy khát như bình thương và cảm thấy khó chịu khi uống nhưng bạn vẫn cần khích lệ trẻ uống thêm nước.

Mất nước có thể rất nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng tuổi. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu trẻ khóc không có nước mắt, môi khô ráp, trũng thóp, giảm vận động, lờ đờ, tiểu tiện ít hơn 3 - 4 lần trong 24 giờ.

Nếu trẻ đang bú mẹ, hãy cố gắng cho trẻ bú thường xuyên hơn bình thương. Oresol đường uống có thể phù hợp ở trẻ lớn hơn hoặc các món ấm nóng như súp vừa làm dịu họng lại bù chất lỏng hiệu quả.

12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà - Ảnh 2.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

Đọc thêm:

Sự thật về thói quen uống nước tăng lực để bù nước vào mùa hè

5 loại đồ uống giúp bù nước khi bị ngộ độc thực phẩm

2. Làm sạch chất nhầy tại mũi

Trẻ nhỏ nằm trong nhóm không khuyến nghị dùng thuốc xịt thông mũi, trừ trường hợp có chỉ định của bác sĩ. Vì thế mà để phá vỡ chất nhầy tại mũi và giúp trẻ thở dễ hơn, phụ huynh nên cân nhắc tới máy tạo độ ẩm hoặc nước muối xịt mũi hoặc nước muối dạng nhỏ để nước mũi có thể dễ dàng được tống ra ngoài.

Theo Healthtrẻ em từ 6 đến 10 tuổi được rửa mũi bằng nước muối sẽ hồi phục nhanh hơn khi bị cảm lạnh hoặc cúm. Bạn nên dùng 2 - 3 giọt cho mỗi bên mũi trong khi đặt trẻ nằm nghiêng 1 bên. Sau đó hướng dẫn trẻ xì mũi nhẹ nhàng.

12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà - Ảnh 3.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

Nếu trẻ quá nhỏ không thể tự xì mũi, có một số thiết bị hỗ trợ hút mũi thủ công hoặc bằng máy nên được chú ý. Đặc biệt bạn nên hút mũi sạch cho trẻ trước khi cho ăn và trước khi đi ngủ. Làm sạch đường mũi của trẻ cũng rất quan trọng trong việc giảm nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ. Tuy vậy không được tự ý hút rửa mũi cho trẻ bằng xi lanh nếu không có sự giám sát của nhân viên y tế. Điều này có thể tăng áp lực lên tai trẻ và gây tổn thương đường thở.

3. Mật ong

Nếu trẻ trên 1 tuổi bị cảm lạnh, cha mẹ có thể sử dụng từ 2 - 5ml mật ong để giảm ho thay vì dùng thuốc hàng ngày. Trong một nghiên cứu được công bố trên Archives of Pediatrics and Adolescent Medicine, cho trẻ em từ 2 đến 5 tuổi uống nửa thìa cà phê mật ong trước khi đi ngủ dường như có thể ngăn chặn cơn ho ban đêm. Và mặc dù vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn về tác dụng trực tiếp của mật ong tới cơn ho nhưng mật ong đã được chứng minh có thể làm dịu và giảm kích ứng họng hiệu quả.

12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà - Ảnh 4.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

Bạn có thể pha mật ong với nước ấm để trẻ dễ uống hơn. Lưu ý, mật ong không dùng cho trẻ dưới 1 tuổi do nguy cơ ngộ độc cao.

4. Nghỉ ngơi

Giống như người lớn, trẻ nhỏ bị cảm lạnh cũng cần được nghỉ ngơi đầy đủ giúp con bạn hồi phục nhanh hơn. Nếu trẻ bị sốt, hãy cho trẻ mặc quần áo mỏng, tránh đắp chăn nhiều lớp dày và chườm mát để trẻ dễ chịu hơn. Tắm cho trẻ bằng nước ấm khi không sốt cũng giúp trẻ hạ nhiệt và dễ ngủ hơn mỗi tối.

