Các bác sĩ cảnh báo kênh Youtube khuyên chữa Covid-19 bằng máy sấy tóc là "lừa đảo", vô cùng nguy hiểm

Các bác sĩ cảnh báo kênh Youtube khuyên chữa Covid-19 bằng máy sấy tóc là "lừa đảo", vô cùng nguy hiểm
Bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân không nên tin theo những thông tin chưa được kiểm chứng. Khi có triệu chứng ho, sốt, đau người và có tiếp xúc với nguồn lây cần khai báo y tế trung thực và không nên cố ở nhà "chờ bệnh khỏi".

Mới đây, tại một kênh Youtube, một người tự nhận mình là chuyên gia sức khỏe Đ.P, chia sẻ nhiều điều (trái với các khuyến cáo chính thức của Bộ Y tế - pv) rằng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 có thể dùng máy sấy sấy nóng vào khu vực hạch bạch huyết, bao gồm 6 vùng phản chiếu hệ bạch huyết trên mặt. Sấy nóng quanh mặt sau đó sấy đỉnh đầu và khu vực cổ nơi có hạch bạch huyết...

Người này cũng khẳng định: Người bệnh đang co giật, sốt, khó thở sấy xong sẽ thấy thay đổi hẳn. Đây là phương pháp tăng cường hệ bạch huyết lên gấp hàng trăm lần và có thể cứu được cả vạn người trên thế giới. Sấy nóng tất cả khu vực liên quan tới hệ bạch huyết đặc biệt là nơi tủy sống sinh ra hồng cầu, bạch cầu sẽ giúp người bệnh cải thiện rõ rệt. (?)

Bác sĩ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, thông tin trên chỉ "lừa đảo" tuy nhiên sẽ có nhiều người theo và tin rằng đây là cách chữa bệnh khoa học không cần thuốc. Những tin giả (fake-news) như vậy cả trăm nghìn người xem và nếu tin sẽ vô cùng nguy hiểm trong việc phòng chống và điều trị Covid-19.

Đối với bệnh Covid-19 đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị mà các bác sĩ đều chữa trị theo triệu chứng của bệnh.

Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 mới của Bộ Y tế, người bệnh Covid-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng, giống như cảm cúm thông thường tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch.

Các bác sĩ cảnh báo kênh Youtube khuyên chữa Covid-19 bằng máy sấy tóc là lừa đảo, vô cùng nguy hiểm - Ảnh 1.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị Covid-19 mà chỉ điều trị bổ trợ, điều trị triệu chứng

Tuy nhiên, hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng Covid-19 nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là phát hiện sớm và cách ly ca bệnh.

Trong phác đồ này, Bộ Y tế chưa công nhận sử dụng phương pháp đặc trị nào trong điều trị các trường hợp viêm phổi do Covid-19.

Các bệnh viện trên toàn quốc vẫn đang tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn và đem lại kết quả khá khả quan với hàng chục bệnh nhân đã khỏi bệnh, nhiều bệnh nhân khác đang hồi phục và chưa có bệnh nhân nào tử vong.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM cho biết, thông tin này phản khoa học. Nếu người dân tin và làm theo sẽ rất nguy hiểm. Chưa có ai khẳng định máy sấy tóc chữa được bệnh đặc biệt là việc làm nóng hệ bạch huyết để chữa trị Covid-19 như người chia sẻ đã khẳng định.

Những bệnh nhân tử vong do Covid-19 trên thế giới đa số là người có bệnh nền. Bệnh nhân mắc virus SARS-CoV-2 và gây ra hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan, bao gồm: Tổn thương thận, tổn thương cơ tim và dẫn đến tử vong chứ không phải do hạch bạch huyết hay hệ thống sinh tuỷ.

Hiện nay, việc điều trị Covid-19 vẫn đang cá thể hóa từng trường hợp. Những ca bệnh xác định cần được theo dõi và điều trị cách ly hoàn toàn, trong đó, ca bệnh nhẹ (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ) điều trị tại các phòng điều trị nội trú thông thường.

Ca bệnh nặng như bệnh cảnh viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết cần được điều trị tại phòng cấp cứu của các khoa hoặc khoa hồi sức tích cực.

Ca bệnh nặng nguy kịch là những trường hợp bị suy hô hấp nặng, ARDS, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan cần được điều trị tại phòng hồi sức tích cực. Do chưa có thuốc đặc hiệu, điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo người dân không nên tin theo những thông tin chưa được kiểm chứng. Khi có triệu chứng ho, sốt, đau người và có tiếp xúc với nguồn lây cần khai báo y tế trung thực và không nên cố ở nhà "chờ bệnh khỏi".

Các bác sĩ cảnh báo kênh Youtube khuyên chữa Covid-19 bằng máy sấy tóc là lừa đảo, vô cùng nguy hiểm - Ảnh 3.

Tác giả: Tiểu Nhã