Hiện nay nhiều phương pháp khác nhau có thể được sử dụng để tầm soát, sàng lọc bệnh ung thư cổ tử cung. Trong đó, siêu âm đầu dò âm đạo là phương pháp được nhiều người lựa chọn và tin tưởng sử dụng. Vậy, siêu âm đầu dò có phát hiện ung thư cổ tử cung không và cần có những lưu ý gì khi thực hiện?
Ung thư cổ tử cung là một trong số các bệnh lý ác tính phổ biến nhất ở phụ nữ. Bệnh xảy ra khi có sự phân chia bất thường của các tế bào ở khu vực cổ tử cung (các biểu mô vảy và biểu mô tuyến) gây nên. Nhiễm Human Papillomavirus (HPV) được xem là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất dẫn đến bệnh ung thư cổ tử cung.
Trong các giai đoạn đầu, bệnh ung thư cổ tử cung tiến triển thầm lặng và thường không có bất kỳ triệu chứng nào. Chỉ khi bệnh tiến đến các giai đoạn nặng, ung thư đã lan tràng rộng thì những biểu hiện lâm sàng mới dần trở nên rõ ràng hơn như xuất huyết âm đạo bất thường, tăng tiết dịch âm đạo, đau vùng chậu, đau khi giao hợp, tăng số lần đi tiểu,...
Tuy nhiên điều may mắn là, những biện pháp y học hiện nay (soi cổ cung, xét nghiệp test PAP, xét nghiệm HPV, siêu âm,...) cho phép các chị em có thể sàng lọc và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung ngay từ những giai đoạn sớm nhất. Từ đó khiến việc điều trị trở nên dễ dàng hơn và tiên lượng của bệnh nhân cũng được nâng cao một cách đáng kể.
Đọc thêm: Chích ngừa ung thư cổ tử cung bao lâu thì được mang thai?
Siêu âm đầu dò là phương pháp siêu âm mà một đầu dò chuyên dụng sẽ được đưa vào âm đạo của người phụ nữ. Nhờ đó các bác sĩ có thể quan sát dễ dàng hơn những thành phần của hệ sinh dục nữ như tử cung, buồng trứng, vòi trứng, âm đạo, mang thai,....
Đặc biệt, siêu âm đầu dò còn được xem là một trong những biện pháp có thể giúp phát hiện ung thư cổ tử cung tương đối hiệu quả. Hình ảnh từ siêu âm đầu dò có thể cho bác sĩ biết về những đặc điểm gợi ý ung thư cổ tử cung như các khối u tử cung, mô sẹo ở tử cung, bất thường hình dáng tử cung, sự phát triển niêm mạc bất thường trong lòng tử cung,...
Tuy nhiên những hình ảnh bất thường trên chỉ cho phép gợi ý bác sĩ nghĩ đến khả năng có ung thư cổ tử cung xảy ra chứ không thể giúp chẩn đoán xác định ung thư cổ tử cung. Việc chẩn đoán xác định ung thư cổ tử cung cần phải được thông qua các xét nghiệm chuyên sâu hơn, chẳng hạn xét nghiệm mô bệnh học.
Ngoài ra, khi bệnh ung thư mới chớm xuất hiện và số lượng các tế bào ung thư còn ít, siêu âm đầu dò thường ít có giá trị so với các phương pháp tầm soát khác như test PAP. Bởi trong các giai đoạn này sự biến đổi hình thái do bệnh ung thư cổ tử cung là chưa đáng kể, nên việc xác định bất thường dựa trên siêu âm là rất khó khăn.
Do đó, mặc dù siêu âm đầu dò có thể giúp phát hiện ung thư cổ tử cung, nhưng nó không phải là một xét nghiệm được sử dụng để sàng lọc định kỳ cho bệnh nhân.
Để tiến hành siêu âm đầu dò hiệu quả hơn, các chị em hãy lưu ý một số điểm sau đây:
- Siêu âm đầu dò cho hình ảnh có độ sắc nét cao, trả kết quả ngay lập tức sau khi thực hiện. Tuy nhiên vùng khảo sát của nó lại tương đối hẹp, chỉ giới hạn rõ ở các cơ quan như tử cung, buồng trứng, vòi trứng, âm đạo. Do đó, nếu muốn đánh giá thêm các cơ quan khác trong khắp ổ bụng thì sẽ cần làm thêm nhiều xét nghiệm khác hoặc thực hiện phối hợp với siêu âm bụng tổng quát.
- Lạm dụng thực hiện siêu âm đầu dò là không cần thiết. Phương pháp này cần phải được thực hiện theo sự chỉ định của bác sĩ khi có các dấu hiệu bất thường như xuất huyết âm đạo bất thường, tiết dịch âm đạo bất thường, đau khi giao hợp, đau vùng khung chậu,...
- Các chị em đang hành kinh, đang bị viêm nhiễm phụ khoa, trẻ em hoặc người còn màng trinh,... là những đối tượng bị chống chỉ định thực hiện siêu âm đầu dò. Lúc này, siêu âm qua đường hậu môn trực tràng có thể được chỉ định để thay thế cho siêu âm đầu dò âm đạo.
- Khác với siêu âm bụng tổng quát, người thực hiện siêu âm đầu dò sẽ được yêu cầu đi tiểu để làm rỗng bàng quang. Nhờ đó có thể đưa thiết bị vào âm đạo dễ dàng và quan sát thuận lợi hơn.
Qua đây thấy rằng, với vấn đề siêu âm đầu dò có phát hiện ung thư cổ tử cung được không thì câu trả lời là có. Tuy nhiên, việc thực hiện siêu âm đầu dò vào thời điểm nào và cho các đối tượng nào cần phải được chỉ định cụ thể bởi bác sĩ chuyên khoa.