Trên thực tế, ung thư phổi là thủ phạm gây ra cái chết của nhiều người hơn so với ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt kết hợp lại. Sau đây là năm sự thật bất ngờ về ung thư phổi mà ít người biết đến.
Tin tốt là ngày nay có ít người mắc ung thư phổi hơn so với trước đây và điều này đúng với cả nam giới và nữ giới.
Những người trẻ hiện đại có xu hướng ít hút thuốc hơn, tuy nhiên, người đã từng hút thuốc phải dừng hút ít nhất vài năm thì nguy cơ mắc ung thư phổi mới giảm đáng kể. Những người đã từng hút thuốc có độ tuổi từ 55 đến 80 cần tiếp tục các xét nghiệm chẩn đoán ung thư phổi ít nhất là 15 năm sau khi bỏ thuốc lá.
Những người nghiện thuốc lá nặng được khuyến cáo nên làm xét nghiệm sàng lọc ung thư phổi (chụp CT). Để xác định việc hút thuốc nhiều hay ít, các bác sĩ dựa trên số gói thuốc hút/ngày và số năm hút thuốc.
Những người hút đều đặn một gói thuốc mỗi ngày trong vòng ba mươi năm có nguy cơ mắc ung thư phổi cao nhất. Tuy nhiên dù chỉ hút vài điếu thuốc mỗi ngày cũng vẫn làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Mặc dù trong 10 người mắc ung thư phổi thì có 9 người hút thuốc lá nhưng vẫn có những nguyên nhân khác dẫn đến căn bệnh này như hít phải khói thuốc lá thụ động, không khí ô nhiễm, khí randon, khí thải của dầu diesel hay tiếp xúc với chất amiăng.
Trên thực tế, chỉ tính riêng số người không hút thuốc tử vong vì ung thư phổi đã khiến căn bệnh này trở thành một trong mười bệnh ung thư gây chết chóc nhiều nhất thế giới.
Nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh ung thư phổi sau hút thuốc lá không phải là khói thuốc thụ động hay ô nhiễm không khí mà là khí Radon. Khí Radon không mùi, không màu, không vị và là một loại khí tự nhiên có nguồn gốc từ hoạt động phóng xạ diễn ra dưới các lớp đất đá.
Đó là lý do vì sao máy dò khí Radon thường phát hiện loại khí này dưới tầng hầm các tòa nhà. Trung bình cứ 1/15 ngôi nhà có chỉ số khí Radon cao do đó việc kiểm tra nồng độ khí Radon tại nhà là điều cần thiết.
Ung thư phổi được chia thành ba loại, trong đó ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào không nhỏ là hai loại phổ biến nhất và người mắc có tỷ lệ sống sót thấp.
Loại thứ ba có tên gọi là u carcinoid có tỷ lệ sống sót khá cao nhưng chỉ chiếm khoảng 5% số ca mắc ung thư phổi. Loại ung thư này tiến triển chậm, hiếm khi di căn ra ngoài phổi và người mắc có thể kéo dài thời gian sống thêm 5 năm kể từ khi chẩn đoán mắc bệnh.