6 "sớm" trong việc phòng chống bệnh gan

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
6 "sớm" trong việc phòng chống bệnh gan
Bệnh gan nếu được phát hiện sớm thì tiên lượng sống trên 5 năm của bệnh nhân là 90%. Các chuyên gia y học đã thực hiện các nghiên cứu sâu hơn và cho rằng nếu muốn an toàn thì cần phải phòng chống bệnh gan bằng công thức "6 sớm".

Tại Việt Nam, đa số bệnh nhân ung thư gan khi được phát hiện đều là những ca ở giai đoạn cuối, không còn khả năng điều trị hay can thiệp y tế. 

Ung thư gan là biến chứng nguy hiểm của bệnh gan như viêm gan B, viêm gan C, xơ gan,... Vì thế, thay vì chữa bệnh thì chúng ta nên bắt tay vào phòng bệnh trước tiên.

Trong khuôn khổ của diễn đàn Quốc tế chủ đề bệnh ung thư gan diễn ra lần thứ 2 được tổ chức tại Trung Quốc, Phó hiệu trưởng của Trường Đại học y khoa Thiên Tân và là Ủy viên thư kí của BV Ung bướu Tiên Tân - Giáo sư Lý Cường cho biết, có đến hơn 80% các ca mắc ung thư gan đều có nguồn gốc từ những người đã từng có tiền sử bệnh viêm gan. Trong đó phổ biến nhất là đến từ các bệnh nhân mắc viêm gan B và viêm gan C.

Trong đó, viêm gan siêu vi C và B chủ yếu đều có đường truyền từ mẹ sang con khi mang thai, lây truyền qua đường tình dục và đường máu. Nếu không tiến hành kiểm soát sớm thì nguy cơ phát triển bệnh thành ung thư gan là rất cao.

Giáo sư Lý Cường cũng cho rằng, trước đây, nếu như việc phòng chống bệnh gan chỉ cần làm tốt "3 sớm", cụ thể là: phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán bệnh sớm và chữa trị sớm. Nhưng hiện tại thì các chuyên gia y học trong bệnh này đã thực hiện các nghiên cứu sâu hơn và cho rằng nếu muốn an toàn thì cần phải phòng chống bằng công thức "6 sớm".

1. Vậy "6 sớm" trong phòng chống bệnh gan là gì?

- Làm xét nghiệm để phòng ngừa bệnh sớm

- Xét nghiệm gen di truyền sớm (nếu như gia đình có tiền sử mắc bệnh gan)

- Tiến hành phân tích phân tử sớm

- Kiểm tra những bệnh nhân đang có nguy cơ mắc cao

- Phòng chống sớm, ví dụ như tiêm vắc-xin phòng viêm gan B, phòng bệnh ngay từ khi chưa có bệnh

- Khi phát hiện có bệnh cần chữa trị sớm

Những người có nguy cơ bị bệnh gan cao thì cần phải làm kiểm tra tầm soát ung thư gan, xét nghiệm xơ gan khoảng 3 tháng một lần. Với những người có tiền sử gia đình bị các bệnh như ung thư gan, trải qua các đợt điều trị bệnh gan, bệnh nhân bị viêm gan B hay tiền sử nghiện rượu mãn tính thì việc khám sức khỏe định kỳ nên thực hiện 6 tháng/lần.

Phương pháp khám gan chủ yếu thường thấy là siêu âm vì cho hiệu quả tương đối cao. Với những người bị bệnh xơ gan thì còn cần phải làm kiểm tra các yếu tố khác liên quan đến ung thư gan.

Sau khi làm siêu âm và xét nghiệm, kết quả nhận được nếu nghi ngờ thì nên tiếp tục chụp MRI hoặc CT. Giáo sư Lý Cường cũng cho rằng, việc thăm khám để phát hiện sớm là cách phòng chống ung thư gan hiệu quả nhất. Thống kê cho thấy nếu bệnh nhân ung thư gan được phát hiện và điều trị sớm thì có thể có tiên lượng sống trên 5 năm lên tới 90%.

2. Lời khuyên phòng chống bệnh gan từ chuyên gia

Theo Trưởng khoa gan mật thuộc BV Ung bướu Thiên Tân, giáo sư Tống Thiên Cường cho biết, rèn luyện thói quen sống lành mạnh và ăn uống an toàn chính là chìa khóa để giúp gan khỏe mạnh.

Nhóm đối tượng béo phì và những người có thói quen ăn uống không lành mạnh sẽ làm gia tăng gánh nặng cho gan. Những đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh gan thì phải hạn chế - tốt nhất là tránh hút thuốc, sử dụng rượu bia và nên thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao và có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời hạn chế việc sử dụng những loại thực phẩm độc hại và đặc biệt không lạm dụng thuốc.

Bệnh gan sẽ dễ dàng được phòng tránh nếu như bạn áp dụng nguyên tắc 6 "sớm" trên và tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ.


Tác giả: KP