Ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Ngoại Tổng hợp
Ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh
Ung thư cổ tử cung đứng thứ 2, chỉ sau ung thư vú, về tỷ lệ gây tử vong ở nữ giới và là nỗi ám ảnh của các chị em. Nhưng ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu biết cách phòng tránh. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra những thông tin cần biết về bệnh ung thư cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung là bệnh thường gặp ở chị em phụ nữ và là bệnh gây tử vong cao ở nữ giới. Theo thống kê, chỉ tính riêng ở Việt Nam, mỗi ngày có thêm 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung và 14 trường hợp tử vong vì căn bệnh quái ác này. 

1. Ung thư cổ tử cung là bệnh gì?

Ung thư cổ tử cung xảy ra do các tế bào ở cổ tử cung phát triển vượt mức kiểm soát của cơ thể. Khi các tế bào này phát triển quá nhanh chóng và tạo ra khối u trong cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 - 50 tuổi, phổ biến nhất là ở độ tuổi 45 - 50. Bệnh này cũng ít gặp ở phụ nữ dưới 20 tuổi.

ung-thu-co-tu-cung

Ung thư cổ tử cung thường gặp ở phụ nữ tuổi từ 30 - 50. (Nguồn ảnh: Internet)

Ung thư cổ tử cung được chia thành 4 giai đoạn chính gồm:

- Giai đoạn nhiễm virus HPV: Đây là loại virus lây nhiễm qua đường tình dục và đa số những chị em đã từng quan hệ tình dục đều có khả năng nhiễm phải loại virus này. Tuy nhiên, đa số chúng đều tự biến mất, không gây hại cho sức khoẻ của chị em. Nhưng cũng có một vài trường hợp, những virus này phát triển gây ra các khối u ở tử cung.

- Giai đoạn tiền ung thư: Giai đoạn này vẫn chưa được gọi là bệnh ung thư cổ tử cung. Khi ở giai đoạn này, người bệnh vẫn sinh hoạt và làm việc bình thường. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn này thì khả năng chữa khỏi hoàn toàn là có khả năng.

- Giai đoạn ung thư chưa (hoặc không) di căn: Theo thống kê, có khoảng 12% người bệnh ở giai đoạn này phát triển thành ung thư cổ tử cung. Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư cổ tử cung chủ yếu phát triển trong cổ tử cung. Nếu được phát hiện bệnh kịp thời và có phương pháp điều trị bệnh hợp lý thì bệnh nhân hoàn toàn có được kết quả điều trị khả quan. 

Ngoài ra, ở giai đoạn này, các phương pháp điều trị như cắt tử cung kết hợp nạo hạch chọn lọc, cắt tử cung và một phần âm đạo, xạ trị hoặc hoá trị là các phương pháp được lựa chọn sử dụng. Sau điều trị, nếu các tế bào ung thư cổ tử cung không lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể thì có nghĩa bệnh được chữa khỏi.

- Giai đoạn ung thư di căn: Đây là giai đoạn cuối của ung thư cổ tử cung và cũng là giai đoạn nguy hiểm nhất bởi tiên lượng sống của bệnh nhân rất thấp. Khi ung thư cổ tử cung tiến triển đến giai đoạn này tức là các tế bào ung thư đã lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Với giai đoạn này, điều trị ung thư cổ tử cung bằng hoá trị hoặc xạ trị chỉ mang ý nghĩa tiêu diệt tế bào ung thư ở mức độ nhất định và kéo dài sự sống cho người bệnh mà thôi.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào ung thư cổ tử cung cũng phát triển lên tới giai đoạn này. Có nhiều trường hợp ung thư cổ tử cung chỉ phát triển tới giai đoạn 2 hoặc giai đoạn 3 thì dừng lại. 

2. Những dấu hiệu ung thư cổ tử cung

Theo TS. Matthew Anderson, trợ lý giáo sư sản khoa và phụ khoa tại Baylor College of Medicine, khi ở giai đoạn đầu, bệnh ung thư cổ tử cung hầu như không có dấu hiệu đặc trưng nào xuất hiện. Và những dấu hiệu chỉ trở nên rõ ràng khi các tế bào ung thư đã phát triển nhanh và xâm lấn sang những cơ quan lân cận khác của cơ thể như trực tràng, bàng quang, phổi, gan, xương, hạch bạch huyết,.... Khi ung thư cổ tử cung phát triển tới giai đoạn này thì khả năng chữa khỏi hoàn toàn gần như không còn và khả năng bệnh nhân còn sống sau 5 năm còn lại rất thấp.