Trẻ nhỏ cần được nghỉ học khi bị cảm. Tham gia các hoạt động ở trường khi bị ốm không chỉ khiến trẻ mệt mỏi, kéo dài thời gian phục hồi hơn mà còn tăng nguy cơ lây nhiễm cho những trẻ khác trong lớp.

12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà - Ảnh 5.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

5. Hạ sốt

Sốt là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch của trẻ đang làm việc cật lực để chống lại nhiễm trùng. Nếu cơn sốt trên 38,5 độ C trẻ cần dùng thuốc hạ sốt paracetamol liều 10 - 15mg/1kg cân nặng cách nhau 4 - 6 giờ một lần.

Sốt ở trẻ có thể kèm theo đau nhức, bạn cần liên hệ với bác sĩ để xác định xem trẻ có cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn không nếu trẻ dưới 2 tuổi. Nếu được, cần kiểm tra và cho trẻ dùng đúng liều giảm đau khuyến nghị.

Lưu ý, không bao giờ cho trẻ uống aspirin vì loại thuốc này có liên quan tới hội chứng Reye. Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi bị sốt, cần nhanh chóng cho trẻ tới bệnh viện, đặc biệt nếu đây là cơn sốt đầu tiên kể từ khi trẻ chào đời. Trẻ từ 3 - 6 tháng tuổi nếu sốt trên 38,9 độ C cũng cần nhanh chóng thăm khám với bác sĩ.

12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà - Ảnh 6.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

6. Giữ bàn tay trẻ sạch sẽ

Dạy trẻ cách rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi trẻ ho, hắt hơi và trước khi ăn. Thói quen này sẽ hỗ trợ trẻ như một trợ thủ đắc lực giúp phòng tránh các bệnh truyền nhiễm tại môi trường nhà trẻ hay các môi trường công cộng khác.

Thời gian rửa tay nên từ 20 - 30 giây, sử dụng xà phòng dưới vòi nước sạch hoặc chất khử trùng có chứa ít nhất 60% cồn trong trường hợp không có xà phòng rửa tay.

Trẻ bị cảm lạnh rửa tay thường xuyên cũng giúp những người khác giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm nếu vô tình chạm phải các bề mặt mà trẻ thường xuyên chạm vào.

12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà - Ảnh 7.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

7. Hiểu đúng về thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nhưng những loại vi khuẩn này thường không gây cảm lạnh cho trẻ. Không điều trị cảm lạnh bằng thuốc kháng sinh bởi cảm lạnh là bệnh do virus gây ra nên đây không phải là lựa chọn điều trị hữu ích cần ưu tiên.

Ngoài ra việc sử dụng kháng sinh không đúng cho trẻ có thể gây ra tình trạng kháng kháng sinh, ảnh hưởng tới việc điều trị nhiễm khuẩn (nếu có) ở trẻ sau này.

Đặc biệt, không sử dụng thuốc không kê đơn, trừ thuốc hạ sốt và giảm đau, để điều trị ho và cảm lạnh cho trẻ em dưới 6 tuổi. Ngoài ra, hãy cân nhắc tránh sử dụng các loại thuốc này cho trẻ em dưới 12 tuổi.

12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà - Ảnh 8.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

8. Đừng bỏ qua những cơn ho nghiêm trọng

Nếu trẻ bị ho trên 1 tuần, hãy cho trẻ thăm khám bác sĩ. Cơn ho kéo dài từ 3 - 6 tuần có thể là dấu hiệu cho thấy biến chứng nào đó tại đường hô hấp dưới, đặc biệt nếu trẻ đang dùng kháng sinh thì bác sĩ có thể yêu cầu trẻ chụp X-quang ngực để kiểm tra.

Những cơn ho dai dẳng, nhất là vào ban đêm cũng có thể là triệu chứng của bệnh hen suyễn. Một cơn ho dữ dội kèm theo tiếng thở rít khi trẻ cố gắng hít vào có thể là dấu hiệu của bệnh ho gà cần thăm khám sớm.

