Vào chiều ngày 11-3 tức là tối muộn cùng ngày theo giờ Việt Nam, từ Thuỵ Sĩ, các lãnh đạo của WHO đã chính thức tuyên bố COVID-19 (dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona) gây ra là ĐẠI DỊCH TOÀN CẦU.
Theo đài CNN đưa tin, Tổng giám độc WHO, Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố đây là đại dịch đầu tiên xuất phát từ một dòng virus Corona.
"Chúng tôi quan ngại sâu sắc cả về mức độ lây lan nghiêm trọng và đáng báo động của nó, cũng như mức độ đáng báo động của việc không hành động. Chúng tôi gióng lên hồi chuông cảnh báo to và rõ ràng", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trước khi tuyên bố COVID-19 là đại dịch, theo Đài CNBC.
Trước đó thì Hãng tin Reuters đã dẫn lời giám đốc điều hành Ryan nói dùng chữ in đậm "đại dịch" để mô tả tình hình COVID-19 hiện nay, và điều này "không làm thay đổi những gì chúng tôi đang làm". Đồng thời cũng nhấn mạnh các quan chức y tế phải nhìn chữ "đại dịch" một cách "rất nghiêm túc", và nói thêm rằng "chúng tôi hiểu ý nghĩa của chữ này".
Tính đến tối 11.3 (giờ Việt Nam), trên website của trường y Đại học John Hopkins ghi nhận kể từ khi WHO xác nhận ca bệnh dương tính đầu tiên ở thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc vào cuối tháng 12.2019 thì dịch COVID-19 đã lan tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ ở trên thế giới. Tổng cộng đã có hơn 121.570 người nhiễm COVID-19, trong đó đã có 4.373 người thiệt mạng.
Khi tâm dịch xuất hiện ở Trung Quốc, Italy, Iran, Hàn Quốc. Trung Quốc trên 80.000 ca nhiễm, Italy trên 10.000 ca nhiễm, Iran 9.000 ca nhiễm, Hàn Quốc trên 7.700 ca. Dịch cũng đã lan rộng ra 47 quốc gia/vùng lãnh thổ của châu Âu. Một vài quốc gia châu Âu đang là điểm nóng bên cạnh Italy như Tây Ban Nha với trên 2.000 ca nhiễm, Đức trên 1.600 ca nhiễm. Ở bên kia bờ đại dương, Hoa Kỳ cũng đã ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm.
**Bạn đã hiểu chính xác về COVID-19 chưa?
WHO cũng cho biết số ca nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đại lục đã tăng tới 13 lần trong những ngày gần đây. WHO lo ngại trong những ngày tới và cả trong những tuần sắp tới, số ca nhiễm, số lượng người bị tử vong cũng như số lượng quốc gia/vùng lãnh thổ có ca mắc COVID-19 sẽ còn tăng lên.
Ông Tedros, người phải hứng chịu chỉ trích từ vài tháng qua và thường bị cáo buộc quá lạc quan về COVID-19, trong tuyên bố tối ngày 11-3 cũng đã đưa ra những phân tích sâu hơn và kèm theo cảnh báo về thương vong.
"Trong hai tuần gần đây, số lượng ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đã tăng 13 lần và số quốc gia bị ảnh hưởng tăng gấp 3. Trong những ngày và tuần sắp tới, chúng tôi cho rằng số lượng ca nhiễm, ca tử vong và các quốc gia chịu ảnh hưởng sẽ thậm chí tăng cao hơn", ông Tedros nói.
Vị tổng giám đốc WHO cũng cho rằng một số nước đã chứng tỏ khả năng kiểm soát và vượt khó trong đợt bùng phát COVID-19, nhưng ông cũng trách một số lãnh đạo quốc tế vì không hành động nhanh và mạnh trong việc ngăn dịch lây lan. Do vậy mà WHO đã quyết định đánh giá COVID-19 mang đặc điểm của một đại dịch.
Đài Fox News dẫn lời bác sĩ William Schaffner, giám đốc phụ trách y tế của Tổ chức quốc gia về dịch truyền nhiễm (NFID), nói rằng "các nhà khoa học dùng thuật ngữ 'đại dịch' để mô tả một loại virus mới xuất hiện và lây lan sang nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đó nghĩa là virus mới đang lan rộng và lây lan nghiêm trọng ở các quốc gia đó, nhưng nó không cho chúng ta biết mức độ nghiêm trọng của virus này".
Tuy vậy ông Ryan khẳng định các nước cần phải công khai chiến lược (khống chế dịch) của họ ngay bây giờ: "Thực tế là ngay bây giờ ở các nước, chúng ta đều có nhân viên y tế tuyến đầu đang cần được giúp đỡ. Chúng ta có các bệnh viện cần hỗ trợ. Chúng ta có những người cần được chăm sóc và chúng ta phải tập trung vào việc giúp cung cấp thiết bị cho nhân viên y tế tuyến đầu, cũng như những hỗ trợ và đào tạo mà họ đang cần để làm tốt công việc".
Lần gần đây nhất mà WHO tuyên bố một "đại dịch" là trong giai đoạn bùng phát cúm H1N1 vào năm 2009. Ông Tedros cho biết đây là lần đầu tiên có một chủng virus corona tạo ra đại dịch. Đợt bùng phát dịch SARS vào năm 2002-2003, cũng do một chủng virus corona khác gây ra, tuy nhiên SARS không được gọi là đại dịch vì đã kịp thời ngăn chặn.
Về cơ bản thì có 3 tiêu chuẩn chính để có thể kết luận một căn bệnh là đại dịch bao gồm:
- Là chủng virus có thể gây ra bệnh hoặc gây ra tử vong
- Bệnh lây lan liên tục từ người sang người
- Có các bằng chứng chứng minh rằng nó đang lây lan ra toàn cầu.
Trước đó, trong cuộc họp báo diễn ra lúc gần 3h sáng ngày 31/1 (theo giờ Việt Nam) ở Geneva (Thụy Sĩ), WHO đã tuyên bố sự bùng phát chủng virus corona mới (SARS-CoV-2) từ Trung Quốc là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu". Động thái này của WHO diễn ra khi số ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh viêm phổi cấp đã lên đến hơn 8.200 ca, vượt qua số ca nhiễm SARS (Hội chứng Hô hấp cấp nặng) giai đoạn 2002-2003.
Thực tế, WHO không còn có hạng mục phân loại bệnh là "đại dịch", ngoại trừ cúm. Các quan chức WHO đã báo hiệu trong nhiều tuần rằng họ có thể sử dụng từ "đại dịch" như một thuật ngữ mô tả dịch Covid-19 nhưng nhấn mạnh rằng nó không mang ý nghĩa pháp lý.
Bằng cách công bố đại dịch COVID-19, WHO đưa COVID-19 vượt lên trên cả các dịch bệnh gây chết người như Ebola ở Congo, Zika năm 2016, và Ebola năm 2014 ở Tây Phi. Những dịch bệnh này đều là trường hợp khẩn cấp quốc tế.
WHO định nghĩa đại dịch toàn cầu là một căn bệnh bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn thế giới. Hiện WHO chưa công bố nhiều chi tiết về cách làm hay chiến lược sắp tới để khắp nơi hiểu được có gì xảy ra khi COVID-19 bị coi là đại dịch.
Cập nhật nhanh nhất những khuyến cáo của WHO TẠI ĐÂY.