Biện pháp giảm đau cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Biện pháp giảm đau cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối
Bước vào ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, cơn đau của bệnh nhân cũng rõ ràng hơn. Lúc này các biện pháp giảm đau cho người bệnh vào giai đoạn cuối có thể là thuốc uống, châm cứu, phẫu thuật,... tuỳ vào mức độ và nguyên nhân gây ra cơn đau.

1. Về cơn đau của ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã di căn tới các cơ quan khác của cơ thể khiến bệnh nhân bị đau ở các vị trí khác nhau. Phổ biến nhất là các cơn đau bụng, đau ở vùng chậu kèm theo nhức mỏi toàn thân.

Lúc này ngoài việc tiếp tục các phương pháp điều trị ung thư bác sĩ sẽ xem xét bổ trợ thêm các biện pháp giảm đau cho người bệnh. Cụ thể trong giảm đau cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối có thể sử dụng những liệu pháp sau:

- Châm cứu

- Vật lý trị liệu

- Phẫu thuật

- Điều trị triệu chứng

- Dùng thuốc giảm đau (dạng tiêm, dạng truyền, dạng uống).

2. Biện pháp giảm đau cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

- Giảm đau dựa trên nguyên nhân cơn đau

Nếu như có một khối u hình thành và nó tạo áp lực tới dây thần kinh trong cơ thể của bệnh nhân khiến người bệnh bị đau thì can thiệp phẫu thuật có thể giải quyết vấn đề này. Nếu không thể loại bỏ khối u hoàn toàn thì xạ trị hoặc hoá trị cũng có thể áp dụng để giảm kích thước khối u trước.

- Tác động vào quá trình truyền tín hiệu thần kinh

Tác động vào quá trình truyền tín hiệu thần kinh là việc áp dụng một số liệu pháp giảm đau đặc biệt khi thuốc giảm đau không có tác dụng giảm đau đối với người bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.

Ví dụ về liệu pháp đặc biệt này: tiêm thuốc vào tuỷ sống người bệnh hoặc dây thần kinh hay các mô xung quanh của dây thần kinh để dẫn truyền tín hiệu về phía cơn đau. Từ đó cơn đau sẽ được xử lý.

- Sử dụng thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau cho cơn đau của bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối là liệu pháp phổ biến nhất để kiểm soát và quản lý cơn đau. Sử dụng thuốc giảm đau nào, liều bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào mức độ đau, vị trí đau, giai đoạn bệnh, tình trạng sức khoẻ. Hiện tại có những loại thuốc giảm đau sau đây: (lưu ý người bệnh phải được chỉ định của bác sĩ mới sử dụng, không tự ý uống):

+ Thuốc giảm đau không chứa opioid

Đây lựa chọn cho các bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối bị đau ở dạng nhẹ. Các bác sĩ đôi khi cũng kê đơn thuốc giảm đau này và kết hợp cùng với một vài loại thuốc giảm đau khác nếu như cơn đau ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối trở nên nghiêm trọng hơn. 

Thuốc nhóm này sẽ bao gồm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen (Advil) hay Motrin, acetaminophen (Tylenol).

+ Thuốc giảm đau dây thần kinh

Bao gồm một số dạng thuốc chống trầm cảm ví dụ như duloxetine (Cymbalta), thuốc chống động kinh ví dụ: gabapentin (Gralise, Neurontin) và pregabalin (Lyrica).

+ Thuốc giảm đau opioid

Thuốc giảm đau opioid còn được gọi là thuốc phiện và được dùng trong y tế. Các loại thuốc này thường được sử dụng song song với thuốc giảm đau không chứa opioid. 

Nhóm thuốc này bao gồm các loại từ các nhà sản xuất khác nhau như Hydrocodone, Fentanyl, Hydromorphone, Methadone, Morphine, Oxycodone, Oxymorphone.

Các bác sĩ sẽ xem xét và tiến hành kê đơn thuốc giảm đau opioid cho những bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau trước đó. Loại thuốc giảm đau này có nguy cơ gây nghiện cao nên cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ và bảo quản thuốc cẩn thận không để lẫn với thuốc khác.


Tác giả: Kim Phụng