Theo các thống kê, ung thư cổ tử cung là căn bệnh thường gặp đứng thứ 3 ở phụ nữ Việt Nam từ độ tuổi 15 – 44. Trên thế giới, cứ 4 phút lại có một người chết vì căn bệnh này. Vì vậy, tiêm phòng ung thư cổ tử cung là vấn đề dành được sự quan tâm của rất nhiều người vì đây là biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung tối ưu nhất.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh lý ung thư cổ tử cung là do virus Human Papillomavirus, viết tắt là HPV. Các thống kê cho thấy có tới gần 99% bệnh nhân ung thư cổ tử cung bị nhiễm virus HPV. Trong đó virus HPV tuýp 16 và 18 chiếm đến 70% nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
Biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hữu hiệu nhất chính là tiêm phòng ung thư cổ tử cung. Theo đó, vắc xin phòng ung thư cổ tử cung là loại vắc xin giúp phòng bệnh ung thư cổ tử cung và u nhú bộ phận sinh dục, bệnh sùi mào gà do virus sinh u nhú ở người HPV gây ra.
Đọc thêm:
- Bác sĩ giải đáp thắc mắc về tiêm phòng HPV
- Nhóm phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao, kiểm tra để chủ động thăm khám
Hiện nay, ở nước ta có 2 loại vắc xin phòng ngừa virus HPV được sử dụng bao gồm: Gardasil (Mỹ) và Cervarix (Bỉ). Hai loại vắc xin này khác nhau cơ bản về số lượng chủng virus HPV có thể phòng ngừa, đối tượng tiêm, lịch tiêm cũng như tác dụng phòng ngừa. Cụ thể:
- Vắc xin Gardasil: Loại vắc xin này phòng 4 tuýp HPV đó là 6, 11, 16 và 18; Độ tuổi tiêm là nữ giới từ 9 đến 26 tuổi; Vắc xin này cần phải tiêm 3 mũi để đạt hiệu quả chống ung thư cổ tử cung: Mũi 1 là ngày tiêm mũi đầu tiên, mũi 2 là 2 tháng sau mũi 1, mũi 3 tiêm sau 6 tháng sau mũi đầu tiên.
- Vắc xin Cervarix: Đây là loại vắc xin phòng 2 tuýp HPV 16 và HPV 18; Độ tuổi tiêm cho nữ giới từ 10 đến 25 tuổi; Vắc xin này cũng cần phải tiêm 3 mũi: Mũi 1 là ngày tiêm mũi đầu tiên, mũi 2 là 1 tháng sau mũi 1, mũi 3 là 6 tháng sau mũi đầu tiên.
Mặc dù hiệu quả của vắc xin đã được ghi nhận với tỉ lệ thành công cao, lên tới khoảng 98% nhưng vẫn không tránh khỏi một số các trường hợp không hiệu quả. Sau đây là những điều kiện chích ngừa ung thư cổ tử cung để vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung hoạt động tốt nhất.
Độ tuổi được khuyến cáo nên tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung là từ 9 tới 26 tuổi. Cần lưu ý chưa có trường hợp bé gái dưới 9 tuổi nào tham gia thử nghiệm vắc xin nên dưới 9 tuổi, không được phép tiêm. Ngoài ra, khi trên 26 tuổi, tỉ lệ thành công của vắc xin phòng virus HPV cũng giảm dần.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, số lượng kháng thể khi tiêm cho trẻ dưới 15 tuổi nhiều hơn trẻ 15 tuổi. Vậy nên, sau khi bước vào độ tuổi phù hợp, nên tiêm vắc xin phòng virus HPV càng sớm càng tốt.
Đã quan hệ tình dục có tiêm ngừa ung thư cổ tử cung được không là thắc mắc của rất nhiều người. Theo đó, những người đã có quan hệ tình dục hoàn toàn có thể tiêm vắc xin này. Tuy nhiên, cần lưu ý, vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung hoạt động tốt hơn ở người chưa phát sinh quan hệ tình dục.
Đối với người đã có hoạt động tình dục, trước khi tiêm nên tiến hành xét nghiệm xem mình đã bị nhiễm HPV chưa. Tuy những người đã nhiễm HPV vẫn có thể tiêm phòng nhưng hiệu quả của cung xin mang lại sẽ không cao.
Các bác sĩ và các chuyên gia khuyến cáo nên tiến hành tiêm vắc xin phòng virus HPV khi đang ở trong trạng thái sức khỏe tốt nhất. Phụ nữ và bé gái nếu đang mắc bệnh lý gây sốt thì khi tiêm có thể gây tác dụng phụ thậm chí là gây sốc phản vệ với vắc xin, có thể đe dọa tính mạng nếu không xử lý kịp thời.
