Bệnh sởi và rôm sảy: Phân biệt bệnh qua nguyên nhân, triệu chứng

Bệnh sởi và rôm sảy: Phân biệt bệnh qua nguyên nhân, triệu chứng
Sởi và rôm sảy có nhiều nét tương đồng về biểu hiện, đều là hai bệnh dễ gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, hai loại bệnh này hoàn toàn khác nhau.

Bệnh sởi và bệnh rôm sảy là những bệnh hay gặp ở trẻ em, với biểu hiện dễ nhận thấy ban đầu là nổi nhiều nốt ban đỏ trên da gây ngứa ngáy, khó chịu cho bé. Khi mới phát bệnh thường dẫn đến nhầm lẫn hai loại bệnh và điều trị sai. Chúng ta cần phân biệt sởi và rôm sảy để có cách chữa trị kịp thời cho bé, chăm sóc tốt để mau hồi phục, tránh để lại biến chứng nghiêm trọng.

Nếu biết cách chữa trị từ đầu và chăm sóc bé đúng cách, bệnh nhân sẽ rất nhanh hồi phục, bởi theo các bác sĩ, nhìn chung hai bệnh này đều lành tính khi có hướng chữa trị đúng đắn.

Bệnh sởi và bệnh rôm sảy có những điểm khác nhau cụ thể là:

1. Nguyên nhân gây bệnh

Siêu vi thuộc họ Paramyxoviridae chi Morbillivirus là nguyên nhân gây ra bệnh sởi. Chúng có đường kính khoảng 120 – 250 nm, Loại virus này có thể sống lâu trong môi trường ngoài. Tuy nhiên, chúng dễ bị tiêu diệt bởi ánh sáng mặt trời, nhiệt độ cao trên 56 độ C hoặc thuốc khử trùng.

Còn thời tiết nóng khiến trẻ toát nhiều mồ hôi mới là nguyên nhân gây bệnh rôm sảy ở trẻ em. Bụi bẩn kết hợp với tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn làm nổi lên những nốt rôm sảy trên da.

2. Biểu hiện của bệnh sởi và rôm sảy

Sởi diễn biến qua 4 giai đoạn: ủ bệnh, tiền triệu, phát ban và cuối cùng là thời gian lui bệnh.

Trẻ không có biểu hiện gì rõ rệt, vẫn hoạt động bình thường trong khoảng thời gian từ 10 – 12 ngày sau khi bị virus xâm nhập. Đây gọi là khoảng thời gian ủ bệnh.

Ở giai đoạn tiền triệu: Khoảng 2 – 4 ngày sau đó, bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, chảy nước mũi, có trường hợp bị ho khan không đờm, viêm kết mạc hoặc sợ ánh sáng. Sau đó, da trẻ xuất hiện những nốt ban đỏ li ti màu trắng ngà có viền đỏ xung quanh. Sau 24 - 48 giờ tiếp theo, nốt ban dần biến mất.

Giai đoạn phát ban là lúc các ban sởi trồi lên mạnh mẽ: Sau khoảng 10 – 18 ngày các nốt ban nổi khắp người theo từ tai đến mặt, sau dần lan xuống các bộ phận khác theo chiều dọc cơ thể.

Cách phân biệt bệnh sởi và rôm sảy - Ảnh 1.

Nốt ban sởi thường to và nổi cộm lên trên bề mặt da - Nguồn Internet

Khi các nốt ban bay dần theo thứ tự xuất hiện chỉ để lại một lớp da mỏng thâm loang lổ, là lúc này đã đến khoảng thời gian lui bệnh.

Biểu hiện của bệnh rôm sảy:

Bệnh rôm sảy gây ra cảm giác ngứa ngáy và đôi khi là nóng rát trên da nên trẻ quấy khóc cả ngày. Khi trẻ bị rôm sảy, thường gãi ngứa dễ làm da bị lở do viêm nhiễm. Trên da bệnh nhân sẽ xuất hiện nhiều nốt sần màu đỏ hồng, dần dần nổi lên thành những đám mụn rôm, đôi khi kèm theo mủ trắng trong mụn. Những mụn nước nhỏ li ti này thường mọc thành từng mảng lớn ở nách, ngực, lưng, trán, da đầu, cổ, bẹn,...Khi thời tiết dịu mát hơn, những nốt rôm sẽ tự lặn đi và chỉ để lại vảy da mỏng, màu trắng và tiếp tục xuất hiện lại các mụn rôm khi gặp nóng bức trở lại.

Ở trẻ nhỏ có ba dạng rôm sảy thường gặp:

Rôm dạng tinh thể là loại không biểu hiện viêm, thấy ở trẻ chậm phát triển các ống tuyến mồ hôi, thường xảy ra do sốt cao, để lại các mảng da bị bong khi đã khỏi bệnh.