12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà - Ảnh 9.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

9. Súc miệng bằng nước muối

Với trẻ từ 6 tuổi trở lên thì việc súc miệng bằng nước muối có thể giúp giảm đau họng do cảm lạnh gây ra. Tất nhiên là sẽ có các lựa chọn như nước súc miệng có hương liệu khác nhưng cha mẹ nên ưu tiên cho trẻ súc miệng bằng nước muối vừa lành tính lại giảm nguy cơ kích ứng họng với nguyên liệu trong nước súc miệng.

12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà - Ảnh 10.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

10. Kê gối cao

Với trẻ đã nằm gối thì một chiếc gối để nâng cao đầu trẻ khi nằm sẽ giúp mũi trẻ giảm nguy cơ bị tắc nghẽn hay chảy nước mũi sau gây ho. Lưu ý với trẻ sơ sinh thì việc kê cao gối khi nằm có thể gây ảnh hưởng tới sự phát triển đốt sống cổ và cột sống của trẻ, cha mẹ không nên áp dụng.

12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà - Ảnh 11.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

11. Chế độ dinh dưỡng lành mạnh

Khi trẻ bị ốm, cần tránh các thực phẩm dầu mỡ hay chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn nhưng vẫn cần đảm bảo trẻ được ăn uống đủ chất, không kiêng khem quá mức khiến trẻ mệt mỏi, cơ thể không đủ năng lượng để hoạt động chống lại nhiễm trùng.

Theo Mayo Clinic, một số đồ uống hay đồ ăn lạnh như kem, trái cây để lạnh có thể giúp giảm kích ứng họng cho trẻ.

12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà - Ảnh 12.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

12. Thăm khám bác sĩ

Đừng ngại cho trẻ bị cảm lạnh thăm khám bác sĩ, ngay cả khi bạn cho rằng bệnh chỉ diễn ra nhẹ nhàng. Điều này đặc biệt quan trọng nếu trẻ bị cảm lạnh kéo dài trên 5 ngày hay các triệu chứng giảm rồi lại quay trở lại hay nghiêm trọng hơn bởi nguy cơ nhiễm trùng xoang có thể cao hơn, thậm chí là viêm phổi hoặc viêm tai giữa. Cụ thể:

- Thở khò khè, thở dốc, thở mệt, nặng

- Tức ngực

- Thở rút lõm lồng ngực

- Ho liên tục gây khóc thở

- Nôn mửa và tiêu chảy không ngừng

- Không thể bù nước qua đường bú hay đường uống

- Bỏ ăn, bỏ chơi, ngủ li bì, khó đánh thức,...

12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà - Ảnh 13.

Ảnh: Kim Phụng SKHN

Nếu trẻ thường xuyên bị cảm lạnh, cha mẹ cũng cần cho trẻ kiểm tra tổng quát để có những biện pháp thúc đẩy hệ miễn dịch của trẻ được tốt hơn giúp phòng tránh các nhiễm trùng sau này hiệu quả.

Nhìn chung thì cảm lạnh là một vấn đề mà trẻ phải trải qua vài lần trong thời thơ ấu để tăng miễn dịch tự nhiên và gia cố hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng sau này. Cha mẹ có thể điều trị hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng tại nhà và quan sát các bất thường để thăm khám bác sĩ sớm. Sau khi trẻ khỏi bệnh, hãy giúp trẻ quay lại nếp sinh hoạt với chế độ vận động và dinh dưỡng lành mạnh để sức khỏe trẻ nhanh phục hồi trở lại. Đồng thời đừng quên hướng dẫn trẻ học cách vệ sinh cá nhân sạch sẽ để phòng ngừa các nhiễm trùng phổ biến trong mùa hè này như tay chân miệng, thủy đậu, cúm,...

Nguồn dịch:

1. Quick Tips for Treating Kids with a Cold or Flu

2. 14 Tips for Treating Kids' Colds


Tác giả: Allen