Khi phát hiện hai triệu chứng này, bạn cần đặc biệt cảnh giác bởi chúng có thể là biểu hiện sớm của ung thư phế quản nguyên phát.
"Ho do kích thích" thường xảy ra do những tác động nhỏ từ bên ngoài vào phế quản. Trường hợp một cục u nhỏ mọc trên niêm mạc phế quản sẽ khiến bạn thường xuyên có cảm giác như bị một hạt cơm rơi vào phế quản, khiến cơ thể phản ứng kích thích dẫn đến ho không ngừng.
Cùng với đó, nếu thường xuyên gặp phải triệu chứng ho có đờm, bạn cũng cần đặc biệt chú ý tới tình trạng đờm. Khi nhận thấy đờm có tia máu hoặc có máu, hãy tới khám bác sĩ chuyên khoa sớm nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nếu bạn là nam và phát hiện ngực mình bỗng nhiên lớn dần mà không phải do tăng cân, cùng với đó là ngón tay cũng ngày càng to và thô giống hình dạng dùi trống, bạn cần hết sức cảnh giác.
Những biểu hiện phát triển về ngực và ngón tay ở nam giới được biết đến như dấu hiệu sớm báo trước ung thư biểu mô tế bào vảy.
Đây là hai triệu chứng thường gặp nhất ở các loại ung thư phổi. Nguyên nhân do khối u cản trở không khí khiến phổi gặp khó khăn khi hoạt động, máu không được cung cấp đủ oxy, gây ra tức ngực, khó thở.
Triệu chứng tức ngực trong giai đoạn đầu của ung thư phổi thường diễn ra không theo quy luật nào. Trong trường hợp cơ thể bạn thường xuyên xuất hiện cảm giác đau ngực dữ dội, điều này đồng nghĩa với ung thư đã phát triển tới giai đoạn cuối.
Chuyên gia sức khỏe đặc biệt nhấn mạnh, 80% ung thư phổi do thói quen hút thuốc lá gây ra. Vì vậy, người thường hút thuốc có nguy cơ mắc căn bệnh này cao gấp nhiều lần so với người bình thường.
Muốn bảo vệ lá phổi, bỏ thuốc lá là điều kiện tiên quyết. Đặc biệt, những người nghiện thuốc càng cần nắm rõ các triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh và luôn cảnh giác cao độ đối với căn bệnh ung thư nguy hiểm này.
Đến từ khoa Ung bướu thuộc Bệnh viện Đại học Đông Nam, chủ nhiệm Vương Thái Liên cho biết, các nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư phổi gồm có thói quen hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, di truyền, tác hại nghề nghiệp…
Trong đó, hút thuốc lá vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới căn bệnh này. Được biết, tỉ lệ mắc ung thư phổi ở người thường hút thuốc cao gấp 10 lần so với người bình thường.
Nguy cơ này càng gia tăng đối với những người nghiện thuốc ở độ tuổi 50 trở lên. Càng đáng lo hơn nữa là với các đối tượng có thâm niên hút thuốc 20 năm và mỗi ngày hút trên 20 điếu, tỉ lệ mắc ung thư phổi ở mức báo động.
Những năm gần đây, tỉ lệ mắc căn bệnh này đang ngày càng tăng cao ở nữ giới. Một nghiên cứu tại Trung Quốc đã từng chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến chị em phụ nữ mắc ung thư phổi bắt nguồn từ khói dầu mỡ trong quá trình nấu ăn.
Những người làm các công việc về nấu nướng hoặc thường xuyên nấu ăn trong phòng bếp kín gió, không có hút mùi là một trong những đối tượng có nguy cơ cao mắc ung thư phổi. Nhóm người làm việc trong các môi trường thiếu an toàn như hầm mỏ, nhà xưởng… cũng có nhiều khả năng mắc bệnh.
Cùng với đó, các yếu tố về môi trường như khói độc, khói từ các nhà máy hóa chất, phương tiện giao thông… cũng có khả năng kích thích mắt, yết hầu và gây tổn thương tổ chức tế bào hô hấp. Ngoài ra, người bị lao phổi, giãn phế quản, bệnh phổi mãn tính cũng nằm trong nhóm đối tượng có nguy cơ mắc ung thư phổi cao.
Để phòng ngừa căn bệnh này, việc thường xuyên chú ý kiểm tra định kì là điều không thể bỏ qua.
Chủ nhiệm Vương Thái Liên còn cho biết, những triệu chứng ung thư giai đoạn đầu đều không rõ ràng, thậm chí có những bệnh nhân ở giai đoạn không có biểu hiện bất thường rõ ràng nào. Vì vậy, dù chỉ là một dấu hiệu nhỏ nhất, chúng ta cũng không thể bỏ qua.
Ho khan là triệu chứng chủ yếu thường gặp, nếu sau đó chữa không khỏi thì cần phải nghĩ ngay đến khả năng này. Tiếp theo là khạc đờm ra máu hoặc trong đờm thường xuyên có tia máu, xuất hiện gián đoạn. Ngoài ra có một số triệu chứng không quá rõ ràng như mệt mỏi không rõ nguyên nhân, sụt cân cũng có thể là biểu hiện của bệnh ung thư.
Về vấn đề chữa trị ung thư phổi, chủ nhiệm Vương đặc biệt nhấn mạnh:
"Nếu không tiến hành chữa trị hoặc chữa trị không quy phạm, người bệnh ung thư giai đoạn cuối chỉ có thể sống nhiều nhất nửa năm".
Ngược lại, khi việc chữa trị được tiến hành chuẩn theo quy phạm hóa và đa khoa liên hợp, người bệnh ung thư giai đoạn cuối có thể sống hơn 30 tháng hoặc thậm chí là lâu hơn nữa.
Các chuyên gia cho biết, việc kiểm tra sức khỏe hàng năm rất quan trọng đối với bệnh nhân ung thư phổi cũng như tất cả các đối tượng khác.
Chuyên gia cũng nhắc nhở, để phòng ngừa ung thư phổi, việc khởi xướng lối sống lành mạnh là điều rất cần thiết. Những thói quen xấu như thức đêm, hút thuốc, ăn uống khẩu vị nặng… cần được loại bỏ kịp thời vì sức khỏe của chính bạn.
Cùng với đó, những người đã mắc bệnh cần giữ vững tinh thần lạc quan, tích cực, cho dù được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cũng nên chữa trị theo quy trình chính thống, không nên giấu bệnh hoặc tùy tiện dùng các phương thuốc cổ truyền dân gian để tránh làm bệnh tiến triển theo chiều hướng xấu.