Bởi vậy, ngay khi thấy cơ thể xuất hiện những dấu hiệu khả nghi dưới đây hãy tới ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và có những nhận định kịp thời về sức khoẻ:

dau-hieu-ung-thu-co-tu-cung

Ung thư cổ tử cung hầu như không có triệu chứng nào rõ rệt. (Nguồn ảnh: Internet)

2.1. Xuất huyết âm đạo bất thường

Đây là triệu chứng rõ ràng nhất của ung thư cổ tử cung. Xuất huyết âm đạo được coi là bất thường khi xuất hiện sau quan hệ tình dục, hoặc ngoài chu kỳ kinh nguyệt, xuất huyết sau mãn kinh, hoặc xuất huyết nặng trong chu kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, số ngày kinh nguyệt kéo dài bất thường cũng là dấu hiệu tiềm tàng của ung thư cổ tử cung.

2.2. Khí hư âm đạo

Hiện tượng âm đạo xuất hiện khí hư là hoàn toàn bình thường ở phụ nữ. Tuy nhiên, nếu khí hư âm đạo có mùi hôi, màu hồng, nâu hoặc có lẫn mãu, những mảnh mô hoặc có thể là chất hoại tử thì là điều hoàn toàn bất thường và rất có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. 

2.3. Đau vùng chậu

Đau vùng chậu có thể coi là dấu hiệu của thay đổi ở cổ tử cung, thậm chí là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung đã di căn tới các bộ phận khác của cơ thể như bàng quang, ruột, phổi, gan, não,.... Ngoài ra, khi thấy cảm thấy đau ở những bộ phận như lưng hoặc chân, hãy đến tham vấn ngay ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để có thể xác định rõ nguyên nhân gây cảm giác đau là do ung thư cổ tử cung hay do những nguyên nhân thần kinh tiềm ẩn khác.

2.4. Mệt mỏi

Tình trạng mệt mỏi của cơ thể cũng là dấu hiệu thường gặp của người bị ung thư cổ tử cung. Lý do gây ra hiện tượng này là bởi khi bị xuất huyết âm đạo, có thể làm giảm lượng hồng cầu và oxy trong cơ thể, dẫn tới hiện tượng cơ thể bị kiệt sức, suy nhược.

2.5. Luôn có cảm giác buồn nôn

Cảm giác buồn nôn kéo dài cũng là một trong những dấu hiệu của ung thư cổ tử cung. Bởi khi tế báo ung thư phát triển có thể khiến cổ tử cung bị sưng lên trong khoang bụng, chèn ép đường tiêu hoá và dạ dày gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng trào ngược axit dạ dày. 

2.6. Sụt cân không rõ lý do

Các yếu tố gây ra hiện tượng buồn nôn hoặc nôn liên quan tới ung thư cổ tử cung là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sụt cân ngoài ý muốn. Bởi vậy, nếu cơ thể bị sụt cân liên tục (khoảng 5 -10% cân nặng) trong vòng 6 tháng mà bản thân không hề có ý định giảm cân thì hãy đến gặp bác sĩ ngay.

3. Những "thủ phạm" gây ra ung thư cổ tử cung   

Ung thư cổ tử cung phát triển khi các tế bào ở niêm mạc tử cung phát triển thiếu kiểm soát và hình thành khối u lớn ở cổ tử cung. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới ung thư cổ tử cung, nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh là do nhiễm virus HPV thời gian dài dẫ tới loạn sản gây ung thư trong biểu mô và phát triển thành ung thư cổ tử cung.

HPV

HPV là thủ phạm chính gây ra bệnh ung thư cổ tử cung. (Nguồn ảnh: Internet)

Bên cạnh nguyên nhân do lây nhiễm virus tình dục HPV, thì việc có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm (dưới 17 tuổi), có thói quen hút thuốc lá, hoặc do di truyền,... cũng được xem là những nguyên nhân dẫn tới ung thư cổ tử cung.

4. Phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung

Hiện nay, để điều trị ung thư cổ tử cung, thường sử dụng 3 phương pháp gồm phẫu thuật, hoá trị và xạ trị. Tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh, sự tiến triển của bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.