Rôm đỏ xuất hiện trong thời tiết nóng ẩm.

Rôm sâu thường thấy sau khi bị rôm đỏ kéo dài, nguyên nhân do tuyến mồ hôi bị tổn hại nặng nề.

Cách phân biệt bệnh sởi và rôm sảy - Ảnh 2.

Rôm sảy thường gặp ở trẻ em vào mùa hè nóng bức - Nguồn Internet

3. Sự khác nhau về phương pháp chữa trị

Việc điều trị bệnh sởi khó khăn hơn, cụ thể:

Giữ vệ sinh sạch sẽ: da, mắt, miệng họng để cơ thể, nhất là các nốt ban luôn sạch sẽ. Khi thấy da có dấu hiệu bội nhiễm, cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị.

Tăng cường chế độ dinh dưỡng, nhất là bổ sung thêm vitamin A. Bổ sung nước bằng các chất điện giải qua đường uống.

Trường hợp bệnh nhân nôn nhiều, có nguy cơ mất nước và rối loạn điện giải cần hoặc truyền dịch gấp để bù nước kịp thời.

Có thể áp dụng các biện pháp hạ nhiệt vật lý như lâu nước ấm, chườm mát, dùng thuốc để hạ sốt khi sốt cao.

Còn cách điều trị rôm sảy hữu hiệu nhất là làm giảm tiết mồ hôi. Khi da được làm mát, rôm sảy sẽ biến mất nhanh chóng. Nếu trẻ chỉ bị rôm sảy nhẹ thì không cần phải điều trị y tế.

Người nhà cần để trẻ mặc quần áo thoáng mát và hạn chế vận động. Chỉnh quạt, máy lạnh ở mức phù hợp để bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, tránh ngứa ngáy, bức bối thêm.

Đồng thời giữ cho cơ thể trẻ luôn được mát, thoáng khí, hạn chế bài tiết nhiều mồ hôi. Tắm thường xuyên cho trẻ để da sạch sẽ, lỗ chân lông thông thoáng, không bị tắc nghẽn.

Lưu ý khi tắm cho trẻ: chỉ sử dụng những loại sữa tắm loại không chứa xà phòng, không màu, không mùi cho trẻ em. Có thể tắm bằng dung dịch thuốc tím pha loãng 1/10.000 hoặc các bài thuốc dân gian như lá chè xanh, mướp đắng, lá khế...để trẻ cảm thấy mát mẻ, và làn da được sát khuẩn.

Nếu tình trạng bệnh nặng hơn, không được để trẻ gãi hoặc cào mạnh vào các nốt rôm. Khi da bị trầy xước sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công gây bội nhiễm hoặc biến chứng. Sau đó, bệnh nhân cần phải được điều trị bằng thuốc bôi để giảm cảm giác khó chịu và tránh nhiễm trùng lan rộng.

Cách phân biệt bệnh sởi và rôm sảy - Ảnh 3.

Trẻ cần được tắm rửa sạch sẽ hàng ngày để phòng ngừa sởi và rôm sảy - Nguồn Internet

4. Các biện pháp phòng tránh

Cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh là: tiêm vaccine. Đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi cần tiêm đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn tại các cơ sở tiêm chủng.

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng. Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, tránh bụi bặm.

-.Áp dụng các biện pháp dự phòng chung như đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người hoặc bệnh viện.

- Bổ sung các loại thực phẩm có nhiều vitamin A như cà rốt, các loại rau xanh thẫm và các loại quả có màu vàng, màu da cam. Uống đầy đủ nước mỗi ngày.

- Trường hợp trẻ bị mắc sởi có dấu hiệu bội nhiễm trên da cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị.

Để phòng tránh tình trạng trẻ bị rôm sảy, cá chuyên gia khuyến cáo:

- Cha mẹ cần cho trẻ mặc trang phục rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt, nên chọn đồ bằng vải cotton thoáng. Không nên ủ trẻ quá kỹ hay mặc quá nhiều quần áo, hạn chế để mồ hôi đọng trên da trẻ quá lâu

- Cho trẻ uống đủ nước, để trẻ ăn nhiều trái cây tươi, đặc biệt là loại hoa quả giàu vitamin C để tăng sức đề kháng.

- Tránh đưa trẻ đến nơi đông người trong thời tiết oi bức.

-Trường hợp trẻ bị rôm sảy kéo dài từ 7-10 ngày trở lên và xuất hiện những biểu hiện như: da sưng, nóng, đỏ, đau, có mủ chảy ra, sưng hạch vùng cổ, nách, bẹn, sốt, ớn lạnh,... có thể thấy da đã bị bội nhiễm. Việc cần làm ngay lúc này là đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời.


Tác giả: Ngọc Điệp