Phát hiện sớm ung thư phổi bằng xét nghiệm máu

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Phát hiện sớm ung thư phổi bằng xét nghiệm máu
Đây là các xét nghiệm giúp tìm dấu ấn của ung thư phổi được thực hiện rất đơn giản và đem đến kết quả nhanh chóng. Tất cả những gì cần làm là lấy máu để xét nghiệm

Phát hiện sớm ung thư phổi nhờ xét nghiệm máu là một hướng đi mới của nền y học hiện đại.

Với các xét nghiệm dấu ấn sinh học cho biết một khi xuất hiện các khối u ác tính thì những chỉ số trong cơ thể nói chung và trong máu nói riêng sẽ tăng cao một bất thường, thậm chí có thể gấp tới hàng chục nghìn lần.

1. Thực trạng ung thư phổi

Hiệp hội Phòng chống Ung thư quốc tế  và Tổ chức Y tế thế giới đã chọn ngày 4 tháng 2 hàng năm làm ngày ung thư thế giới. Ung thư là căn bệnh gây ám ảnh với toàn nhân loại, hàng năm trên thế giới có đến hơn 14,1 triệu ca mắc mới và có khoảng trên 8,2 triệu ca tử vong do ung thư. Ở Việt Nam, các báo cáo cho biết có từ 135.000 - 180.000 ca mắc mới và có đến 95.000 – 135.000 ca tử vong hàng năm do ung thư.

Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân mắc ung thư phổi tại Việt Nam thì nam giới chiếm tỷ lệ cao nhất và nữ giới đứng hàng thứ 3. Con số này đang không ngừng tăng lên khi số bệnh nhân mắc mới bệnh ung thư phối ở nam giới trong năm 2000 chỉ là 6.905 người - tương đương 29,3 người/100.000 dân nhưng đến năm 2010 thì số bệnh nhân mắc mới đã lên đến 14.652 tương đương với 35,1 người/100.000 dân.

Dự báo rằng, cho đến năm 2020, thì số bệnh nhân mắc mới có thể sẽ lên đến 34 nghìn ca ở cả 2 giới, trong đó có 23 nghìn ca ở nam giới.

Ung thư phổi là bệnh khó sàng lọc và khó phát hiện sớm do những dấu hiệu ung thư phổi dễ bị nhầm lẫn với các bệnh hô hấp khác.

Nguyên phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giáo sư Mai Trọng Khoa cho biết, có đến 70% bệnh nhân mắc ung thư phổi ở Việt Nam được chẩn đoán phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn, dẫn đến việc can thiệp y tế rất khó khăn, tiên lượng sống không còn nhiều.

2. Hướng đi mới phát hiện sớm ung thư phổi

Hiện nay Việt Nam cùng với các nước trên thế giới đang áp dụng kỹ thuật mới trong việc tầm soát ung thư phổi. Đó là làm các xét nghiệm dấu ấn sinh học (sử dụng các chất chỉ điểm) để có thể chẩn đoán sớm ung thư. Với bệnh ung thư phổi, ở các nước châu Âu, người dân làm xét nghiệm dấu ấn sinh học 1 lần/năm.

GS Mai Trọng Khoa cũng cho biết, hiện nay có năm chất chỉ điểm sử dụng phổ biến đó là CEA, NSE,SCC, ProGRP và Cyfra 21-1. Kỹ thuật này được thực hiện dựa trên mẫu máu của bệnh nhân.

Với nhóm người có nguy cơ mắc cao như người có tiền sử gia đình bị ung thư phổi, nhóm hút thuốc (chủ động và bị động), nhóm làm việc trong môi trường tiếp xúc với các chất gây ung thư,.. thì cần làm xét nghiệm với tần suất hơn, phụ thuộc vào độ tuổi. Độ tuổi càng cao, thì tần suất phải làm xét nghiệm càng dày.

Phương pháp xét nghiệm dấu ấn sinh học này cho kết quả chính xác lên đến 80%. Còn 20% nghi ngờ thì 1 tháng sau sẽ được test lại để chắc chắn. Điều quan trọng của phương pháp này đó là không những chính xác mà chi phí lại thấp.

Hiện nay tất cả những bệnh viện thuộc tuyến trung ương, đa số bệnh viện thuộc tuyến tỉnh và khá nhiều các phòng xét nghiệm quy mô lớn đều có thể thực hiện được xét nghiệm chỉ dấu này, tuy vậy thì cộng đồng lại có ít người biết.

Ngoài ý nghĩa có thể giúp phát hiện được sớm rất nhiều loại ung thư khác nhau thì việc dùng các chất chỉ điểm cũng sẽ giúp bác sĩ theo dõi tế bào có thể tái phát sau điều trị và đánh giá được hiệu quả chữa trị một cách thích hợp.

Theo: Vietnamnet


Tác giả: DF