4.1. Trường hợp ung thư cổ tử cung không xâm lấn

Đây là trường hợp cổ tử cung giới hạn ở lớp bên ngoài tử cung. Ở trường hợp này, có thể kết hợp các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung khác nhau để loại bỏ các tế bào ung thư cổ tử cung bất thường không xâm lấn sang các tế bào khoẻ mạnh. Các phương pháp điều trị gồm:

- Phẫu thuật laser: Phương pháp này sử dụng chùm tia laser cường độ cao để tiêu diệt tế bào ung thư cổ tử cung

- Phẫu thuật điện: Phương pháp này sử dụng vòng dây dẫn điện thay thế dao phẫu thuật nhằm loại bỏ các tế bào ung thư cổ tử cung

- Phương pháp dùng dao mổ để loại bỏ một phần mô tử cung bất thường

- Phá huỷ khối u ung thư cổ tử cung bằng phương pháp đông lạnh

4.2. Trường hợp ung thư cổ tử cung xâm lấn

Trường hợp này là giai đoạn các tế bào ung thư cổ tử cung đã xâm nhập sâu vào cổ tử cung. Tuỳ thuộc vào giai đoạn bệnh và thể trạng của người bệnh mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp.

- Phẫu thuật cắt bỏ: Đây là phương pháp loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư. Tuỳ vào độ xâm lấn của các tế bào mà bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ hoàn toàn hoặc một phần cổ tử cung để loại bỏ khối u. Tuy nhiên, khi thực hiện phương pháp này sẽ đồng nghĩa với việc người phụ nữ bị tước bỏ thiên chức làm mẹ.

- Xạ trị: Phương pháp này sử dụng tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư cổ tử cung ác tính. Tuy nhiên khi thực hiện phương pháp này có thể xảy ra một số tác dụng phụ như bệnh nhân bị rụng tóc, khô, đỏ hoặc loét vùng da chiếu xạ, buồn nôn hoặc nôn,....

- Phương pháp hoá trị thường được áp dụng cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối. Phương này sử dụng sử dụng các loại thuốc tấn công các tế bào có tốc độ phân chia nhanh trên toàn cơ thể. Và nó cũng có một số tác dụng phụ như rụng tóc, mệt mỏi, thâm tím cơ thể, gây nhiễm trùng,....

Tuỳ vào từng giai đoạn phát triển của bệnh và khả năng tiếp nhận điều trị mà các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung có thể phát huy tác dụng giúp người bệnh loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư hoặc kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

Ngoài ra, bệnh ung thư cổ tử cung hoàn toàn có khả năng tái phát nên sau khi được điều trị dứt điểm, người bệnh cần theo dõi sức khoẻ của mình, thường xuyên thăm khám phụ khoa.

5. Cách ngăn ngừa bệnh ung thư cổ tử cung

Cách tốt nhất để ngăn ngừa và giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung là tiêm vaccine phòng ngừa HPV. Vaccine HPV được đánh giá là an toàn và có thể chống lại các tác nhân gây ra tiền ung thư, ung thư và mụn cóc tình dục. Theo các chuyên gia y tế, độ tuổi an toàn để tiêm vaccine đạt hiệu quả cao nhất là từ 9 đến 26 tuổi. 

Sàng lọc, phát hiện sớm ung thư cũng là phương pháp hiệu quả để phát hiện những triệu chứng bất thường, dấu hiệu tiền ung thư hoặc ung thư ở giai đoạn đầu, trước khi bệnh tiến triển nặng và có cơ hội điều trị thành công cao. Do đó, chị em phụ nữ nên đi khám sức khỏe định kỳ, làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung và các xét nghiệm phụ khoa khác theo chỉ định của bác sĩ. 

6. Quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung

Quy trình tầm soát ung thư cổ tử cung:

- Khám phụ khoa

- Soi cổ tử cung có thể kèm theo chấm dung dịch Lugol hoặc acid acetic: Mục đích nhằm phát hiện tổn thương sớm bất thường ở cổ tử cung

- Làm xét nghiệm PAP: đây là một xét nghiệm đơn giản được thực hiện để tìm kiếm sự thay đổi các tế bào bất thường ở cổ tử cung

- Làm xét nghiệm HPV: xét nghiệm này giúp sàng lọc ung thư cổ tử cung

- Sinh thiết cổ tử cung: xét nghiệm này sẽ được thực hiện khi phát hiện có dấu hiệu bất thường khi soi cổ tử cung hoặc xét nghiệm PAP

- Các xét nghiệm khác: xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng

- Đọc kết quả tư vấn hoặc đưa ra chỉ định khác nếu có

Những điều cần lưu ý trước khi tầm soát cổ tử cung

- Không nên sinh hoạt tình dục, không bôi kem hay đặc thuốc vào âm đạo trong vòng 48 giờ trước khi làm xét nghiệm PAP

- Làm xét nghiệm trong lúc không có kinh nguyệt

Tác giả: DNA