Trước sự gia tăng về số ca tử vong và số ca nhiễm virus corona 2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc thì WHO đã chính thức tuyên bố đây là tình trạng Y tế toàn cầu hay còn gọi là PHEIC.
Đây là tuyên bố được đưa ra sau kết quả của phiên họp thứ 3 của IHR - là Uỷ ban Khẩn cấp về điều lệ y tế quốc tế. Ở hai phiên họp trước thì WHO đã từ chối tuyên bố PHEIC đối với virus corona ở Vũ Hán do WHO tin tưởng rằng Trung Quốc có thể kiểm soát được hiệu quả dịch bệnh này trong phạm vi biên giới.
Tuy nhiên thì tổng giám đốc WHO, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cho biết: "Tính tới thời điểm hiện tại - của phiên họp - thì virus corona 2019 đã lây lan tới 18 nước khác và số người nhiễm virus này tính đến ngoài biên giới Trung Quốc đã lên tới 98 người. Hơn nữa có 8 ca là lây từ người sang người ở các nước Việt Nam, Nhật Bản, Đức và Mỹ".
PHEIC đã được WHO định nghĩa cụ thể là "một sự kiện, diễn biến bất thường", nó có thể trở thành "một nguy cơ đối với sức khoẻ cộng đồng đối với những quốc gia khác thông qua việc lây lan dịch bệnh quốc tế" và các quốc gia cần phải "có phản ứng quốc tế để phối hợp".
Theo như chuyên gia lĩnh vực bệnh truyền nhiễm Tom Solomon của Đại học Liverpool cho biết thuật ngữ này đã được tạo ra khi dịch SARS hoành hành vào năm 2002 - 2003 đã khiến hơn 8.000 người nhiễm bệnh và 700 người thiệt mạng.
Tính từ trước tới nay thì WHO đã dán nhãn PHEIC cho 5 sự kiện y tế khẩn cấp bao gồm:
- Dịch cúm A/H1N1 vào năm 2009 (cúm lợn)
- Đại dịch Ebola tại Tây phi năm 2014
- Dịch bại liệt tại Pakistan, Cameroon và Syria,.. năm 2014
- Virus zika từ muỗi năm 2016 ở Brazil
- Đại dịch Ebola ở Cộng hoà dân chủ Congo vào tháng 7 năm 2019.
Bên cạnh đó thì dịch Mers, đây cũng là một chủng thuộc họ coronavirus cũng gây ra tranh cãi khi không được gắn nhãn PHEIC khi dịch này có 1.179 người nhiễm virus MERS, 442 người tử vong.
Theo sau tuyên bố của WHO về tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) sáng ngày 31.1 cho biết số ca tử vong vì viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc tăng thêm 43 người, lên 213 ca và có thêm 1.982 ca nhiễm mới. Tính đến cuối ngày 30.1, tổng số ca nhiễm vi rút Corona mới (2019-nCoV) gây viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc ở mức 9.692 người, theo Reuters dẫn nguồn từ NHC.
- Thắt chặt việc sàng lọc liên quan tới giao thương giữa các vùng đang có người nhiễm virus corona 2019
Theo tờ New York Times, thì tuyên bố của WHO ngày 31/01 vừa qua mặc dù không mang giá trị về pháp lý nhưng đây được xem là lời cảnh báo từ cơ quan tư vấn sức khỏe hàng đầu thế giới tới tất cả các quốc gia là thành viên Liên Hợp Quốc liên quan tới tình hình nghiêm trọng của dịch 2019-nCoV hiện nay.
Khi WHO tuyên bố dán nhãn này cũng có thể phải bao gồm những khuyến nghị có liên quan tới du lịch chẳng hạn như việc cấm những hoạt động mang tính chất giao thương hay các hoạt động du lịch tại đất liền hay tại sân bay quốc tế,... nguyên nhân là trên lý thuyết thì những hoạt động kể trên nếu tiếp tục "thông thương" bình thường có thể dẫn tới nguy cơ lây nhiễm virus corona cho cộng đồng quốc tế.
Điều này cũng có nghĩa là các quốc gia có thể tự đưa ra quyết định xem có nên đóng cửa biên giới, có nên huỷ chuyến bay hay sàng lọc các hành khách tại sân bay hoặc những biện pháp bảo vệ cần thiết khác hay không.
Theo Washington Post thì nhãn PHEIC được tuyên bố có thể mang ý nghĩa rất lớn đối với nhiều hãng hàng không, trong đó có hãng vận tải đường dài Emirates của Mỹ. Bên cạnh đó là những hãng khác có số lượng chuyến bay tới Trung Quốc và Hồng Kông tới 160 chuyến/tuần là Etihad và Qatar.
