Bởi vì cả mụn trứng cá và mụn viêm nang lông đều xuất hiện dưới dạng sẩn viêm, mụn mủ hoặc nốt sần nên chúng thường khó phân biệt với nhau. Điểm khác biệt của chúng chính là cơ chế sinh bệnh.
Mụn trứng cá xuất phát từ sự tăng sinh của virus Propionibacterium acnes, còn viêm nang lông liên quan đến vi khuẩn tụ cầu vàng hoặc các yếu tố không nhiễm trùng khác.
Do biểu hiện lâm sàng tương tự, thường khó phân biệt mụn trứng cá với viêm nang lông và có thể gây ra chẩn đoán sai hoặc bỏ sót chẩn đoán, do đó trì hoãn hiệu quả điều trị. Mụn trứng cá thường sẽ tự hết trong vài ngày. Nhưng mụn viêm nang lông thường ít có biểu hiện tiến triển và kéo dài dai dẳng trên da nếu không có biện pháp điều trị sớm.
Dày sừng nang lông là hiện tượng lượng sừng được sản xuất quá mức khiến cho lỗ chân lông bị tắc nghẽn, tạo nên các mụn sừng cứng nhỏ ngay tại lỗ chân lông. Các mụn sừng này cũng mọc thành vùng, sần sùi và gây ngứa như mụn sẩn viêm nang lông nên rất dễ bị nhầm lẫn.
- Dày sừng nang lông và viêm nang lông đều là bệnh lý ngoài da không gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng lại làm mất thẩm mỹ trầm trọng.
- Dày sừng nang lông thường gặp ở những người da khô. Còn viêm nang lông lại là vấn đề của đa số người có cơ địa da dầu.
- Việc điều trị viêm nang lông có mục đích là tiêu diệt vi khuẩn, virus và nấm gây bệnh. Còn điều trị dày sừng nang lông chủ yếu là nhắm vào triệu chứng, làm tiêu sừng và hạn chế tái phát.
Mụn rộp sinh dục thường là do virus Herpes, HSV-1 và HSV-2 gây ra. Mụn rộp thường xuất hiện dưới dạng một hay nhiều mụn rộp ở trên hoặc xung quanh bộ phận sinh dục. Khi ở thể nhẹ, mọi người thường nhầm mụn rộp sinh dục với mụn nhọt thông thường, viêm nang lông hoặc lông quặp.
Tuy nhiên, nếu ở viêm nang lông là những mụn mủ thì mụn rộp sinh dục thường là những mụn nước dễ vỡ gây đau rát.
Ngoài ra, khi bộc phát mụn rộp sinh dục, người bệnh thường kèm theo các triệu chứng như sốt, đau nhức cơ thể hoặc sưng hạch. Triệu chứng của bộc phát viêm nang lông chỉ là nổi mụn sẩn, đỏ và ngứa vùng da bị viêm.
Vảy nến và viêm nang lông có triệu chứng khá giống nhau, đều là xuất hiện mảng mụn đỏ sần trên da gây ngứa, và có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên, nếu viêm nang lông là bệnh cấp tính do vi khuẩn, virus và nấm gây ra, thì vảy nến lại là tình trạng rối loạn tự miễn dịch mãn tính.
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác gây ra bệnh vảy nến, nên việc điều trị vảy nến còn gặp nhiều khó khăn, tốn rất nhiều thời gian và công sức so với điều trị bệnh viêm nang lông.
Viêm mô tế bào và viêm nang lông đều có biểu hiện là nổi mụn sẩn đỏ và ngứa trên bề mặt da. Tuy nhiên, nếu như viêm nang lông chỉ ảnh hưởng tới nang lông, thì viêm mô tế bào lại ảnh hưởng sâu và rộng đến toàn bộ lớp hạ bì và chất béo dưới da.
Vì vậy, nếu nhìn kỹ, bạn có thể thấy, viêm mô tế bào là các mảng đỏ trên da, còn viêm nang lông là các mụn sẩn đỏ riêng biệt. Viêm mô tế bào và viêm nang lông đều do vi khuẩn gây ra và có thể xuất hiện ở bất kì vùng cơ thể nào. Viêm mô tế bào và viêm nang lông đều có thể biến chứng thành áp-xe nên cần được chẩn đoán phân biệt và điều trị sớm.