Ai nên tầm soát ung thư phổi?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Ai nên tầm soát ung thư phổi?
Việc tầm soát ung thư phổi là cần thiết với tất cả mọi người bởi ai cũng có nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, những người thuộc các nhóm dưới đây cần lưu ý tiến hành tầm soát ung thư phổi sớm.

Ung thư phổi là căn bệnh rất phổ biến với số lượng người mắc đứng thứ 2 trong các loại ung thư ở Việt Nam. 

Đây cũng là căn bệnh cướp đi hàng mạng sống của hàng triệu người trên thế giới mỗi năm. Mặc dù cực kỳ nguy hiểm nhưng căn bệnh này thường không có nhiều triệu chứng nổi bật ở giai đoạn sớm. Do đó, việc tầm soát ung thư phổi là cực kỳ cần thiết.

Đặc biệt, bệnh ung thư phổi nếu được phát hiện sớm thì tỉ lệ điều trị thành công có thể lên tới 92%, đa số bệnh nhân có thể sống được trên 5 năm. Tuy nhiên, khi phát hiện ở giai đoạn muộn, con số này giảm xuống còn 1% người sống được trên 5 năm. Như vậy, tầm soát ung thư phổi là một biện pháp hiệu quả để phát hiện và điều trị bệnh sớm, nâng cao hiệu quả điều trị.

1. Những ai nên tiến hành tầm soát ung thư phổi

Mọi người đều nên tiến hành tầm soát ung thư phổi, kể cả những người chưa từng hút thuốc lá. Lý do là bởi hằng ngày, chúng ta có thể tiếp xúc với nhiều tác nhân là nguy cơ gây ung thư phổi mà không hề hay biết. Tuy nhiên, những người ở trong nhóm dưới đây nên quan tâm hơn đến việc tầm soát ung thư phổi bởi đây đều là những nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao:

- Người từ 55 - 74 tuổi. Người trên 50 tuổi không hút thuốc hoặc hút thuốc ít, từng hút thuốc nhiều nhưng đã ngưng trên 15 năm là đối tượng có nguy cơ trung bình mắc căn bệnh này

- Người hút nhiều thuốc. Không phải băn khoăn quá nhiều, hãy tiến hành tầm soát ung thư phổi bởi đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến căn bệnh chết người này. Nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là người từ 50 tuổi, hút thuốc 30 gói mỗi năm, một gói mỗi ngày trong 30 năm hoặc 2 gói mỗi ngày trong 15 năm.

- Người có tiền sử gia đình mắc ung thư phổi

- Người có các bệnh lý về đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi mạn tính

- Người có các biểu hiện của ung thư phổi: ho dai dẳng, căng tức lồng ngực, khó thở, mệt mỏi. sụt cân không rõ nguyên nhân, ho ra máu, đờm có màu gỉ sắt,...

2. Các xét nghiệm tầm soát ung thư phổi

Để tiến hành tầm soát ung thư phổi, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp, xét nghiệm dưới đây: 

- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng và khám lâm sàng, sau đó, họ sẽ hỏi về tiền sử của bạn liệu bạn có hút thuốc hoặc bất cứ ai trong gia đình bạn hút thuốc, về môi trường làm việc của bạn để xem liệu bạn có đang tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc các chất độc khác có thể gây tổn hại cho phổi hay không.

- Chụp X-quang phổi: Đây là phương pháp giúp bác sĩ có thể thấy được u phổi (nếu có) cũng như kích thước, vị trí, các tổn thương do chúng gây ra.

- Nội soi phế quản: Phương pháp này giúp bác sĩ quan sát được các khối u ở phế quản, đồng thời có thể lấy mẫu để tiến hành các xét nghiệm sinh thiết.

- Xét nghiệm mô bệnh học: Sau khi lấy được mẫu bệnh phẩm từ phương pháp nội soi phế quản, chọc hút bằng kim nhỏ qua ngực hoặc chọc dò dịch màng phổi, phương pháp này sẽ cho ra kết quả chuẩn xác để tầm soát ung thư phổi.

- Một số xét nghiệm đánh giá tình trạng di căn của khối u: PET/CT, xạ hình xương, chụp cộng hưởng từ sọ não; siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính bụng,..

- Tiến hành các xét nghiệm máu chỉ điểm khối u như: CEA, SCC, Cyfra 21-.

Tầm soát ung thư phổi là phương pháp giúp phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm với khả năng điều trị khỏi bệnh cao. Mọi người đều có thể đến các cơ sở y tế với đầy đủ trang thiết bị hiện đại để tiến hành tầm soát ung thư phổi.



Tác giả: Thảo Ngân