Tác dụng phụ của hoá trị ung thư phổi

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Tác dụng phụ của hoá trị ung thư phổi
Hoá trị ung thư phổi có thể khiến người bệnh gặp một số tác dụng phụ như buồn nôn, thay đổi thính giác, chán ăn, ảnh hưởng tới chức năng thận, mất vị giác, tê ngón tay ngón chân,... Khi gặp những tác dụng phụ này người bệnh phải bình tĩnh và trao đổi lại với bác sĩ chủ trị của mình để được trợ giúp.

1. Hiểu về tác dụng phụ của hoá trị ung thư phổi

Hoá trị ung thư phổi là một trong 3 phương pháp điều trị ung thư phổi phổ biến hiện nay bên cạnh phẫu thuật và xạ trị ung thư phổi. Mỗi một phương pháp đều đem đến những tác dụng phụ riêng, thời gian bắt đầu tác dụng phụ và kết thúc cũng khác nhau phụ thuộc và tác động của phương pháp chữa trị tới cơ thể và thể trạng của người bệnh.

Bài viết này đề cập tới những tác dụng phụ của hoá trị ung thư phổi. Lưu ý rằng có người bệnh sau hoá trị có thể chỉ gặp một tác dụng phụ, có người thì nhiều hơn và cũng có bệnh nhân không phải trải qua bất kỳ tác dụng phụ nào của hoá trị ung thư phổi.

Các tác dụng phụ này có thể sẽ trở nên xấu hơn trong và sau khi điều trị hoá trị kết thúc. Nhưng hầu hết những tác dụng phụ có thể cải thiện sau từ 1 - 2 tuần.

Lưu ý rằng bạn nên liên hệ với người chăm sóc hoặc bác sĩ chủ trị của mình nếu như những tác dụng phụ trở nên nghiêm trọng hơn hoặc bạn bị sốt cao trên 38 độ C.

Một vài xét nghiệm có thể bạn sẽ được chỉ định làm trước và trong suốt quá trình điều trị, chẳng hạn như xét nghiệm máu. Bác sĩ sẽ kiểm tra về mật độ tế bào màu cùng những chất khác để đánh giá mức độ điều trị cũng như những tác động đối với cơ thể người bệnh. Ngoài xét nghiệm máu bạn cũng có thể được làm những kiểm tra liên quan đến gan hay thận.

2. Những tác dụng phụ của hoá trị ung thư phổi

2.1. Mệt mỏi và ốm yếu

Bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi trong suốt quá trình điều trị và thậm trí nó còn trở nên tồi tệ hơn nếu như quá trình điều trị tiếp tục. Cơ thể người bệnh sẽ trở nên yếu ớt hơn, không còn năng lượng,... Vì thế nghỉ ngơi chính là điều mà bệnh nhân cần cho lúc này.

Sự mệt mỏi có thể kéo dàu khoảng vài tuần sau khi điều trị kết thúc nhưng bạn có thể yên tâm vì nó cũng sẽ được cải thiện sau đó. Một vài lời khuyên giúp cải thiện tác dụng phụ của hoá trị ung thư phổi này đó là luyện tập nhẹ nhàng. Có những nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc luyện tập nhẹ nhàng có thể đem đến cho người bệnh nhiều năng lượng hơn. Và điều quan trọng hơn nữa là cân đối giữa việc tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý.

2.2. Tăng nguy cơ bị nhiễm trùng

Dấu hiệu của nhiễm trùng do tác dụng phụ của ung thư phổi đó là đau đầu, đau cơ, ho, đau họng, tiểu buốt, cảm thấy cơ thể lạnh và có biểu hiện run. Nguyên nhân là do hoá trị làm giảm số lượng bạch cầu trong máu khiến cơ thể người bệnh có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn. 

Nếu như bệnh nhân gặp bất cứ tác dụng phụ nào sau hoá trị ung thư phổi kể trên hoặc thân nhiệt tăng trên 38 độ C thì cần phải liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ.

Một vài loại thuốc có thể cải thiện tác dụng phụ này dưới dạng viên nén hoặc dạng tiêm truyền. Tuy nhiên việc sử dụng phương pháp nào cũng cần phải có ý kiến của bác sĩ.

2.3. Khó thở

Không chỉ làm giảm lượng bạch cầu mà hoá trị ung thư phổi còn làm giảm lượng hồng cầu - có chức năng đem oxy đi khắp cơ thể. Khi lượng hồng cầu giảm sẽ khiến bệnh nhân có cảm giác khó thở và nhìn nhợt nhạt.

Bệnh nhân có thể thường được yêu cầu làm một vài xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ hồng cầu và nếu như chúng quá thấp bạn có thể sẽ được truyền máu để cải thiện. 

2.4. Bầm tím, chảy máu nướu hoặc chảy máu cam

Bên cạnh suy giảm số lượng hồng cầu và bạch cầu thì hoá trị ung thư phổi cũng làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu khiến cơ thể dễ bầm tím hơn, chảy máu nướu khi đánh răng hoặc chảy máu cam.

Nếu như số lượng tiểu cầu xuống quá thấp bác sĩ có thể truyền tiểu cầu vào cơ thể bạn - đây là những dịch lỏng màu trong suốt và sau khi truyền sẽ mất từ 15 - 30 phút để có tác dụng.

2.5. Buồn nôn và nôn

Buồn nôn và nôn là những tác dụng phụ thường thấy của hoá trị và xạ trị ung thư phổi. Cảm giác này có thể trở nên tệ hơn khoảng vài giờ sau điều trị hoá trị. Thuốc chống buồn nôn có thể được sử dụng trong trường hợp này - nhưng luôn nhớ là bạn phải theo chỉ định của bác sĩ. Và bạn có thể sẽ phải thử nhiều loại thuốc khác nhau để tìm ra loại thuốc phù hợp với mình.

Mẹo:

- Tránh việc ăn hoặc chuẩn bị đồ ăn khi cảm thấy buồn nôn

- Tránh xa đồ ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ hoặc những thức ăn có hương vị mạnh

- Chia thành các bữa nhỏ trong một ngày

- Nghỉ ngơi

- Uống trà gừng để giảm cảm giác buồn nôn

- Cố gắng uống nước ấm thay vì nước lạnh

- Nếu bạn không thể ăn thì hãy thay bằng đồ uống có hàm lượng calo cao để đảm bảo dinh dưỡng

2.6. Tổn thương chức năng thận

Bệnh nhân sẽ được làm những xét nghiệm máu trước khi điều trị để kiểm tra khả năng làm việc của thận. Để ngăn chặn những tác dụng phụ, điều quan trọng mà bệnh nhân cần nhớ là uống nhiều nước trước và sau khi hoá trị ung thư phổi vài giờ.

Ngoài xét nghiệm máu thì y tá có thể yêu cầu bạn làm thêm một số bản ghi về lượng nước bạn đã uống, số lần đi tiểu tiện để kiểm soát tốt hơn.

Hãy nói với bác sĩ nếu như bạn không thể uống nhiều nước như bạn muốn hoặc bạn cảm thấy buồn nôn.

2.7. Một số tác dụng phụ khác

- Suy giảm thính giác

- Ngừng kinh nguyệt ở phụ nữ

- Giảm cân

- Tê ngón chân, ngón tay

- Mất vị giác

Nguồn dịch: https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/lung-cancer/treatment/chemoradiotherapy/side-effects


Tác giả: Phạm Thanh