Đổ mồ hôi để chữa cảm lạnh: Có hiệu quả không?

Đổ mồ hôi để chữa cảm lạnh: Có hiệu quả không?
Đổ mồ hôi có thể giúp giảm tạm thời các triệu chứng cảm lạnh, nhưng không làm giảm thời gian bị cảm lạnh. Cảm lạnh thường kéo dài 7–10 ngày.

Mồ hôi là nước được tiết ra từ các tuyến mồ hôi trên da. Đó là cách cơ thể bạn hạ nhiệt. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, hệ thần kinh sẽ gửi thông điệp đến các tuyến mồ hôi để tiết nước lên da. Khi nước này bốc hơi khỏi da, nó sẽ gây ra hiệu ứng làm mát. Mồ hôi chủ yếu bao gồm nước và chứa một lượng nhỏ các chất khác, chẳng hạn như chất điện giải và vitamin.

Nhiều người cho rằng đổ mồ hôi có thể giúp chữa cảm lạnh bằng cách xông hơi, tập thể dục. Vậy sự thật về phương pháp này là như thế nào?

1. Đổ mồ hôi có thể giúp chữa cảm lạnh không?

Virus gây ra cảm lạnh thông thường. Bạn có thể bị nhiễm virus khi người khác ho hoặc hắt hơi và bạn vô tình hít phải virus. Virus phổ biến nhất gây ra cảm lạnh thông thường là rhinovirus, mặc dù các loại virus khác cũng có thể là thủ phạm.

Khi virus đã vào cơ thể bạn, chúng bắt đầu sinh sôi. Để đáp lại, cơ thể bạn sẽ phản ứng miễn dịch. Trên thực tế, một số triệu chứng cảm lạnh, như nghẹt mũi, có thể là dấu hiệu cho thấy hệ thống miễn dịch của bạn đang chống lại nhiễm trùng.

Không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh cảm lạnh, bạn chỉ có thể tập trung vào việc điều trị các triệu chứng như nghẹt mũi, ho,... 

Đổ mồ hôi để chữa cảm lạnh: Có hiệu quả không? - Ảnh 1.

Bị cảm lạnh ra nhiều mồ hôi có tốt không? (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Cảm lạnh có gây viêm phổi ở trẻ em không?

12 cách để có giấc ngủ ngon khi bị cảm lạnh

Bị cảm lạnh ra nhiều mồ hôi có tốt không? Việc đổ mồ hôi có giúp nhanh khỏi bệnh cảm lạnh hơn khôngNhiều người cho rằng, khi áp dụng các biện pháp giúp cơ thể đồ mồ hôi, họ cảm thấy người thoải mái và bệnh thuyên giảm hơn. 

Thực chất, việc đổ mồ hôi không có tác dụng trong việc điều trị bệnh cảm lạnh mà các hiệu quả đến từ các phương pháp giúp cơ thể đổ mồ hôi, chẳng hạn như xông hơi, tập thể dục, uống đồ uống nóng. Khi bạn xông hơi hoặc tập thể dục hay uống một cốc nước ấm, điều này có thể tạm thời làm giảm tình trạng nghẹt mũi vì chúng giúp làm loãng chất nhầy trong mũi.

Ngược lại, trong thời gian bị cảm lạnh, cơ thể mất quá nhiều mồ hôi mà không được bù nước đúng cách, cơ thể sẽ bị suy nhược hơn và có thể làm chậm quá trình hồi phục của người bệnh.

Cách chữa cảm lạnh ra nhiều mồ hôi như thế nào?

Như đã đề cập, một số phương pháp giúp cơ thể đổ mồ hôi có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng, nhưng điều quan trọng là các biện pháp này không có tác dụng chữa bệnh.

- Phương pháp xông hơi

Xông hơi không phải là phương pháp điều trị cảm lạnh nhưng cũng có thể giúp giảm các triệu chứng của cảm lạnh như giảm nghẹt mũi. Để xông hơi an toàn, bạn nên thực hiện theo một số lời khuyên sau:

+ Giới hạn thời gian xông hơi trong khoảng 15 hoặc 20 phút.

+ Tránh thức ăn hoặc đồ uống có thể gây mất nước, chẳng hạn như rượu, caffeine hoặc thức ăn mặn. Bạn có thể mất khá nhiều mồ hôi chỉ sau một thời gian ngắn xông hơi.

+ Bù nước sau khi xông hơi bằng cách uống 2i đến 4 cốc nước mát.

+ Làm mát dần dần sau khi xông hơi. Đi thẳng từ phòng xông hơi nóng đến môi trường lạnh có thể gây căng thẳng không cần thiết cho cơ thể bạn.

