Ung thư phổi giai đoạn di căn có những triệu chứng nào?

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Ung thư phổi giai đoạn di căn có những triệu chứng nào?
Đây là căn bệnh hết sức nguy hiểm, tuy nhiên phần lớn bệnh nhân chỉ phát hiện khi ung thư phổi giai đoạn cuối bắt đầu có những biểu hiện ra bên ngoài.

1. Ngày càng nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh khi ung thư phổi vào giai đoạn cuối

Trường hợp của diễn viên Mai Phương – 33 tuổi bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi đã di căn vào xương mới phát hiện và điều trị bệnh không phải là một ca bệnh hiếm gặp. Mỗi năm, các bệnh viện u bướu ghi nhận hàng ngàn trường hợp tương tự, khiến việc điều trị vô cùng khó khăn.

Anh Nguyễn Văn U. – 43 tuổi (Hòa Bình) được đưa đến bệnh viện Việt Đức cấp cứu sau một cú ngã xe thông thường nhưng lại bị gãy xương. Theo các bác sĩ, xương của anh Út không thể cố định lại do có dấu hiệu "gãy tự nhiên"

Ảnh 1.

Nhiều trường hợp không phát hiện bệnh cho tới khi bước vào ung thư phổi giai đoạn cuối (Ảnh: Internet)

Theo chẩn đoán của các bác sĩ, anh Út bị gãy xương bệnh lý. Sau khi tiến hành xét ngiêm, chụp chiếu, các bác sĩ đã tìm thấy một khối u ở phổi. Anh Út được xác định là bị ung thư phổi giai đoạn cuối, đã di căn vào xương và gây ra tình trạng này.

Đáng nói hơn, thời gian trước đó, anh hoàn toàn khỏe mạnh bình thường và không có bất cứ triệu chứng nổi bật nào của ung thư phổi.

10 ngày trước khi xảy ra tai nạn, anh mới bắt đầu có triệu chứng ho. Lúc này, anh vẫn chủ quan cho rằng triệu chứng này là do thay đổi thời tiết và tự mua kháng sinh về sử dụng tại nhà. Đến thời điểm hiện tại, khi đã phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối, anh vẫn phải tiếp tục điều trị phần xương và tình trạng ho ngày một trầm trọng, diễn biến xấu đi.

Một trường hợp khác là của anh Bùi Văn Ch. (1984, Hạ Hoà, Phú Thọ) nhập Bệnh viện K trong tình trạng ho và khó thở kéo dài. Theo chẩn đoán của bác sĩ, anh Ch. bị ung thư phổi giai đoạn cuối, tràn dịch màng phổi.

Theo chia sẻ của người nhà anh Ch., trước đó, anh vẫn đi làm và sinh hoạt bình thường. Triệu chứng đau ngực, sốt, mệt mỏi, khó thở chỉ xuất hiện vài ngày trước khi anh nhập viện. Ban đầu, gia đình nhầm tưởng anh bị cảm cúm nên đã tự mua thuốc về điều trị nhưng bệnh không khỏi. Lúc này, anh Ch. mới nhập viện và được kết luận đã bị ung thư phổi giai đoạn cuối với nhiều khối u chèn ép thần kinh và đường hô hấp.

Đây chỉ là ba trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư phổi giai đoạn cuối mới phát hiện bệnh. Lúc này, việc điều trị là vô cùng khó khăn, tốn kém và hiệu quả điều trị cũng giảm đi rất nhiều.

2. Vì sao bệnh khó phát hiện cho tới khi ung thư phổi giai đoạn cuối?

TS Hoàng Đình Chân – Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt cho biết ung thư phổi không phải là bệnh hiếm gặp và tỉ lệ người mắc đang ngày một tăng lên và dần bị trẻ hóa.

Theo TS Chân, đây là căn bệnh có độ ác tính cao, nhưng bệnh nhân lại chỉ nhận thấy các triệu chứng khi đã bước vào ung thư phổi giai đoạn cuối. Lúc này, y học không thể can thiệp được nhiều.

Khác với các bệnh ung thư khác, ở giai đoạn sớm, ung thư phổi thường không có các dấu hiệu nổi bật. Các khối u thường "ẩn nấp" trong phổi hàng chục năm và âm thầm phát triển. Khi các triệu chứng như ho, đau tức ngực , khó thở, mệt mỏi, sụt cân xuất hiện cũng là lúc khối u đã bắt đầu phát triển nhanh, đồng nghĩa bệnh đã vào giai đoạn muộn.

Ngoài ra, các khối u do ung thư phổi không thể sờ thấy, nắn được hay thấy thay đổi các dấu hiệu báo rõ hơn. Do đó, việc nhận biết ung thư phổi vào giai đoạn sớm và vô cùng khó khăn.

Ung thư phổi bao gồm hai loại, là ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Cụ thể:

Loại ung thư phổi tế bào nhỏ nguy hiểm và ít phổ biến hơn hơn. Tuy nhiên, đa số trường hợp bệnh nhân không sống qua được 9 tháng do bệnh không thể điều trị đích mà chỉ tiến hành hóa trị, xạ trị. Còn với bệnh nhân ung thư không tế bào nhỏ, tỷ lệ bệnh nhân sống được trên 3 năm cao hơn.

Nếu được phát hiện sớm, bệnh nhân có thể sống khỏe mạnh từ những năm 80 của thế kỷ trước cho đến nay. Đây là những bệnh nhân may mắn phát hiện sớm nhờ tình cờ tiến hành chụp X-quang phổi và phát hiện dấu hiệu lạ. Sau khi làm các xét nghiệm thì tìm thấy tế bào ung thư phổi trong đờm, dịch màng phổi, dịch rửa phế quản.

Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm cận lâm sàng khác như chụp PET/CT, sinh thiết tổn thương chẩn đoán mô bệnh học, xạ hình xương…

Theo TS Chân, để hạn chế tình trạng phát hiện bệnh khi đã bước vào ung thư phổi giai đoạn cuối, mọi người nên duy trì một thói quen ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, không hút thuốc lá, khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát các nguy cơ.



Tác giả: Thảo Ngân