Những hãng vận tại vùng vịnh giữ vai trò là trung tâm và là nơi kết nối vận chuyển hành khách từ Trung Quốc tới Châu Âu, tới Châu Phi và các nước Trung Đông. Khi mà có rất nhiều hãng hàng không đã ngừng vận hành các chuyện bay tới Trung Quốc thì các hãng trên vẫn chưa thấy động thái nào tương tự.
- Điều phối hỗ trợ kinh phí, nhân sự hay những nguồn lực khác do WHO chủ trì
Bên cạnh những vấn đề kể trên thì việc tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp này cũng sẽ tăng thêm tính cấp bách cho bất kỳ một đề nghị liên quan tới hỗ trợ kinh phí, nhân sự và những nguồn lực khác của WHO (WHO sẽ giữ vai trò là tổ chức điều phối). Hiện tại thì tính tới thời điểm này, cả Trung Quốc, Việt Nam, Đức, Hàn Quốc và Mỹ vẫn chưa cần hỗ trợ thêm chi phí nào liên quan tới cuộc chiến chống lại 2019-nCoV này.
- Khuyến nghị liên quan tới việc tuân thủ nguyên tắc đảm bảo vệ sinh và bảo vệ sức khoẻ đối với vùng dịch
Bằng cách nêu bật về mối đe dọa thì việc ban bố PHEIC cũng làm tăng tính thuyết phục người dân ở những quốc gia đã bị nhiễm bệnh cần tuân thủ các khuyến nghị về sức khỏe và vệ sinh.
Bên cạnh đó thì WHO cũng có khả năng sẽ xem xét những biện pháp y tế công cộng được các quốc gia triển khai để đảm bảo được rằng những biện pháp được áp dụng này đã đạt các tiêu chuẩn y tế thích hợp.
Các khuyến nghị của WHO mặc dù không mang tính chất bắt buộc nhưng theo Giáo sư Rebecca Katz hiện đang là giám đốc Trung tâm Khoa học, An toàn và Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Georgetown cho biết thì nó có những sức ép đáng kể buộc những nước thành viên của WHO bắt buộc phải tuân thủ theo các khuyến nghị do các nước thành viên bị ràng buộc cùng với Điều lệ Y tế quốc tế 2005 của WHO.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 22 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc.
Toàn văn phát biểu của Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc WHO đưa ra thông báo tại cuộc họp báo ở Geneva, Thuỵ Sĩ.:
"Trong vài tuần qua, chúng ta đã chứng kiến sự xuất hiện của một mầm bệnh chưa được biết đến trước đó và nó đã phát triển thành một ổ dịch với mức độ bùng phát chưa từng thấy.
Sau khi trở về từ Bắc Kinh, tôi đã chứng kiến nỗ lực của chính phủ Trung Quốc với những biện pháp ngăn chặn sự bùng phát của dịch bệnh... Chúng ta sẽ còn phải thấy nhiều trường hợp (nhiễm bệnh) bên ngoài Trung Quốc hơn hiện tại, và thậm chí là cả cái chết nếu không có những nỗ lực mà đất nước này đã bỏ ra để bảo vệ chính người dân của họ và cả người dân trên thế giới.
Hiện có 98 trường hợp ở 18 quốc gia ngoài Trung Quốc, trong đó có 8 trường hợp lây truyền từ người sang người ở 4 quốc gia: Đức, Nhật Bản, Việt Nam và Hoa Kỳ. Dù cho đến nay chúng tôi chưa thấy bất kỳ trường hợp tử vong nào bên ngoài Trung Quốc, và mặc dù những con số này (người nhiễm bệnh) vẫn còn tương đối nhỏ so với số trường hợp tại Trung Quốc, nhưng tất cả chúng ta phải cùng nhau hành động để hạn chế sự lây lan hơn nữa.
Phần lớn các trường hợp bên ngoài Trung Quốc có lịch sử du lịch đến Vũ Hán, hoặc liên quan với một người có lịch sử du lịch đến Vũ Hán. Chúng tôi không biết loại virus này có thể gây ra thiệt hại như thế nào nếu lây lan ở một quốc gia có hệ thống y tế yếu hơn. Vì vậy, chúng ta phải hành động ngay lúc này để giúp các nước chuẩn bị trước cho khả năng đó.
Vì tất cả những lý do ở trên, tôi tuyên bố virus corona là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và sự bùng phát của dịch bệnh vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu trên toàn cầu".
Tại Việt Nam, số người mắc bệnh là 05 trường hợp. Trong đó: 02 công dân Trung Quốc (01 người đã khỏi); 03 công dân Việt Nam đều trở về từ Vũ Hán, Trung Quốc.