[Dành cho người nhà] Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân mắc ung thư phổi

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
[Dành cho người nhà] Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân mắc ung thư phổi
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân mắc ung thư phổi thường phải chịu những tác dụng phụ từ liệu pháp chữa bệnh như phẫu thuật, xạ trị hay hoá trị. Vì thế mà người nhà cần phải có cách chăm sóc giảm thiểu những yếu tố này cũng như hỗ trợ bệnh nhân khi điều trị.

Chăm sóc bệnh nhân mắc ung thư phổi thế nào để tốt nhất? Đây là băn khoăn của rất nhiều người nhà bệnh nhân bên cạnh những câu hỏi như bị ung thư phổi nên ăn gì, không nên ăn gì,... Đối với người bệnh ung thư nói chung và đối với bệnh nhân ung thư phổi nói riêng thì quá trình chăm sóc đóng vai trò quan trọng để điều trị và phục hồi nhanh.

Dưới đây là những lưu ý cho người nhà khi chăm sóc bệnh nhân mắc ung thư phổi:

1. Theo dõi sức khoẻ bệnh nhân mắc ung thư phổi

Người nhà chăm sóc bệnh nhân mắc ung thư phổi trong quá trình điều trị cần phải theo dõi và quan sát xem trên người bệnh có những thay đổi nào không, ví dụ như ho tăng lên, đờm tăng lên,... hoặc quan sát tính chất biểu hiện của đờm (có máu không), bệnh nhân mệt mỏi như thế nào, đau ở khu vực nào nhiều, khu vực nào ít, có các cơn khó thở hay không,..

Bên cạnh đó cần đặc biệt quan sát những dấu hiệu: khó nuốt, mất tiếng, vùng đầu cổ bị phù nề hay sụp mi mắt.

Sau đó thông báo với bác sĩ để trao đổi với người bệnh can thiệp ngay.

2. Phòng chống nhiễm khuẩn cho người bệnh

Với bệnh nhân mắc ung thư phổi người nhà cần phòng chống nhiễm khuẩn cho người bệnh bằng những cách sau:

- Hướng dẫn bệnh nhân không tiếp xúc với các nguồn ô nhiễm, giữ phòng bệnh sạch sẽ, thoáng mát, thoáng gió, không có quá nhiều ánh nắng hoặc quá nhiều gió. Đưa bệnh nhân đi dạo ở những nơi có nhiều cây xanh, tránh xa môi trường nhiều khói bụi bẩn

- Làm sạch đường thở cho bệnh nhân bằng cách vỗ rung lồng ngực, hướng dẫn cách ho có hiệu quả, dẫn lưu tư thế. Với những bệnh nhân mắc ung thư phổi có đờm đặc thì có thể dùng hơi nước (máy xông) để làm loãng đờm

- Theo dõi dấu hiệu nhiễm khuẩn để thông báo cho bác sĩ: sốt,...

3. Chăm sóc trong chế độ dinh dưỡng

Về chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân mắc ung thư phổi, người nhà cần có chế độ ăn hợp lý, giàu đạm, nhiều calo, nhiều chất xơ và vitamin. Đồng thời hạn chế ăn đồ dầu mỡ, thức ăn cay nóng, đồ nhiều muối, đồ hun khói,..

Chế độ ăn uống đóng góp rất lớn cho quá trình điều trị vì nó giúp tăng cường sức khoẻ cho bệnh nhân để đáp ứng trị liệu.

4. Chăm sóc cơn đau, ho và khó thở

Khi chăm sóc bệnh nhân mắc ung thư phổi việc hỗ trợ trong kiểm soát cơn đau, ho và khó thở là rất quan trọng. Người nhà cần cho bệnh nhân nằm gối kê cao và cho thở oxy nếu như người bệnh lên cơn khó thở. Đồng thời hướng dẫn bệnh nhân hít thở sâu, đều bằng mũi.

Giúp bệnh nhân nằm tư thế thoải mái để giảm đau, khi ho giữ ngực để giảm tác động đau tới cơ thể người bệnh.


Tác giả: Phạm Thanh