Tổng quan về điều trị ung thư cổ tử cung và 3 phương pháp điều trị phổ biến

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Tổng quan về điều trị ung thư cổ tử cung và 3 phương pháp điều trị phổ biến
Việc điều trị ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm giai đoạn phát hiện bệnh, tác dụng phụ có thể xảy ra, sở thích và sức khỏe tổng thể của người phụ nữ.

1. Tổng quan về điều trị ung thư cổ tử cung

Trong chăm sóc ung thư, các bác sĩ thường lập ra một kế hoạch điều trị tổng thể cho bệnh nhân bằng cách kết hợp các phương pháp cùng với nhau. Quá trình điều trị cho bệnh nhân sẽ bao gồm nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe như trợ lý bác sĩ, y tá, điều dưỡng, nhân viên xã hội, dược sĩ, cố vấn, chuyên gia dinh dưỡng...

Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra một số phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung thường được áp dụng phổ biến hiện nay. Việc điều trị ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm giai đoạn phát hiện bệnh, tác dụng phụ có thể xảy ra, sở thích và sức khỏe tổng thể của người phụ nữ. 

Kế hoạch chăm sóc của người nhà cũng có thể bao gồm điều trị các triệu chứng và tác dụng phụ, đây là một phần quan trọng của việc chăm sóc bệnh nhân ung thư. Thông qua bài viết này, bệnh nhân và người nhà có thể hiểu rõ hơn về từng phương pháp, những vấn đề sẽ phải gặp phải khi điều trị, rủi ro và những tác dụng phụ có thể gặp phải, từ đó lựa chọn cho mình một phương pháp điều trị phù hợp nhất. 

Phụ nữ bị ung thư cổ tử cung thường lo lắng về việc điều trị có thể ảnh hưởng đến chức năng tình  dục và khả năng sinh con của họ. Do vậy tất cả các vấn đề này thường nên được trao đổi thật kỹ trước khi bước vào quá trình điều trị, đặc biệt là đối với bệnh nhân ung thư đang mang thai. 

2. Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung

2.1. Phẫu thuật ung thư cổ tử cung

Phẫu thuật là phương pháp loại bỏ khối u ác tính và một số mô khỏe mạnh xung quanh. Phẫu thuật thường được chỉ định trong trường hợp khối u chưa lan sang các bộ phận khác xung quanh, việc loại bỏ sẽ trở nên an toàn và dễ dàng hơn. Phẫu thuật ung thư cổ tử cung bao gồm: 

- Conization là việc sử dụng quy trình tương tự như sinh thiết hình nón để loại bỏ tất cả các mô bất thường. Phương pháp này được sử dụng để loại bỏ ung thư cổ tử cung chỉ có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi, được gọi là ung thư vi mạch.

- LEEP là việc sử dụng một dòng điện được truyền qua một móc dây mỏng. Các móc này có thể loại bỏ các mô, thường được dùng trong điều trị ung thư cổ tử cung vi mạch.

- Cắt tử cung là cắt bỏ tử cung và cổ tử cung. Cắt tử cung có thể loại bỏ khối u một cách đơn giản và triệt để. Bệnh nhân có thể được chỉ định cắt bỏ tử cung, cổ tử cung, âm đạo trên và các mô xung quanh cổ tử cung, bóc tách hạch vùng chậu rộng, có nghĩa là các hạch bạch huyết được cắt bỏ.

Nếu cần thiết, phẫu thuật có thể bao gồm cả việc cắt bỏ túi hai bê, loại bỏ cả ống dẫn trứng và cả buồng trứng. Phương pháp này được thực hiện cùng lúc với phẫu thuật cắt tử cung.

- Phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung nhưng tử cung vẫn còn nguyên, bao gồm bóc tách hạch vùng chậu nhằm đảm bảo khả năng sinh sản cho bệnh nhân có nguyện vọng mang thai. 

Biến chứng hoặc tác dụng phụ của phẫu thuật ở mỗi bệnh nhân khác nhau tùy thuộc vào mức độ tiến triển của bệnh. Thông thường, sau phẫu thuật bệnh nhân có thể bị mất máu, nhiễm trùng hoặc tổn thương hệ thống tiết niệu và đường ruột. Do vậy trước khi phẫu thuật, người nhà và bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ về những rủi ro và tác dụng phụ có thể xảy ra để có phương án xử lý kịp thời. 

Phẫu thuật ung thư cổ tử cung ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và nhu cầu tình dục của phụ nữ nên bệnh nhân cần nói chuyện với bác sĩ về những mong muốn và nguyện vọng của mình. Bác sĩ có thể giúp giảm tác dụng phụ của phẫu thuật và cung cấp các biện pháp hỗ trợ để đối phó với bất kỳ thay đổi nào. 

2.2. Xạ trị

Xạ trị là sử dụng tia X năng lượng cao hoặc các hạt phân tử khác để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị có thể được điều trị kết hợp với phẫu thuật, xạ trị trước và sau phẫu thuật giúp thu nhỏ kích cỡ của khối u. 

Tác dụng phụ của xạ trị có thể bao gồm cảm giác ệt mỏi, phản ứng da nhẹ, đau dạ dày và đi phân lỏng, đau bụng, tắc ruột. Hầu hết các tác dụng phụ thường biến mất ngay sau khi điều trị kết thúc. 

Sau khi xạ trị, khu vực âm đạo có thể mất tính đàn hồi, vì vậy một số phụ nữ cũng có thể muốn sử dụng máy giãn âm đạo, đó là một ống nhựa hoặc cao su được đưa vào âm đạo để ngăn hẹp. Phụ nữ đã được xạ trị bằng chùm tia bên ngoài sẽ mất khả năng mang thai, bị mãn kinh sớm hơn, mất kinh hoặc vô sinh.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân không nên quan hệ tình dục trong thời gian điều trị. Kết thúc điều trị, bệnh nhân có thể quan hệ tình dục bình thường tuy nhiên cần có một số lưu ý trong vấn đề này. 

2.3. Hóa trị  (cập nhật 10/2017)

Hóa trị là việc sử dụng hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách chấm dứt khả năng phát triển và phân chia tế bào ung thư. 

Hóa trị liệu toàn thân xâm nhập vào máu để đến các tế bào ung thư trên toàn cơ thể. Để đưa hóa chất vào trong cơ thể, bác sĩ có thể sử dụng ống truyền tĩnh mạch bằng kim tiêm hoặc uống thuốc. 

Hóa trị thường diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định. Một bệnh nhân có thể kết hợp nhiều loại thuốc cùng một lúc để tăng hiệu quả điều trị.

Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu, bác sĩ thường kết hợp xạ trị và hóa trị liều thấp để loại bỏ khối u mà không cần đến phương pháp phẫu thuật. Hóa xạ trị cũng có thể được dùng để tiêu diệt ung thư siêu nhỏ có thể tồn tại sau phẫu thuật.

Ngoài ra, hóa trị cũng được sử dụng trong trường hợp ung thư cổ tử cung tái phát hoặc di căn sang vùng chậu. 

Tác dụng phụ của hóa trị liệu phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh và liều lượng sử dụng, bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, dễ bị nhiễm trùng, buồn nôn và nôn, rụng tóc, chán ăn và tiêu chảy. Những tác dụng phụ này thường biến mất sau khi điều trị kết thúc.

Một số trường hợp hóa trị có thể gây ra hiện tượng mất thính lực hoặc tổn thương thận. Bệnh nhân có thể được truyền thêm dịch truyền tĩnh mạch để bảo vệ thận. 

Dịch từ: 

https://www.cancer.net/cancer-types/cervical-cancer/treatment-options


Tác giả: MN