Bị cảm lạnh uống trà gì tốt?

Bị cảm lạnh uống trà gì tốt?
Cảm lạnh gây ra các triệu chứng khó chịu cho đường hô hấp như nghẹt mũi, ngứa họng, chảy dịch mũi sau,... Lúc này uống một cốc trà có thể đem lại hiệu quả giảm nhẹ triệu chứng cảm lạnh.

Trung bình mỗi năm người trưởng thành có thể bị cảm lạnh từ 2 - 3 lần; đối với trẻ nhỏ con số này có thể còn cao hơn, tùy thuộc vào môi trường sống và thể chất của trẻ. Thông thường, cảm lạnh gây ra các triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi và nghẹt mũi, đau họng, ho, chảy nước mắt và chảy dịch mũi sau.

Lúc này, uống trà hoặc các chất lỏng ấm khác thường giúp làm giảm các triệu chứng cảm lạnh bằng cách giúp cơ thể giữ nước, giảm nghẹt mũi và làm dịu cổ họng.

Nên uống trà gì khi bị cảm lạnh để giảm nhẹ triệu chứng và dễ ngủ hơn?

Theo Health, dưới đây là một số loại trà có thể giúp ích khi bị cảm lạnh mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý, nếu thể trạng nhạy cảm với các thành phần trong các loại trà dưới đây, hãy tránh uống loại trà đó để không gặp phải các rủi ro sức khỏe như dị ứng hay ngộ độc trà.

Đọc thêm:

- 8 dấu hiệu cảnh báo nên ngừng uống trà ngay lập tức kẻo nguy hiểm

- Những loại trà nên và không nên uống khi bị đau đầu

1. Trà bạc hà giúp bù nước, dịu họng, loãng dịch nhầy

Mặc dù còn hạn chế nhưng đã có một số bằng chứng chỉ ra uống trà bạc hà có thể đem lại lợi ích cho sức khỏe đường hô hấp nhờ tác dụng của menthol trong việc giúp thông mũi tự nhiên, làm loãng đờm và chất nhầy.

Hơn nữa, uống trà bạc hà là một cách để bù nước cho cơ thể, đặc biệt là trà bạc hà ấm, đã được chứng minh là có thể giúp cải thiện tạm thời các triệu chứng của bệnh viêm xoang, cảm lạnh như sổ mũi, ho khan, đau họng.

Nên uống trà gì khi bị cảm lạnh để giảm nhẹ triệu chứng và dễ ngủ hơn? - Ảnh 1.

Trà bạc hà giúp bù nước, dịu họng, loãng dịch nhầy (Ảnh: ST)

Bên cạnh đó, trà bạc hà chứa vitamin B, canxi và kali giúp tăng cường hệ miễn dịch trong cơ thể. Đó cũng là một trong những lý do tại sao trà bạc hà được nhiều người ưa thích khi bị cảm lạnh và cảm cúm.

Một nghiên cứu sơ bộ năm 2021 trên NCBI còn chỉ ra rằng, trà bạc hà cũng có thể có đặc tính kháng virus và chống oxy hóa nhờ lợi ích của hai thành phần là trà và lá bạc hà.

2. Trà chanh giúp bổ sung vitamin C

Trà chanh có chứa vitamin C, có thể tốt trong suốt mùa cảm lạnh và cúm nhờ đặc tính chống virus. Vitamin C không ngăn ngừa cảm lạnh, nhưng nó có thể làm giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh. Để đạt được những lợi ích tiềm năng này, hãy đảm bảo bạn thường xuyên tiêu thụ đủ lượng vitamin C theo khuyến nghị hàng ngày, đặc biệt là vào mùa cúm.

Nên uống trà gì khi bị cảm lạnh để giảm nhẹ triệu chứng và dễ ngủ hơn? - Ảnh 2.

Thêm chanh vào cốc trà gừng khi bị cảm lạnh (Ảnh: ST)

Chanh cũng có thể là thành phần được thêm vào cốc trà gừng hoặc trà xanh (đã khử caffeine) khi bị cảm lạnh, giúp bù nước, làm dịu họng và giảm căng thẳng.

3. Trà hoa cúc giúp dễ ngủ hơn

Hoa cúc La Mã đã được sử dụng làm thuốc trong hàng ngàn năm. Cho đến ngày nay, nhiều người vẫn thêm trà hoa cúc vào thức uống hàng ngày để thư giãn thần kinh. Thật không may, nghiên cứu về lợi ích của hoa cúc La Mã còn rất ít. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy uống trà hoa cúc có thể giúp giảm lo âu và làm dịu cơn đau dạ dày.

Nên uống trà gì khi bị cảm lạnh để giảm nhẹ triệu chứng và dễ ngủ hơn? - Ảnh 3.

Trà hoa cúc có tác dụng thư giãn, an thần (Ảnh: ST)

Hơn nữa, một đánh giá năm 2019 trên NCBI cho thấy hoa cúc La Mã có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ. Một nghiên cứu cũ năm 2010 thì chỉ ra rằng việc hít hơi nước có pha chiết xuất hoa cúc có thể giúp làm giảm các triệu chứng cảm lạnh.