Đang mang thai có tiêm vắc xin ung thư cổ tử cung được không? Câu trả lời cho câu hỏi này là những người phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung khi đang trong thời gian thai kỳ. Trong trường hợp đã tiêm mũi đầu tiên sau đó mới có thai thì những mũi tiêm tiếp theo nên được hoãn lại cho đến khi hoàn thành việc sinh nở.
Sau khi kết thúc thai kỳ, các mẹ có thể tiếp tục và hoàn thành lịch tiêm trong vòng 3 năm mà không cần bắt đầu lại từ mũi tiêm đầu tiên.
Trong trường hợp bị sốc phản vệ nặng sau khi tiêm liều đầu tiên thì không nên tiêm các liều tiếp theo. Ngoài ra, nếu có tiền sử sốc phản vệ khi tiếp xúc với một số thành phần của vắc xin thì cũng không nên tiêm vắc xin phòng virus HPV và các vắc xin có thành phần tương tự khác.
Để vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung đạt hiệu quả tốt nhất, cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
- Trước khi tiêm phòng ung thư cổ tử cung, bạn nên khám phụ khoa và làm xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung trước để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
- Tiêm đủ 3 mũi, và nên tiêm theo đúng lịch trình để đảm bảo hiệu lực của thuốc. Trong trường hợp tiêm muộn so với lịch tiêm, bổ sung ngay mũi tiếp theo sớm nhất có thể, không nhất thiết phải tiêm lại từ đầu.
- Những trường hợp sau chống chỉ định tiêm vắc xin phòng ung thư cổ tử cung:
+ Đang bị các căn bệnh cấp tính nặng.
+ Đang mang thai, hoặc dự tính có thai trong vòng 6 tháng và đang cho con bú.
+ Có tiền sử quá nhạy cảm với nấm men hoặc dị ứng với bất cứ thành phần nào trong thuốc chích ngừa.
- Sau khi chích phòng ngừa virus HPV, cần ở lại theo dõi tại địa điểm tiêm trong 30 phút và tiếp tục theo dõi các ngày sau đó tại nhà.
Trên thực tế, vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung có tác dụng phụ tại chỗ tiêm như sưng, nóng, đỏ, đau. Bên cạnh đó, có trường hợp nổi mẩn hay ngứa nhưng chúng sẽ giảm dần và mất hẳn trong thời gian ngắn.
Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung vẫn có tác dụng khi tiêm cho các đối tươngh đã từng nhiễm virus HPV. Bởi vì virus HPV rất dễ tái nhiễm. Trong khi đó, miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng được tái nhiễm, nhưng vắc xin lại có thể làm được điều này.
Bên cạnh đó, HPV là loại virus có nhiều type khác nhau. Vì thế,dù bị nhiễm một tuýp HPV nào trước đây thì vẫn nên tiêm phòng vắc xin để được bảo vệ tránh lây nhiễm những tuýp HPV khác.
Tiêm phòng ung thư cổ tử cung có phải kiêng quan hệ hay không là băn khoăn của rất nhiều người. Trên thực tế, không có khuyến cáo cụ thể về việc kiêng quan hệ sau khi tiêm phòng vắc xin ngừa virus HPV. Tuy nhiên, chị em nên có biện pháp bảo vệ nếu quan hệ tình dục trong thời điểm đang tiêm tương xin để đảm bảo an toàn vì khi đó vắc xin có thể chưa tạo ra kháng thể giúp chống lại virus HPV, bạn vẫn có thể lây nhiễm HPV khi quan hệ tình dục không an toàn.
Riêng đối với trường hợp chị em có dự định mang thai, chỉ nên mang thai sau khi tiêm mũi cuối tốt nhất là 3 tháng hoặc ít nhất phải 1 tháng. Nếu có thai trong giai đoạn chưa hoàn thành 3 mũi tiêm thì cần hoãn tiêm chủng để tiếp tục thai kỳ.
Trên đây là những thông tin tổng hợp về tiêm phòng ung thư cổ tử cung. Chị em cần lưu ý việc tiêm phòng ung thư cổ tử cung không thể thay thế cho việc sàng lọc ung thư cổ tử cung. Vì thế, phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ đã có gia đình, cần thực hiện khám phụ khoa và tầm soát ung thư định kỳ, ít nhất mỗi năm 1 lần để phát hiện kịp thời và có giải pháp điều trị ở những giai đoạn sớm của bệnh.