+ Nếu bạn cảm thấy không khỏe bất cứ lúc nào trong khi xông hơi, hãy rời đi và làm mát.

+ Không sử dụng phòng xông hơi nếu bạn đang mang thai.

Đổ mồ hôi để chữa cảm lạnh: Có hiệu quả không? - Ảnh 2.

Xông hơi giúp giảm nghẹt mũi (Ảnh: Internet)

- Tập thể dục

Tập thể dục khi bị cảm lạnh có an toàn không? Bạn có thể tập thể dục nếu bị cảm lạnh thông thường. Tập thể dục có thể tạm thời làm giảm các triệu chứng cảm lạnh như nghẹt mũi.

Tuy nhiên, bạn nên luôn chú ý đến cảm giác của mình. Nếu bạn cảm thấy sốt, đau ngực, quá mệt mỏi hoặc ho thì bạn không nên tập thể dục.

Nếu bạn chọn tập thể dục khi bị ốm, bạn nên tập với cường độ vừa phải, thời gian không quá dài và đặc biệt đảm bảo đủ nước cho cơ thể.

- Uống một cốc trà nóng

Bạn có thể uống một cốc trà gừng để làm nóng cơ thể. Đặc biệt, gừng chứa các hợp chất gọi là gingerol và shogaol, có tác dụng giảm viêm, kháng vi-rút và tăng cường miễn dịch nên có thể hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của cảm lạnh và giúp khỏi bệnh nhanh hơn.

2. Các biện pháp giúp giảm triệu chứng cảm lạnh

Để giảm các triệu chứng cảm lạnh và giúp cơ thể phục hồi nhanh hơn, bạn có thể áp dụng một số biện pháp:

- Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi giúp cơ thể bạn lấy lại năng lượng để chống lại vi-rút. Ngủ tối đa 10 tiếng mỗi đêm và tránh tập thể dục quá sức.

- Giữ đủ nước: Điều này không chỉ giúp cơ thể bạn chống lại nhiễm trùng mà còn có thể làm loãng chất nhầy. Một số loại thức uống trà hoặc nước dùng có thể giúp làm dịu cổ họng bị ngứa. Cố gắng tránh các chất có thể gây mất nước, chẳng hạn như caffeine, rượu và thức ăn mặn.

- Sử dụng thuốc không kê đơn (OTC): Các loại thuốc này sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của cảm lạnh. Thuốc thông mũi, thuốc giảm đau và thuốc long đờm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bạn. Nhưng bạn cần đảm bảo tuân thủ đúng hướng dẫn về liều lượng.

- Súc miệng bằng nước muối nếu bạn bị đau họng: Điều này có thể giúp giảm đau và sưng.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Không khí khô có thể làm cho các triệu chứng của bạn trở nên tồi tệ hơn. Do đó, việc bổ sung độ ẩm vào không khí bằng máy tạo độ ẩm có thể giúp giữ ẩm cho đường mũi và giảm nghẹt mũi.

- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn nên ưu tiên những thực phẩm giàu vitamin C, kẽm,... để giúp tăng sức đề kháng và chống lại virus một cách hiệu quả hơn. Bạn có thể bổ sung cam, quýt, rau xanh,... vào chế độ ăn của mình.

Đổ mồ hôi để chữa cảm lạnh: Có hiệu quả không? - Ảnh 3.

Khi bị cảm lạnh bạn nên nghỉ ngơi nhiều hơn (Ảnh: Internet)

3. Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thông thường bệnh cảm lạnh sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. Tuy nhiên, nếu bạn gặp một số triệu chứng sau, bạn nên đến gặp bác sĩ:

- Các triệu chứng giống cúm nghiêm trọng (đau nhức cơ, sốt )

- Khó thở

- Phát ban trên da kèm theo các triệu chứng cảm lạnh

- Ho dữ dội không thuyên giảm

Những người mắc một số bệnh lý nền như tiểu đường hoặc hen suyễn cũng nên trao đổi với bác sĩ chăm sóc sức khỏe về các triệu chứng cảm lạnh vì họ có nguy cơ biến chứng cao hơn.

Tóm lại, đổ mồ hôi không thể chữa cảm lạnh nhưng các phương pháp giúp cơ thể đổ mồ hôi có thể giúp giảm triệu chứng cảm lạnh. Trong thời gian bị cảm lạnh, cơ thể đổ nhiều mồ hôi thì bạn cần bổ sung nhiều nước để bù nước cho cơ thể. Điều này sẽ giúp bạn nhanh hồi phục hơn.

Nguồn tham khảoIs It Possible to Sweat Out a Cold?


Tác giả: Vân Anh