Theo các báo cáo, có đến khoảng hơn 40% bệnh nhân bị biến chứng do virus sởi. Những biến chứng này đe dọa trầm trọng tới quá trình hồi phục của người bệnh, thậm chí gây tử vong.
Theo đó, có những đối tượng rất dễ gặp phải các biến chứng của sởi. Vậy những đối tượng đó là ai? Hãy cùng trả lời cho câu hỏi "đối tượng dễ bị biến chứng khi mắc sởi" qua bài viết dưới đây nhé.
Bệnh sởi tuy không quá nguy hiểm, nhưng nếu gặp biến chứng do sởi thì lại rất đáng lo ngại. Dưới đây là những biến chứng nguy hiểm của sởi:
- Biến chứng viêm tai giữa cấp: thường xảy ra ở 1/10 số trẻ bị nhiễm bệnh sởi.
- Biến chứng viêm phổi nặng: xảy ra khoảng 1/20 số ca bệnh mắc sởi. Biến chứng này có thể dẫn đến tử vong.
- Biến chứng viêm não: xảy ra ở khoảng 1/1.000 số người bị bệnh sởi.
- Tiêu chảy và ói mửa: Biến chứng này thường xảy ra cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ nhũ nhi.
- Mờ hoặc loét giác mạc: nếu gặp biến chứng này, bệnh nhân có thể mù lòa. Đây là một biến chứng rất nguy hiểm của sởi.
- Suy dinh dưỡng nặng ở trẻ em: những trẻ em sau khi nhiễm sởi gặp biến chứng suy dinh dưỡng nặng sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
- Sảy thai, sinh non hay sinh trẻ nhẹ cân: Biến chứng này gặp ở những phụ nữ mắc sởi khi đang mang thai.
- Trẻ em dễ bị biến chứng khi mắc sởi:
Trẻ em là đối tượng dễ bị biến chứng khi mắc sởi. Theo đó, trẻ càng nhỏ, nguy cơ mắc các biến chứng do sởi càng cao, đặc biệt là những trẻ dưới 9 tháng tuổi vì lúc này trẻ không còn miễn dịch do mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc xin phòng sởi.
Ngoài ra, những trẻ dưới đây rất dễ bị biến chứng khi mắc bệnh sởi:
- Trẻ bị suy dinh dưỡng: Với những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, hệ miễn dịch bị suy giảm hơn nhiều. Theo đó, những trẻ này có thời gian thải virus kéo dài hơn, tỷ lệ tử vong do sởi cao hơn. Mặt khác, chính bệnh sởi góp phần đưa đến suy dinh dưỡng do mất protein do bệnh lý ruột, tăng nhu cầu chuyển hóa, và giảm cung cấp qua thức ăn.
- Trẻ sinh ra bởi người mẹ bị nhiễm HIV: Đối với trường hợp trẻ sinh từ người mẹ bị nhiễm HIV sẽ dễ mắc sởi ở tuổi nhỏ hơn so với trẻ sinh từ người mẹ không bị bệnh lý này.
- Trẻ bị thiếu vitamin A: Những trẻ bị thiếu vitamin A trên lâm sàng hay dưới lâm sàng rất dễ gặp biến chứng và tăng nguy cơ tử vong do sởi. Các bác sĩ cho biết, sởi có kèm theo giảm nồng độ retinol / máu và có thể dẫn đến làm thiếu vitamin A rõ rệt.
Những người bị suy giảm miễn dịch hoặc đang mắc các bệnh lý khác đều là đối tượng dễ bị biến chứng khi mắc sởi:
Với các trường hợp đang bị suy giảm miễn dịch, đang mắc các bệnh lý như bệnh lao, bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh cúm...rất dễ gặp các biến chứng khi mắc sởi vì lúc này sức đề kháng của cơ thể đã bị giảm sút trầm trọng.
Sự suy giảm ở những đối tượng này sẽ khiến bệnh nền sẵn có nặng hơn, các biến chứng do sởi gây ra có thể đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng.
Như vậy, đối tượng dễ bị mắc sởi và gặp phải biến chứng nguy hiểm khi mắc sởi là trẻ em và những người bị suy giảm miễn dịch, đang mắc các bệnh lý khác.
Việc phòng bệnh sởi vì thế rất quan trọng, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Theo đó, trẻ em và những người có bệnh nền, bị suy giảm miễn dịch cần chú ý một số vấn đề sau để phòng tránh các biến chứng do sởi:
- Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.
- Thường xuyên luyện tập và lưu ý chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cơ thể.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh.
- Thông báo cho cơ sở y tế khi có biểu hiện mắc bệnh sởi.