Nên có thể hiểu rằng, ngay cả khi trà hoa cúc không giúp giảm các triệu chứng cảm lạnh nhưng uống trà hoa cúc vẫn có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ - để cơ thể có thời gian phục hồi nhanh hơn. Thêm vào đó, tác dụng phụ của trà hoa cúc không phổ biến nên loại trà này có thể được uống như một loại chất lỏng ấm giúp dịu cơn đau họng do cảm lạnh gây ra.

4. Trà gừng giúp giảm buồn nôn

Gừng rất giàu một loại chất dinh dưỡng thực vật gọi là gingerols, cùng với các hợp chất phenolic khác như quercetin và zingerone. Nên gừng thường được dùng để làm dịu các triệu chứng khó chịu về tiêu hóa như buồn nôn thông qua việc hít hơi nước pha gừng hoặc sử dụng trực tiếp.

Nên uống trà gì khi bị cảm lạnh để giảm nhẹ triệu chứng và dễ ngủ hơn? - Ảnh 4.

Trà gừng có nhiều đặc tính tốt cho tiêu hóa (Ảnh: ST)

Mặc dù không có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của gừng trong việc làm giảm các triệu chứng cảm lạnh nhưng một nghiên cứu năm 2020 trên NCBI cho thấy gừng có hiệu quả tương đương với thuốc loratadine trong điều trị viêm mũi dị ứng. Cụ thể là gừng giúp cải thiện các triệu chứng ở mũi.

5. Trà hoa cơm cháy

Một số nghiên cứu cho thấy quả cơm cháy có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2016 trên NCBI, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những hành khách đi máy bay dùng chiết xuất từ quả cơm cháy có thời gian bị cảm lạnh ngắn hơn với các triệu chứng nhẹ hơn so với những người dùng giả dược.

Nên uống trà gì khi bị cảm lạnh để giảm nhẹ triệu chứng và dễ ngủ hơn? - Ảnh 5.

Quả cơm cháy có hàm lượng anthocyanin và flavonoid cao (Ảnh: ST)

Những lợi ích này có thể liên quan đến hàm lượng anthocyanin và flavonoid của quả cơm cháy, có đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và điều hòa miễn dịch.

Một đánh giá có hệ thống gần đây hơn từ năm 2021 cũng phát hiện ra rằng quả cơm cháy có thể giúp điều trị các bệnh về đường hô hấp do virus như cảm lạnh và cúm. Nghiên cứu này cho thấy rằng quả cơm cháy có thể giúp giảm thời gian và mức độ nghiêm trọng của cảm lạnh, nhưng có lẽ sẽ không ngăn ngừa được sự phát triển của bệnh.

Tuy nhiên, các nghiên cứu sâu với quần thể rộng hơn vẫn là điều cần thiết trước khi kết luận. Trong khi đó, người bị cảm lạnh có thể uống trà hoa cơm cháy để bù nước, giảm nghẹt mũi nhờ đặc tính chống viêm của loại quả này.

6. Trà rễ cam thảo

Rễ cam thảo là một nguyên liệu được sử dụng phổ biến trong Y học cổ truyền. Theo Đông Y, cam thảo vị ngọt, tính bình, quy vào 12 kinh.

Nên uống trà gì khi bị cảm lạnh để giảm nhẹ triệu chứng và dễ ngủ hơn? - Ảnh 6.

Cam thảo tính bình, vị ngọt (Ảnh: ST)

Nghiên cứu hiện đại đã chứng minh rằng cam thảo chứa flavonoid và triterpenoid có hoạt tính kháng khuẩn, chống viêm và kháng virus. Thành phần hoạt chất chính là glycyrrhizin, có thể giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị cúm. Rễ cam thảo cũng có thể hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng tiêu hóa như buồn nôn, khó chịu bụng.

Lưu ý

Để pha trà tại nhà, hãy đun sôi nước và ngâm trà trong nước. Đối với hầu hết các loại trà thì chỉ cần ngâm từ 3 - 5 phút là đủ. Tuy nhiên, nếu có hướng dẫn sử dụng riêng trên sản phẩm, hãy đảm bảo làm theo hướng dẫn vì thời gian ngâm tối ưu có thể thay đổi tùy theo loại trà bạn đang dùng.

Theo CDC, mật ong có thể giúp làm giảm ho ở người lớn và trẻ em trên 1 tuổi, bạn có thể thêm một chút mật ong vào trà để nhận thêm nhiều tác dụng hơn. Nhưng cần nhớ rằng, tuyệt đối không cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong vì có thể dẫn tới ngộ độc.

Uống trà khi bị cảm lạnh cần tránh trà có chứa caffein, có thể gây khó ngủ, đặc biệt nếu uống trước khi đi ngủ.

Ngoài uống trà thì người bị cảm lạnh có thể sử dụng một số loại thuốc không kê đơn như thuốc acetaminophen, ibuprofen để giúp giảm đau đầu, đau nhức khớp cùng các triệu chứng sốt do cảm lạnh gây ra. Đảm bảo uống đủ nước khi bị bệnh. Trong trường hợp các triệu chứng cảm lạnh kéo dài trên 3 tuần hoặc có dấu hiệu nghiêm trọng hơn sau 10 ngày thì bạn cần thăm khám bác sĩ sớm bởi điều này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn và cần được can thiệp y tế.

Nguồn dịch tham khảo:

1. 10 Teas That May Help Keep Your Cold at Bay

2. Is There a ‘Best’ Tea to Treat Colds?


Tác giả: Allen