Cách dùng giấm táo hỗ trợ điều trị cảm lạnh tại nhà

Cách dùng giấm táo hỗ trợ điều trị cảm lạnh tại nhà
Cảm lạnh là bệnh thường gặp vào thời điểm giao mùa, chuyển lạnh. Bằng một số phương pháp tại nhà, mọi người có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh, trong đó dùng giấm táo là cách được nhiều người áp dụng.

Giấm táo được làm từ nước ép lên men, không lọc của táo nghiền, có tính axit, mùi nồng. Một số người cũng sử dụng giấm táo để giúp làm long đờm, giảm tình trạng nghẹt mũi do cảm lạnh. Ngoài ra, mọi người còn sử dụng giấm táo để tăng cường khả năng miễn dịch, giúp người bệnh nhanh hồi phục.

1. Lợi ích của giấm táo đối với cảm lạnh

Giấm táo có nhiều đặc tính có lợi cho sức khỏe, bao gồm tác dụng kháng khuẩn và chống oxy hóa.

Giấm táo chưa lọc thường chứa một hỗn hợp men và vi khuẩn hoạt động như men vi sinh. Vào năm 2018, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng men vi sinh có chất lượng tăng cường miễn dịch, hiệu quả trong việc chống lại các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như cúm và cảm lạnh thông thường.

Hơn nữa, giấm có chứa polyphenol - hợp chất được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc thực vật có chứa chất chống oxy hóa - có thể giúp giảm các triệu chứng của cảm lạnh.

Ngoài tác dụng hỗ trợ điều trị cảm lạnh, giấm táo có nhiều lợi ích sức khoẻ khác như có thể giúp tiêu diệt mầm bệnh, bao gồm cả vi khuẩn. Đặc biệt, giấm táo có thể hỗ trợ làm giảm lượng đường trong máu và kiểm soát bệnh tiểu đường.

Cách dùng giấm táo hỗ trợ điều trị cảm lạnh tại nhà - Ảnh 2.

Giấm táo chứa một hỗn hợp men và vi khuẩn hoạt động như men vi sinh giúp làm giảm triệu chứng cảm lạnh (Ảnh: Internet)

Đọc thêm: 

Hướng dẫn phân biệt triệu chứng cảm lạnh và dị ứng ở trẻ

Bổ sung kẽm giúp giảm nhẹ triệu chứng cảm lạnh và cúm

2. Cách dùng giấm táo để hỗ trợ điều trị cảm lạnh

Có rất nhiều cách dùng giấm táo để làm giảm các triệu chứng cảm lạnh. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến, dễ thực hiện:

- Dùng giấm táo nguyên chất: Cách làm này khá đơn giản, bạn chỉ cần chấm nhẹ một chút giấm táo nguyên chất vào cổ họng. Điều này sẽ giúp đẩy đờm ra ngoài, chống hiện tượng nhiễm trùng do vi khuẩn và virus gây ra.

- Làm dung dịch súc miệng: Bạn pha khoảng ¼ cốc nước ấm và ¼ giấm táo. Sau đó dùng hỗn hợp này để súc miệng trong vòng 2 phút. Cố gắng súc sâu vào trong cổ họng để giúp giảm lượng đờm.

- Dùng giấm táo với mật ong: Hòa giấm táo với nước ấm theo tỷ lệ 1:5, sau đó thêm 2-3 giọt mật ong nguyên chất và uống mỗi ngày, đến khi triệu chứng cảm lạnh đã thuyên giảm.

Cách dùng giấm táo hỗ trợ điều trị cảm lạnh tại nhà - Ảnh 3.

Dùng giấm táo pha loãng hoặc kết hợp với mật ong để uống hoặc súc miệng sẽ hỗ trợ điều trị cảm lạnh hiệu quả (Ảnh: Internet)

3. Một số lưu ý khi dùng giấm táo để hỗ trợ điều trị cảm lạnh

Giấm táo có tác dụng trong việc hỗ trợ điều trị cảm lạnh. Tuy nhiên, để tránh gặp những tác dụng phụ cũng như không đạt hiệu quả, mọi người nên lưu ý một số vấn đề sau đây:

- Giấm táo chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị cảm lạnh, không thay thế được các chỉ định của bác sĩ. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

- Giống như các loại giấm khác, giấm táo có tính axit. Hàm lượng axit trong nó có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, gây ra trào ngược axit. Vì vậy nên pha loãng giấm táo trước khi sử dụng.

Những người bị loét dạ dày hoặc GERD có thể cân nhắc tránh dùng giấm táo vì lý do này.

Cách dùng giấm táo hỗ trợ điều trị cảm lạnh tại nhà - Ảnh 4.

Người bị đau dạ dày và trào ngược nên cân nhắc khi dùng giấm táo (Ảnh: Internet)

- Giấm táo có thể ảnh hưởng đến men răng. Vì vậy, không nên uống hoặc súc miệng nước giấm táo trong thời gian dài. Sau khi uống hoặc súc miệng với giấm táo nên làm sạch răng miệng, tránh để axit của giấm bào mòn răng.

- Không nên tự ý dùng giấm táo cho trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ nhi trước khi cho bé sử dụng.

- Khi dùng giấm táo thấy cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường nên ngưng sử dụng ngay.

4. Một số biện pháp khác làm giảm các triệu chứng cảm lạnh

Ngoài việc dùng giấm táo, mọi người có thể áp dụng một số biện pháp khác làm giảm triệu chứng của cảm lạnh như:

- Dùng nước muối

Súc miệng bằng nước muối có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường hô hấp trên. Ngoài ra, còn có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cảm lạnh. Ví dụ, nó có thể làm dịu cơn đau họng và nghẹt mũi.

Súc miệng bằng nước muối làm giảm và lỏng chất nhầy có chứa vi khuẩn và chất gây dị ứng. Để thử biện pháp khắc phục này tại nhà, bạn hòa tan ½ thìa muối nhỏ với khoảng 250ml nước ấm. Sau đó súc miệng và họng 2 lần/ngày, sáng và tối trước khi đi ngủ.

- Uống nhiều nước

Uống đủ nước sẽ giúp giảm tắc nghẽn, bù nước cho cơ thể. Tùy vào thể trạng cơ thể bạn bổ sung lượng nước hợp lý, nhưng tốt nhất nên bổ sung đủ 2 lít nước/ngày. Mọi người có thể uống nước lọc, uống nước ép, ăn canh, súp…

Cách dùng giấm táo hỗ trợ điều trị cảm lạnh tại nhà - Ảnh 5.

Người bị cảm lạnh nên uống nhiều nước để nhanh hồi phục (Ảnh: Internet)

- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng giúp người bị cảm lạnh nhanh chóng hồi phục. Vì vậy, mọi người nên bổ sung đầy đủ vitamin và dưỡng chất như kẽm, vitamin C. Tăng cường sử dụng những thực phẩm có tính kháng viêm như gừng, tỏi, mật ong.

Nếu các triệu chứng khó chịu và khó thuyên giảm, các bạn nên sử dụng thêm một số loại thuốc như thuốc thông mũi, thuốc kháng histamine, thuốc ho, thuốc hạ sốt (nếu sốt)… Tuy nhiên, nên tham khảo và dùng theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong quá trình điều trị. 

Nguồn tham khảoApple Cider Vinegar for Colds


Tác giả: Vân Anh