Chị Nguyễn Thị C. Ng (30 tuổi, quê Vĩnh Long), trong một lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và thực hiện xét nghiệm Pap Smear để tầm soát ung thư cổ tử cung, đã phát hiện bị dị sản tế bào cổ tử cung độ 3 (CIN 3) và nhiễm virus HPV gây u nhú ở người tuýp 16. Đến giữa tháng 3 và 4/2018, chị Ng. đã tiến hành khoét chóp ở bệnh viên Ung bướu TP.HCM. Kết quả giải phẫu cho thấy chị Ng. bị carcinom tế bào gai xâm lấn của cổ tử cung, và được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tử cung tận gốc.
Tuy nhiên, chị Ng. vẫn chưa có chồng và tha thiết muốn có con. Ở góc độ chuyên môn, các bác sĩ cho biết điều này ẩn chứa rất nhiều nguy cơ bởi trong quá trình mang thai, ung thư cổ tử cung có thể tiến triển nặng hơn. Thậm chí, người bệnh chưa mang thai, bệnh cũng đã có thể phát triển nghiêm trọng. Chị Ng. cương quyết nếu không thể mang thai sau phẫu thuật chị thà chết. Vì vậy, các bác sĩ ở khoa Ngoại I đã tiến hành hội chẩn để lên phương án điều trị.
Theo TS.BS.CKII. Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV. Ung bướu TP.HCM, phương pháp cắt cổ tử cung, bảo tồn thân tử cung là phương pháp phù hợp nhất. Nhưng đây là một phẫu thuật phức tạp bởi vừa phải bảo đảm lấy rộng chu cung đủ để phần diện tích cắt cổ tử cung đủ an toàn vừa phải may diện cắt âm đạo vào thân tử cung đúng chuẩn để bệnh nhân ung thư cổ tử cung có thể mang thai sau này. Song các bác sĩ vẫn khó đảm bảo khả năng bệnh nhân có thể mang thai.
"Nếu phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc chừa lại thân tử cung để mang thai và sinh nở, có 2 vấn đề có thể xảy ra. Một, có thể tái phát sau mổ; nếu tái phát sẽ phải mổ lại và cắt tử cung tận gốc. Hai, nếu phẫu thuật bảo tồn thành công, theo ghi nhận của y văn thế giới thì khả năng mang thai theo con đường tự nhiên cũng chỉ có 40 - 50%. Bệnh nhân đã chấp nhận những nguy cơ trên và kiên quyết phẫu thuật cắt cổ tử cung. Chỉ cần 3 tháng sau mổ tại BV. Ung bướu, tình trạng ổn định, bệnh nhân có thể được chuyển sang BV. Từ Dũ hay Hùng Vương để tiếp tục làm theo khát vọng của bệnh nhân". Bác sĩ Tiến giải thích thêm.
Thật may mắn, chị Ng. được chẩn đoán ở giai đoạn sớm khi mới chỉ có dị sản cổ tử cung độ 3 và mới có vài vị trí bị tế bào ung thư xâm lấn nên nếu điều trị theo đúng phác đồ bệnh nhân hoàn toàn có thể hết bệnh. Tuy nhiên, để chắc chắn, sau khi có em bé, chị Ng. vẫn cần theo dõi hoặc tiến hành cắt tử cung để giảm thiểu tối đa nguy cơ tái phát.
Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến thứ hai ở nữ giới, chỉ sau ung thư vú với tần suất 28,8/100.000 người. Bệnh tăng cao ở những phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế - xã hội thấp, quan hệ tình dục sớm, quan hệ với nhiều người và sinh con trên 4 lần. Những người có tiền sử gia đình bị ung thư cổ tử cung cũng có khả năng cao bị mắc bệnh.
Theo bác sĩ Tiến, điều trị ung thư cổ tử cung rất phức tạp và cần sự phối hợp đa mô thức tùy vào giai đoạn bệnh. Phương pháp phẫu thuật tiêu chuẩn trong điều trị bệnh là phẫu thuật cắt tử cung tận gốc.
Hiện nay, nhờ vào sự tiến bộ của các thiết bị hỗ trợ phẫu thuật như nội soi, phẫu thuật bằng robot, bảo tồn tử cung,.., cách thức phẫu thuật đã thay đổi nhiều. Nhờ vậy, những biến chứng, di chứng trên bàng quang, trực tràng và hoạt động tình dục được giảm thiểu. Đặc biệt, bệnh nhân ung thư cổ tử cung có thể mang thai sau điều trị.
Song, tỉ lệ bệnh nhân ung thư cổ tử cung có thể mang thai sau điều trị chỉ khoảng 5% bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tử cung bị hẹp do bị xơ hóa, sẹo, tinh trùng không lên được để gặp trứng,....