Bệnh sởi gây ra nhiều vấn đề lo ngại cho sức khỏe, đặc biệt là với trẻ em và những người có miễn dịch kém. Tuy ít gây tử vong nhưng căn bệnh này lại để lại nhiều biến chứng như nguy hiểm và gây ảnh hưởng đến cuộc sống người bệnh sau này như biến chứng: viêm phổi, viêm tai giữa, thậm chí là viêm não.
Vì thế, phát hiện và điều trị sớm bệnh sởi là hết sức quan trọng, tránh những ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe cho bệnh nhân. Hãy cùng tìm hiểu dấu hiệu nhận biết bệnh sởi qua bài viết dưới đây.
Các nghiên cứu cho thấy trẻ em dưới 1 tuổi hoặc tiêm chưa đủ mũi vaccine là đối tượng dễ mắc bệnh sởi nhất.
Theo đó, những dấu hiệu nhận biết bệnh sởi ở trẻ em cụ thể như sau:
- Trẻ sốt cao, nhiệt độ cơ thể lên đến 38–39ºC.
- Xuất hiện các dấu hiệu của viêm đường hô hấp trên: hắt hơi, sổ mũi, viêm long đường hô hấp trên, ho khan kéo dài, khàn tiếng.
- Các triệu chứng của viêm kết mạc mắt: đỏ mắt, chảy nước mắt, sưng nề mí mắt.
Theo Tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi do Bộ Y tế ban hành, bệnh sởi biểu hiện dưới 2 dạng là thể điển hình và thể không điển hình.
Trong thể sởi điển hình được biểu hiện qua 4 giai đoạn bệnh:
- Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn này khoảng từ 7–14 ngày, giai đoạn này vẫn chưa có triệu chứng.
- Giai đoạn tiếp theo là giai đoạn khởi phát: khoảng 2–4 ngày. Đến lúc này, trẻ sẽ có các biểu hiện, cụ thể như sốt cao đến 40ºC kèm nhức đầu, nhức cơ, cảm giác mệt mỏi kéo dài, viêm long đường hô hấp trên và viêm kết mạc, đôi khi viêm thanh quản cấp.
Ở giai đoạn này, có thể thấy xuất hiện hạt koplik (các hạt nhỏ khoảng 0,5–1mm, màu trắng, có quầng ban đỏ) trên niêm mạc má (bên trong miệng, ngang răng hàm trên).
- Giai đoạn toàn phát: giai đoạn này kéo dài từ 2–5 ngày. Sau khi sốt cao khoảng 3–4 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các phát ban, ban hồng dát sẩn, khi căng da thì thấy biến mất.
Các nốt ban bắt đầu xuất hiện theo thứ tự từ sau tai, gáy, trán, mặt cổ rồi lan dần đến thân mình và tứ chi. Khi ban mọc hết toàn thân thì thân nhiệt của người bệnh sẽ giảm dần.
- Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn phục hồi: Lúc này, các ban nhạt dần rồi chuyển sang màu xám, bong vẩy phấn sẫm màu, để lại trên cơ thể các vết thâm được gọi là vằn da hổ. Ban biến mất dần theo thứ tự cũng như khi ban xuất hiện. Nếu không có biến chứng thì bệnh sởi sẽ tự khỏi nhưng triệu chứng ho có thể kéo dài 1–2 tuần sau đó.
Ở thể bệnh không điển hình này, biểu hiện lâm sàng của người bệnh chỉ có thể gồm sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ, phát ban ít, thể trạng nhìn chung tốt. Vì vậy, thể này thường dễ bị bỏ qua khiến bệnh sởi lây lan trong cộng đồng mà không hề hay biết.
Cần lưu ý rằng triệu chứng bệnh sởi ở trẻ em ở những ngày đầu của giai đoạn khởi phát rất khó phân biệt với dấu hiệu viêm đường hô hấp thông thường khác. Do đó, khi nghi ngờ trẻ mắc sởi, cần xem xét thêm những yếu tố sau:
- Trẻ em dưới 1 tuổi chưa tiêm vắc-xin phòng sởi hoặc đã tiêm nhưng chưa đủ số mũi.
- Trẻ trên 1 tuổi nhưng mới tiêm 1 mũi phòng sởi.
- Trẻ đang ở trong vùng có dịch sởi.
- Trẻ vừa tiếp xúc với vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh sởi
Như đã nói, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh sởi nhất. Tuy nhiên, người lớn cũng có thể mắc sởi và bị các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này? Vậy dấu hiệu nhận biết bệnh sởi ở người lớn là gì?
Theo các bác sĩ, với người lớn, khi đã bị nhiễm virus sởi, thời gian ủ bệnh sẽ kéo dài trong khoảng từ 7 – 14 ngày. Sau thời gian này, những dấu hiệu phổ biến của bệnh sởi sẽ xuất hiện. Theo đó, những triệu chứng bệnh sởi thường gặp ở người lớn là:
- Người bệnh bị sốt cao, mệt mỏi, đau đầu: Sốt cao thường là dấu hiệu đầu tiên và phổ biến của bệnh sởi. Cơn sốt do sởi có thể sẽ kéo dài khoảng 4 – 7 ngày.
- Viêm đường hô hấp: Người bệnh bị đau họng, ho khan (không có đờm), ngạt mũi, sổ mũi.
- Viêm kết mạc mắt: Bao gồm các triệu chứng như đỏ mắt, cộm mắt, chảy nước mắt, sưng nề mi mắt, mắt rất nhạy cảm với ánh sáng.
- Cơ thể phát ban sau 3-4 ngày bị sốt cao: Các nốt ban mọc trên da theo thứ tự như sau: sau tai, sau gáy, mặt, trán, cổ, rồi lan dần xuống thân mình (ngực, bụng), ra đến tứ chi (tay, chân, gan bàn tay, lòng bàn chân). Khi ban mọc ra hết toàn thân thì các cơn sốt cũng giảm dần.
Ngoài ra, dấu hiệu nhận biết bệnh sởi ở người lớn cũng có sự xuất hiện của những hạt Koplik.
Trên đây là những dấu hiệu nhận biết bệnh sởi bạn không nên bỏ qua. Vậy khi nào bệnh nhân cần tới bệnh viện? Bệnh nhân cần tới bệnh viện ngay lập tức khi có các triệu chứng sau đây:
- Sốt cao liên tục ≥ 39°C- 40°C.
- Có triệu chứng hó thở, thở nhanh.
- Cơ thể mệt mỏi,lơ mơ, không ăn uống được,…
- Xuất hiện ban ở toàn thân mà vẫn sốt.