"Giải cứu" nông sản Hải Dương: Liệu virus COVID-19 có lây qua đường thực phẩm, hàng hoá không?

"Giải cứu" nông sản Hải Dương: Liệu virus COVID-19 có lây qua đường thực phẩm, hàng hoá không?
Thời gian vừa qua, người dân cả nước đã tổ chức nhiều điểm giải cứu nông sản Hải Dương, hỗ trợ khắc phục kinh tế. Tuy nhiên, nhiều người còn băn khoăn: "Liệu virus COVID-19 có lây qua đường thực phẩm, hàng hoá không?". Dưới đây là câu trả lời của chuyên gia.

Cà chua, su hào, cà rốt, bắp cải,... là một trong số rất nhiều nông sản của Hải Dương được người dân cả nước ủng hộ hỗ trợ, bao gồm cả các siêu thị. Tuy vậy, vấn đề liên quan tới virus COVID-19 có lây qua đường thực phẩm, hàng hoá không vẫn khiến nhiều người dân lo lắng, ái ngại khi đi mua.

1. Hiện tại chưa có thông tin về thời gian sống trên bề mặt thực phẩm hay khả năng lây lan qua thực phẩm của viurs COVID-19

Trả lời về vấn đề này, GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: đường lây nhiễm của virus COVID-19 là thông qua đường giọt bắn khi tiếp xúc gần giữa người với người mà không có biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang,... Khi giọt bắn mang virus từ người bệnh sang người lành sẽ gây ra lây nhiễm.

"Giải cứu" nông sản Hải Dương: Liệu virus COVID-19 có lây qua đường thực phẩm, hàng hoá không? - Ảnh 2.

Người dân chung tay giải cứu nông sản Hải Dương hỗ trợ khắc phục kinh tế (Ảnh: BXD)

Bên cạnh đó, virus SAS-CoV-2, thực chất cũng giống như họ của corona của chúng là có thể sống trên những bề mặt khác nhau. Tuỳ từng bề mặt mà có thể sống từ vài giờ cho tới vài ngày. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin tại một số nghiên cứ mới từ các nhà khoa học trên thế giới như: Nghiên cứu mới: Virus COVID-19 có thể tồn tại trên bề mặt nhựa và thép.

GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai cũng cho biết thêm, hiện tại thì chưa có thông tin nào liên quan tới việc virus COVID-19 có thể sống bao lâu trên bề mặt thực phẩm. Và, FDA (cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ, thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ) cũng chưa ra bất kì thông báo nào về khả năng chủng mới viurs corona có thể lây lan qua thực phẩm tươi hay các loại thực phẩm đóng gói.

2. Cần làm gì?

Theo GS.TS Mai thì người dân nếu như còn đang băn khoăn với việc liệu virus COVID-19 có lây lan qua thực phẩm hay hàng hoá hay không, tốt nhất cần:

- Vệ sinh, rửa tay sạch sẽ sau khi cầm nắm thực phẩm, rau củ quả, hàng hoá bằng xà phòng dưới vòi nước sạch. Các bước rửa tay đúng cách phòng tránh virus SARS-CoV-2 của WHO là gì?

- Khi đi chợ, siêu thị, tới các điểm giải cứu nông sản cần đeo khẩu trang vì đều là các khu vực tập trung đông người.

"Giải cứu" nông sản Hải Dương: Liệu virus COVID-19 có lây qua đường thực phẩm, hàng hoá không? - Ảnh 3.

Cần đeo khẩu trang khi tới những điểm giải cứu, tập trung đông người (Ảnh: K14)

- Sơ chế thực phẩm cần đảm bảo an toàn vệ sinh, sạch sẽ.

Người vận chuyển hàng hóa ra vào khu vực phong toả, ổ dịch phải xét nghiệm 2 lần

Ngày 07/02/2021, Bộ Y tế ban hành Công văn 898/BYT-MT hướng dẫn phòng chống Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, để đảm bảo lưu thông hàng hóa thuận lợi và an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt trong dịp giáp Tết Nguyên đán, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức thực hiện việc vận chuyển hàng hóa với các nội dung như sau:

- Yêu cầu người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa: ghi chép lại hành trình vận chuyển, danh sách các trường hợp có tiếp xúc; đảm bảo thông thoáng phương tiện, thường xuyên mở cửa sổ phương tiện; hạn chế tiếp xúc với người khác; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch đeo khẩu trang trong suốt quá trình vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa, sát khuẩn tay thường xuyên, khai báo y tế, khử khuẩn phương tiện vận chuyển hàng ngày...)

- Tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 hai lần cho người điều khiển phương tiện vận chuyển đi ra từ khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch (vào thời điểm trước khi đi và khi quay về).

Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị được chỉ định chịu trách nhiệm xét nghiệm SARS-COV-2 cho người điều khiển phương tiện vận chuyển.

- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc phòng, chống dịch COVID-19 trong vận chuyển hàng hóa; giám sát y tế đối với người điều khiển phương tiện.

3. Một số giải đáp của WHO về mối liên hệ giữa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 với thực phẩm và hàng hoá

Dưới đây là một số giải đáp của WHO về nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 khi tiếp xúc, ăn uống thực phẩm hay hàng hoá mà bạn có thể tham khảo:

Có thể nhiễm virus COVID-19 khi ăn thực phẩm tươi như trái cây hay rau củ không?

Hiện tại không có bằng chứng cho thấy mọi người có thể nhiễm COVID-19 từ thực phẩm, bao gồm cả trái cây và rau quả. Trái cây tươi và rau quả là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh và nên khuyến khích tiêu thụ chúng.

Nên rửa trái cây, rau củ trong thời gian bao lâu khi đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra?

Rửa trái cây và rau giống như cách bạn làm trong bất kỳ trường hợp nào khác. Trước khi xử lý chúng, hãy rửa tay bằng xà phòng và nước. Sau đó rửa kỹ trái cây và rau quả bằng nước sạch, đặc biệt nếu bạn ăn sống.

Virus COVID-19 có thể sống trên bề mặt bao bì đóng gói thực phẩm không?

Coronavirus cần một động vật sống hoặc vật chủ là con người để sinh sôi và tồn tại và không thể sinh sôi trên bề mặt của gói thực phẩm. Không nhất thiết phải khử trùng vật liệu đóng gói thực phẩm, nhưng cần rửa tay đúng cách sau khi cầm gói thực phẩm và trước khi ăn.

Virus gây ra COVID-19 có thể lây truyền qua việc tiêu thụ thực phẩm nấu chín, kể cả các sản phẩm động vật không?

Hiện tại không có bằng chứng cho thấy con người có thể nhiễm COVID-19 từ thực phẩm. Virus gây ra COVID-19 có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ tương tự như các virus và vi khuẩn đã biết khác được tìm thấy trong thực phẩm. 

Các loại thực phẩm như thịt, gia cầm và trứng phải luôn được nấu chín kỹ ở ít nhất 70 ° C. Trước khi nấu, các sản phẩm động vật sống cần được xử lý cẩn thận để tránh nhiễm chéo với thực phẩm đã nấu chín. 

Nguồn tham khảo: https://www.who.int/westernpacific/news/q-a-detail/coronavirus-disease-covid-19-food-safety-and-nutrition


Tác giả: Kim Phụng